Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 26 tháng 12 năm 2024,
Sập bẫy giấc mộng làm giàu chóng vánh
Hà Tâm - 16/03/2016 08:15
 
Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) vừa khuyến cáo người dân cẩn thận khi tham gia mua, bán tiền ảo. Đây không phải là lần đầu tiên lời cảnh báo được đưa ra, song sự biến tướng của tiền ảo với những lời quảng cáo hấp dẫn vẫn khiến nhiều người “sập bẫy” bởi giấc mộng làm giàu chóng vánh.

Không chỉ rủ rê mua - bán tiền ảo đợi giá lên kiếm lời, thời gian gần đây, xuất hiện nhan nhản những lời mời chào tham gia mạng lưới tiền ảo theo hình thức đa cấp, phổ biến là các loại tiền ảo như Swisscoin, Bitcoin, Onecoin, Gem coin, IL coin…  Theo đó, chỉ cần bỏ ra từ 10 đến 50 triệu đồng, nhà đầu tư có cơ hội thu về 100-300 tỷ đồng trong vòng 3 năm.

Các đồng tiền ảo trên hoạt động khá giống nhau, theo sơ đồ nhị phân - một hình thức điển hình của kinh doanh đa cấp. Theo đó, càng mời được nhiều người tham gia hệ thống thì nhà đầu tư càng được nhiều quyền lợi, nhiều tiền thưởng. Thực chất, khoản tiền thưởng này là lấy của người tham gia sau để trả cho người trước.

.
.

Đáng nói là, các mạng lưới tiền ảo đều không có trụ sở, lai lịch công ty không rõ ràng, chỉ có đội ngũ tư vấn “chém gió” sẵn sàng đến gặp mặt khách hàng ngay tại nhà, tại quán cà phê bình dân hay tại quán trà đá, trả thưởng rất hấp dẫn, bám riết con mồi…        

Thế nhưng, vì mờ mắt với lợi nhuận ảo, không ít nhà đầu tư đã nhắm mắt bỏ tiền tham gia mạng lưới, thậm chí lôi kéo cả người thân tham gia để rồi tất cả cùng mất trắng.

Cơ quan công an cho hay, đã nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không nhận được tiền điện tử quy đổi sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng. Chưa kể, hệ thống mạng lưới tiền ảo bị hacker đánh sập như tại nhiều nước như Hồng Kông, Nhật Bản là rất dễ.

Trên thực tế, không phải nhà đầu tư không biết đến rủi ro từ kinh doanh tiền ảo. Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo và khẳng định, tiền ảo không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán tại Việt Nam, đầu tư tiền ảo sẽ không được pháp luật bảo vệ. Song mức hoa hồng mê hoặc và lòng tham mù quáng đã khiến các nhà đầu tư tự đẩy mình vào bẫy lừa đảo.

Đến nay, nhiều nước như Thái Lan, Trung Quốc, Nga… đã cấm kinh doanh tiền ảo. Vậy tại sao ở Việt Nam, hình thức đầu tư tiền ảo đa cấp mang bóng dáng lừa đảo này đã xuất hiện nhiều năm, nhưng cơ quan quản lý không có biện pháp ngăn chặn?

Cho đến nay, quan điểm của các bộ, ngành về vấn đề này vẫn rất khác nhau. Trong khi Bộ Công an muốn đưa các vụ việc này ra khởi tố, thì Bộ Tài chính lại cho rằng, kinh doanh tiền ảo không nằm trong các hoạt động kinh doanh mà pháp luật cấm đoán, vì vậy không nên hình sự hóa hoạt động này, mà cần có cơ chế quản lý phù hợp để giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, đồng thời tránh thất thu thuế.  

Rõ ràng, bên cạnh đưa ra những khuyến cáo, đã đến lúc các cơ quan quản lý cần có biện pháp quản lý phù hợp. Về phía nhà đầu tư, việc nâng cao kiến thức tài chính và cảnh báo cho người dân kịp thời là vô cùng cần thiết. Còn với những người thấy trước rủi ro mà vẫn lao vào canh bạc thì sẽ phải trả giá bởi lòng tham của chính mình.

Tương lai mịt mờ của tiền ảo
Dù tung ra rất nhiều lời đường mật, song trào lưu kinh doanh tiền ảo tại Việt Nam ngày càng đi xuống do những chiêu trò kinh doanh, đặc biệt là...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư