Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sản xuất thép trong nước lo "thót tim" với đề xuất của Bộ Tài chính
Thanh Hương - 23/07/2021 09:29
 
Ý định hạn chế xuất khẩu phôi thép, mở toang thị trường nhiều mặt hàng thép xây dựng cho nước ngoài thông qua thuế của Bộ Tài chính khiến các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa choáng váng.

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã gửi văn bản đề nghị Bộ Tài chính không điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phôi thép (mã HS 7206, 7207) và không giảm thuế nhập khẩu MFN đối với các mặt hàng thép thành phẩm (mã HSC 7213, 7214, 7215, 7216 và 7210).

Cần nhớ rằng đề xuất tăng thuế xuất khẩu phôi thép và giảm thuế nhập khẩu MNF với một số mặt hàng thép xây dựng chủ yếu phục vụ thi công công trình có xuất phát điểm là giá thép thời gian qua đã tăng mạnh và được Bộ Tài chính cho rằng, “ảnh hưởng lớn đến tiến độ và giải ngân cũng như chi phí dự phòng của các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư công; ảnh hưởng đến chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất”.

Dẫu vậy, Bộ Tài chính cũng thừa nhận thực tế, giá thép xây dựng trong nước liên tục tăng mạnh chủ yếu do tăng giá nguyên liệu sản xuất thép và ngành thép phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu từ bên ngoài.

Phân tích thực tế này, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch VSA cho hay, phần lớn nguyên liệu đầu vào sản xuất thép (quặng sắt, thép phế liệu, than mỡ luyện cốc, điện cực grapite...) đều nhập khẩu, và khi giá các nguyên liệu này tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu đã lập tức ảnh hưởng tới các nhà sản xuất Việt Nam, khiến giá thành bị đẩy lên.

“Nguyên nhân tăng giá thép do thị trường nguyên liệu thế giới biến động và không phải do tác động của các chính sách thuế cũng như các chính sách phòng vệ thương mại được áp dụng đối với các sản phẩm thép”, ông Đa chia sẻ.

Theo phân tích này, Trung Quốc đang chi phối hoàn toàn giá quặng sắt thế giới với 70% lượng quặng nhập đường biển toàn cầu. Nước này cũng đẩy mạnh đầu tư nhằm phục vụ sau dịch Covid-19, nên các nhà sản xuất tích cực dự trữ, nhập nguyên liệu sản xuất... Ngoài ra, lo ngại căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Australia cũng góp phần đẩy giá quặng sắt tăng.

Việc Covid-19 kéo dài dẫn tới chi phí vận tải, thiếu container tàu biển, logistics phát sinh lớn cũng làm ảnh hưởng tăng giá thành sản xuất thép.

Theo VSA, để sản xuất ổn định, liên tục và cung ứng đủ hàng cho thị trường, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải chấp nhận mua giá nguyên liệu cao trong nửa cuối năm 2020 và những tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, từ đợt dịch bắt đầu bùng phát cuối tháng 4 đến thời điểm hiện tại, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 15,16 của Chính phủ. Vì vậy, công tác xây dựng cơ bản từ công nghiệp đến dân dụng đều ngưng trệ, tình hình tiêu thụ thép trong nước lại giảm mạnh. Cùng lúc đó, trên thị trường thế giới, giá thép đã quay đầu giảm liên tục từ cuối tháng 5. Hiện giá thép thành phẩm đang giảm từng ngày, thấp hơn so với các nước khác trong khu vực và thế giới.

Với thực tế “tương lai giá thép trong nước vẫn sẽ bị ảnh hưởng bởi giá thị trường thế giới”, VSA cũng cho rằng, “nếu áp dụng chính sách thuế mới sẽ làm tăng áp lực tồn tại với các nhà sản xuất thép trong nước, một số nhà sản xuất thép có thể phá sản nếu chính sách mới được áp dụng”.

Ở khía cạnh khác, VSA cũng cho rằng, xuất khẩu thép hiện tại là hướng mở rộng thị trường để tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo việc làm cho lao động, mang lại nguồn doanh thu cho doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp.

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu thép thu về 4,9 tỷ USD và 6,1 tỷ USD trong năm 2020, góp phần giảm thâm hụt cán cân thương mại và tăng kim ngạch xuất khẩu, tạo việc làm cho hàng trăm ngàn lao động cả nước.

“Cần chính sách thuế xuất, nhập khẩu dài hạn, góp phần thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, trong đó có thép, chứ không phải là giải pháp ngắn hạn trước mắt để xử lý hiện tượng tăng, giảm của thị trường nhất thời", ông Đa nhấn mạnh.

Tính chung 6 tháng đầu năm, sản xuất thép thành phẩm các doanh nghiệp đạt gần 16 triệu tấn, tăng 37%. Bán hàng đạt hơn 14 triệu tấn, tăng 35% trong đó bán hàng nội địa đạt hơn 10 triệu tấn, tăng 16% và xuất khẩu thép thành phẩm 4 triệu tấn, tăng 84% so với cùng kỳ năm 2020. Từ đó cho thấy ngành thép hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu trong nước và dư để xuất khẩu
Giá thép quay đầu giảm, nhà thầu xây dựng chưa hết lo
Sau nhiều lần tăng giá từ cuối năm 2020, giá thép đang có dấu hiệu quay đầu giảm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong ngành xây dựng vẫn chưa hết nỗi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư