Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Sản xuất ô tô mong được trợ giúp
Thanh Hương - 29/03/2020 10:05
 
Các nhà sản xuất ô tô rất chờ mong những giải pháp trợ giúp để vượt qua khó khăn trong bối cảnh kế hoạch đầu tư, mở rộng sản xuất không triển khai được như mong đợi bởi việc hạn chế đi lại, mức tiêu thụ sụt giảm... do tác động của dịch Covid-19.
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đang chịu tác động bởi Covid-19. Ảnh: Đức Thanh
Hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp ô tô tại Việt Nam đang chịu tác động bởi Covid-19. Ảnh: Đức Thanh

Đầu tư, sản xuất đều khó

Khi đề xuất hỗ trợ các doanh nghiệp ngành ô tô được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) gửi tới Chính phủ và các bộ, thì cũng là lúc theo yêu cầu của Tập đoàn mẹ, Công ty Ford Việt Nam tuyên bố tạm dừng sản xuất từ ngày 26/3 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Giữ hơn 10% thị phần trên thị trường ô tô và vừa đưa ra quyết định đầu tư thêm 82 triệu USD vào Việt Nam để nâng cấp, mở rộng Nhà máy tại Hải Dương từ năm 2020 với mục tiêu tăng sản lượng từ 14.000 xe/năm hiện nay, lên 40.000 xe/năm vào giữa năm 2020, quyết định tạm dừng sản xuất của Ford Việt Nam vào lúc này cũng đồng nghĩa, hoạt động đầu tư sẽ bị đình trệ.

Nước Mỹ đang bước vào giai đoạn gia tăng của dịch bệnh và chưa biết lúc nào sẽ kết thúc, việc đưa các chuyên gia nước ngoài và cán bộ có tay nghề cao sang phục vụ dự án của Ford Việt Nam chắc chắn gặp khó khăn, bên cạnh độ trễ trong hoạt động chế tạo và vận chuyển máy móc, thiết bị để mở rộng nhà máy.

Không riêng Ford Việt Nam, hoạt động đầu tư, mở rộng nhà máy tại Việt Nam của một số doanh nghiệp ngành ô tô như Toyota Việt Nam hay Mitsubishi Việt Nam cũng sẽ bị tác động nhất định bởi Covid-19.

Với khâu sản xuất, ông Toru Kinoshita, Chủ tịch VAMA cũng cho hay, dù việc nhập khẩu vật tư linh kiện là đầu vào cho sản xuất hiện vẫn tạm thời được duy trì, nhưng thời gian tới, chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng, do nhiều nước đã phong tỏa một hay nhiều khu vực, thậm chí cả quốc gia để đối phó với dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor cho hay, những phụ tùng, linh kiện có hàm lượng công nghệ cao trong xe du lịch chỉ được sản xuất tại châu Âu hay Mỹ để đảm bảo chất lượng, do đó là công nghệ nguồn. Bởi vậy, khi nhiều nước châu Âu và Mỹ phong tỏa nhiều khu vực tại đất nước của họ, thì dây chuyền sản xuất ô tô tại nhiều nước trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ… cũng bị ảnh hưởng theo, chứ không riêng Việt Nam.

Giãn/giảm thuế, tăng giao dịch online

Với thực tế lượng xe đến sửa chữa đang giảm khoảng 30 - 40% và dự báo, về lâu dài có thể giảm mạnh tới 60 - 70% nếu dịch bệnh trở nên nghiêm trọng, trong khi doanh số bán hàng đang giảm khoảng 20% ở nhiều doanh nghiệp, VAMA cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc giảm 50% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) và 50% thuế trước bạ cho khách mua ô tô để kích cầu tiêu dùng.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp buộc phải điều chỉnh giảm kế hoạch sản xuất, thậm chí đóng cửa nhà máy trong thời gian nhất định để tìm nguồn cung hàng thay thế. Mặt khác, nhu cầu thị trường giảm sút cũng gây áp lực giảm sản lượng nói chung.

- Ông Kinoshita, Chủ tịch VAMA

Các doanh nghiệp ngành ô tô cũng kỳ vọng, Chính phủ cho giãn nộp thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt hàng tháng trong thời gian ít nhất từ tháng 3 đến tháng 9/2020, theo dự thảo nghị định mà Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng.

Theo tính toán của một chuyên gia, nếu tính với thị trường tiêu thụ 300.000 chiếc/năm, bình quân mỗi xe giá 300 triệu đồng chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT, thì hai loại thuế này cộng lại cũng đóng góp cho ngân sách tới 45.000 tỷ đồng/năm.

Do hạn chế đi lại để phòng, chống dịch bệnh, VAMA đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải chấp nhận kết quả đánh giá chất lượng sản phẩm (COP) tại nước ngoài còn hiệu lực để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận chất lượng cho xe và linh kiện nhập khẩu. Sau khi hết dịch, doanh nghiệp cam kết thực hiện đánh giá COP theo đúng quy định.

Một kiến nghị khác cũng thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông - Vận tải được doanh nghiệp đề xuất dịp này là nhanh chóng áp dụng cấp Phiếu chứng nhận xuất xưởng qua mạng, thay vì phải tới Cục Đăng kiểm Việt Nam mua phôi phiếu như hiện nay.

Trong điều kiện chính phủ điện tử đã hoạt động, hàng loạt dịch vụ công ở các bộ, ngành, địa phương được triển khai mạnh mẽ, đây cũng là giải pháp có thể thực hiện ngay, nhằm giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

“Hiện nay, Dự thảo sửa đổi Nghị định số 25/2017/CP-NĐ đã được Bộ Tài chính trình lần thứ 2, dù không phải vì mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp ngành ô tô khi gặp khó do dịch Covid-19, nhưng lúc này, doanh nghiệp đang khó khăn, thì việc có những giải pháp cụ thể như vậy cần được ban hành sớm, để doanh nghiệp có thêm động lực vượt khó”, lãnh đạo một doanh nghiệp ngành ô tô bày tỏ.

Sản xuất ô tô trong nước hay nhập khẩu?
Tăng trưởng doanh thu bán hàng là cơ sở để nhiều thương hiệu ô tô triển khai kế hoạch mở rộng sản xuất tại Việt Nam, nhưng trên thực tế,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư