Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Sản xuất, tiêu thụ xi măng của nhiều doanh nghiệp Vicem gặp khó do dịch Covid-19
Thế Hải - 14/10/2021 16:33
 
Nhiều doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đã bị tác động tiêu cực trong hoạt động sản xuất kinh doanh từ đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đến nay.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ xi măng của các doanh nghiệp thuộc Vicem.
Đợt dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ xi măng của các doanh nghiệp thuộc Vicem

Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) vừa tổ chức Hội nghị Sơ kết sản xuất kinh doanh quý III và 9 tháng đầu năm 2021.

Đánh giá kết quả và nguyên nhân tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh quý III/2021 cho thấy đại dịch Covid-19 lần thứ 4 (từ 27/4/2021 đến nay) đã ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong đó có sản xuất kinh doanh của Vicem.

Đơt dịch lần thứ 4 đã tác động tiêu cực đến các đơn vị như Vicem Hà Tiên, Vicem Hoàng Mai, Bút Sơn...

Đối với Vicem Bút Sơn, do các thị trường cốt lõi đều nằm trong khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đặc biệt là Hà Nội, từ ngày 24/7/2021 đến 21/9/2021 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ nên các công trình xây dựng phải ngừng thi công.

Ngoài ra, sản lượng tiêu thụ tại các đia bàn lân cận Hà Nội như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Bắc Ninh…cũng giảm do khó khăn trong vận chuyển xi măng, ảnh hưởng bởi việc kiểm soát phương tiện vận tải, tăng chi phí xét nghiệm Covid-19 cho lái xe.

Vicem Hoàng Mai khó khăn trong việc thuê phương tiện vận tải đi các địa bàn xa nhà máy Quảng Bình, Quảng Trị… từ giữa tháng 7/2021 tỉnh Hà Tĩnh kiểm soát chặt phương tiện vận tải để phòng chống dịch. Từ 23/8/2021 tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện giãn cách tại hầu hết các huyện trong tỉnh.

Tại phía Nam, Vicem Hà Tiên cũng chịu tình cảnh này do TP.Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo chỉ thị 16 từ ngày 9/7/2021 và đến 19/7/2021 các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ cũng thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đến cuối tháng 9 và tương tự với Trạm nghiền phía Nam của Vicem Hạ Long.

"Hầu hết các đơn vị của Vicem đều khó khăn trong công tác vận tải cả đường bộ và đường thủy. Xi măng xuất khẩu của toàn Vicem giảm do thị trường xuất khẩu chính là Philippines,Trung Quốc cũng gặp khó khăn do đang là mùa mưa bão và tình trạng bùng phát dịch bệnh gần đây (Philippines), cước tàu biển tăng cao và rất khó thuê được tàu", lãnh đạo Vicem cho hay.

Đợt giãn cách quy mô lớn đã khiến tiêu thụ xi măng trong nước của toàn xã hội quý III/2021 chỉ đạt 11,77 triệu tấn giảm, giảm 23,7% so với cùng kỳ, trong đó Vicem chỉ đạt 3,96 triệu tấn giảm 20,8% so với cùng kỳ và bằng 71,5% so với kế hoạch.

Theo báo cáo quý III/2021 của Vicem, so với cùng kỳ 2020, chỉ có 2 thương hiệu là Vicem Hải Phòng và Vicem Hoàng Thạch có sản lượng bằng và cao hơn cùng kỳ. 5 thương hiệu còn lại có sản lượng tiêu thụ thấp hơn so với cùng kỳ đặc biệt Vicem Hà Tiên 1 và Vicem Hạ Long (thị trường tiêu thụ nằm trong địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam) thấp hơn nhiều so cùng kỳ 2020.

Tiêu thụ sụt giảm đã tác động trực tiếp đến lợi nhuận. Lợi nhuận trước thuế quý III/2021 toàn Vicem chỉ đạt 3,2% kế hoạch quý, bằng 2,4% so cùng kỳ, trong đó lợi nhuận công ty Mẹ giảm 62% so với cùng kỳ, lợi nhuận các công ty sản xuất Xi măng lỗ 79,6 tỷ giảm 390,8 tỷ so cùng kỳ 2020.

Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp tại một số địa phương, mùa mưa bão đã đến...tiếp tục là trở ngại cho tiêu thụ xi măng trong thời gian tới.

Ông Lê Nam Khánh, Tổng giám đốc Vicem cho biết, các doanh nghiệp thuộc Vicem tiếp tục thực hiện triệt để các giải pháp phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn cho người lao động và triển khai các giải pháp đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả, dồn lực cho kinh doanh và tiêu thụ trong quý 4/2021.

Về sản xuất, phải tăng cường quản lý, theo dõi, giám sát thiết bị và các thông số công nghệ của hệ thống Lò nung, duy trì thiết bị hoạt động ổn định, an toàn và đảm bảo chất lượng sản phẩm, tiết giảm định mức tiêu hao. Cân đối việc huy động năng lực thiết bị hợp lý, tiến hành cải tạo, bảo dưỡng, sửa chữa, tối ưu hóa các điều kiện hoạt động của thiết bị nhằm đảm bảo an toàn trong sản xuất.

Đối với công tác tiêu thụ, tiếp tục bám sát tình hình thực tế thị trường tiêu thụ của các công ty tư vấn, hỗ trợ, đôn đốc, phối hợp các đơn vị xây dựng kịch bản chi tiết (cơ cấu sản phẩm, cơ cấu địa bàn…) để điều hành linh hoạt đảm bảo đẩy mạnh tiêu thụ và hiệu quả. Rà soát cân đối dòng tiền công ty Mẹ hợp lý, hiệu quả hỗ trợ các đơn vị thành viên gặp khó khăn về tài chính. Tiếp tục rà soát, xây dựng lộ trình xử lý các tồn tại về tài chính, đặc biệt là vật tư tồn kho ứ đọng.

Xuất khẩu xi măng, clinker tăng tốc, 9 tháng thu về 1,253 tỷ USD
9 tháng 2021, ngành xi măng đã xuất bán ra thị trường nước ngoài 32,687 triệu tấn xi măng, clinker, trị giá 1,253 tỷ USD, tăng 16,3% về lượng và tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư