Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sắp hết thời “thả rông” các tuyến cao tốc
Anh Minh - 24/05/2022 15:40
 
Lộ trình xây dựng các văn bản pháp lý để thu phí dịch vụ sử dụng hàng ngàn km đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư kéo dài suốt 2 năm qua đang đi đến giai đoạn cuối.
Hiện tiến độ xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản pháp lý liên quan đến việc thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là rất gấp. Ảnh: Đức Thanh

Chốt thu theo cơ chế giá

“Chúng tôi đang đợi ý kiến góp ý của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (GTVT) để tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT có ý kiến chính thức với Dự thảo Hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về quy định thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Tinh thần là rất khẩn trương để sớm báo cáo cấp có thẩm quyền theo đúng kế hoạch”, một lãnh đạo Vụ Tài chính (Bộ GTVT) cho biết.

Đầu tháng 5/2022, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3957/BTC-QLG gửi Bộ GTVT đề nghị tham gia ý kiến về Dự thảo Hồ sơ báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc quy định thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc qua trạm thu phí do Nhà nước đầu tư theo cơ chế giá. Tại công văn này, Bộ Tài chính dự kiến tiến hành thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc qua trạm thu phí do Nhà nước đầu tư theo cơ chế giá theo 2 phương án.

Cụ thể, với phương án 1, Dự thảo hồ sơ sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc Nhà nước đầu tư trên tất cả các tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư nói chung. Với phương án 2, Dự thảo sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc Nhà nước đầu tư trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông vào danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá theo đề xuất của Bộ GTVT hồi cuối tháng 2/2022.

“Căn cứ nhu cầu vốn ngân sách nhà nước cho công tác đầu tư xây dựng mới và quản lý vận hành, bảo trì các tuyến đường cao tốc trong thời gian tới, cũng như để đảm bảo nguyên tắc đối xử công bằng giữa các đường cao tốc, Bộ Tài chính lựa chọn thực hiện theo phương án 1”, ông Tạ Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Đây đã là bước tiến dài trong việc hoàn chỉnh cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước có thể khởi động việc thu phí sử dụng đường bộ đối với các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư, đặc biệt là việc Bộ Tài chính và Bộ GTVT đã thống nhất được việc triển khai thu theo cơ chế giá. Trước đó, Bộ GTVT nghiêng về phương án thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư theo quy định pháp luật về phí, lệ phí.

Ngoài việc “chê” phí sử dụng đường cao tốc được đề cập tại Đề án do Bộ GTVT xây dựng vào năm 2020 là không tạo được sự minh bạch về thời gian thu phí để làm cơ sở xác định mức thu phí phù hợp, Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất bổ sung phí sử dụng đường cao tốc thông qua trạm thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục phí sẽ khó nhận được sự đồng thuận của người dân, cũng như các cơ quan của Quốc hội.

Bên cạnh đó, theo Bộ Tài chính, đề xuất này cũng không khuyến khích thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng hạ tầng đường bộ do cùng sử dụng dịch vụ sử dụng đường cao tốc như nhau, chủ phương tiện trả phí sẽ thấp hơn mức giá dịch vụ.

Hiện vẫn còn một điểm cấn cá khác cần tiếp tục phải làm rõ liên quan đến phạm vi áp dụng việc thu phí các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư.

Tại Thông báo số 154/TB-VPCP ngày 7/6/2021 và Thông báo số 217/TB-VPCP ngày 23/8/2021, lãnh đạo Chính phủ chỉ giao Bộ GTVT và Bộ Tài chính nghiên cứu phương án thu hồi vốn đầu tư của Nhà nước đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Tuy nhiên, theo Công văn số 1349/BGTVT-TC ngày 14/1/2022, Công văn số 1774/BGTVT-TC ngày 25/2/2022 gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất bổ sung dịch vụ sử dụng đường cao tốc do Nhà nước đầu tư vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá vào Luật Giá. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT làm rõ tên, phạm vi dịch vụ dự kiến đề xuất bổ sung vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

“Trường hợp Bộ GTVT nghiên cứu, đánh giá thấy sự cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền bổ sung dịch vụ sử dụng đường bộ cao tốc Nhà nước đầu tư trên tất cả các tuyến cao tốc Nhà nước đầu tư nói chung, đề nghị Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu, bổ sung các nội dung liên quan tại Dự thảo để trình cấp có thẩm quyền”, lãnh đạo Bộ Tài chính nêu quan điểm.

Nguy cơ lụt đề án

Được biết, trong trường hợp chỉ tiến hành thu phí đối với các đoạn đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư trên tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, sẽ có khoảng 20 đoạn tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam nằm trong phạm vi thu phí.

Nếu tiến hành thu phí toàn bộ các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư như Bộ Tài chính đề xuất, danh sách này sẽ tăng lên 26 đoạn tuyến, thậm chí sẽ tăng lên 29 đoạn tuyến nếu Quốc hội chấp thuận đầu tư 3 dự án cao tốc là Biên Hòa - Vũng Tàu, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng bằng vốn ngân sách nhà nước.

Hiện tiến độ xây dựng, hoàn thiện dự thảo văn bản pháp lý liên quan đến việc thu phí đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là rất gấp. Theo tiến độ được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, vào cuối tháng 12/2022, Bộ GTVT sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 5 dự án thành phần sử dụng vốn đầu tư công thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 bao gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây; năm 2023 sẽ hoàn thành đưa vào khai thác 3 dự án khác: Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu và cầu Mỹ Thuận 2.

Đối với 12 dự án thành phần thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2022 - 2025, đầu tư theo Nghị Quyết số 44/2022/QH15, hiện Quốc hội đã chốt tiến độ hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác, vận hành từ năm 2026.

Như vậy, nếu không thể có trong tay sự chấp thuận của Ủy ban Thường vụ Quốc hộ trong vòng 3 tháng tới, thì đến ngày 1/1/2023, sẽ có tới 7 đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam do Nhà nước đầu tư sẽ phải “thả rông” và đến năm 2026 có thêm 25 đoạn tuyến, gây lãng phí lớn.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI), các cơ quan quản lý nhà nước không nên lặp lại bài học đắt giá khi dừng thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương trong suốt 3 năm qua.

Được biết, sau khi hoàn thành vào năm 2010 với chi phí đầu tư gần 10.000 tỷ đồng bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương đã được thu phí từ tháng 2/2010 đến hết ngày 31/12/2018. Sau khi tạm dừng thu, lưu lượng phương tiện trên tuyến đường này tăng đột biến, do nhiều phương tiện không cần di chuyển tốc độ cao cũng đi vào đường cao tốc, gây hiện tượng nghẽn luồng lưu thông tốc độ cao.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tốc độ lưu thông trung bình của tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương chỉ còn đạt khoảng 60 km/h, hụt một nửa so với vận tốc thiết kế là 120 km/h. Do dừng thu phí, nên ngân sách nhà nước không thu hồi được vốn đầu tư, trong khi hàng năm phải chi thêm hàng chục tỷ đồng tiền bảo trì do lưu lượng tăng đột biến, dẫn đến hiệu quả của công trình bị ảnh hưởng cả về kinh tế lẫn khả năng khai thác.

Theo Bộ GTVT, để thực hiện mục tiêu 5.000 km đường bộ cao tốc theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, trong đó đến năm 2020 đã hoàn thành 1.163 km với số vốn ngân sách nhà nước đã bố trí khoảng 70.000 tỷ đồng, thì nhu cầu các nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 khoảng 813.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 80.000 tỷ đồng/năm, trong khi mỗi năm Chính phủ chỉ có thể cân đối tối đa khoảng 25.000 tỷ đồng.

Nếu cho phép thu phí các tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đến năm 2023, mỗi năm Nhà nước có thể thu được từ 8.000 - 11.000 tỷ đồng tiền phí - một khoản kinh phí rất đáng kể để tiếp tục đầu tư mở rộng mạng lưới cao tốc quốc gia.

Ngoài việc không tạo được nguồn thu để đầu tư cho các tuyến cao tốc mới, việc không thu phí sử dụng đường bộ các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư còn chất thêm gánh nặng bảo trì cho ngân sách nhà nước.

Kinh phí hàng năm cho công tác bảo trì đường bộ (trong đó có hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư) được bố trí từ ngân sách nhà nước. Theo số liệu thống kê, những năm qua, ngân sách chỉ cân đối được khoảng 830 triệu đồng/km đường cao tốc, mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu quản lý, vận hành và bảo trì thường xuyên, kinh phí kiểm toán an toàn và sửa chữa định kỳ chưa được bố trí đúng thời hạn, ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tốc độ khai thác.

Dự kiến đến năm 2025, sẽ có khoảng 1.620 km đường cao tốc đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước hoàn thành và đi vào hoạt động, yêu cầu kinh phí cho quản lý, bảo trì đường cao tốc hàng năm sẽ rất lớn. Tổng nhu cầu kinh phí quản lý, bảo trì giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 9.067 tỷ đồng, bình quân 1.813 tỷ đồng/năm.

“Vì vậy, cần có nguồn kinh phí đảm bảo bố trí đúng, đủ cho công tác quản lý, vận hành và bảo trì đường cao tốc, nếu không chất lượng đường sẽ xuống cấp nghiêm trọng, gây thiệt hại cho xã hội và người tham gia giao thông”, ông Trần Chủng, Chủ tịch VARSI đánh giá.

Tại Tờ trình số 160/TTr-TCĐBVN ngày 30/11/2021 về phương án thu hồi vốn nhà nước đã đầu tư vào các đoạn đường bộ sử dụng toàn bộ vốn đầu tư công trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đề xuất một phương thức tổ chức quản lý, khai thác, vận hành duy nhất là cơ quan quản lý nhà nước (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí (căn cứ trên định mức chi tổ chức thu phí được cấp có thẩm quyền ban hành) để tổ chức thu. Tổng cục Đường bộ Việt Nam có trách nhiệm giám sát công tác thu phí.

Với mức thu phí dự kiến từ 1.000 - 1.500 đồng/xe tiêu chuẩn/km, số phí thu được (sau khi trừ các khoản chi tổ chức thu phí) được nộp vào ngân sách nhà nước. Để đảm bảo khách quan, minh bạch, 8 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư bằng 100% vốn nhà nước sẽ áp dụng công nghệ thu phí điện tử không dừng.
Rốt ráo khởi động thu phí cao tốc Bắc - Nam
Đề án Khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đối với các tuyến cao tốc thuộc Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư