Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sắp kết thúc lộ trình thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác
Thùy Vinh - 18/09/2018 19:37
 
Nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36/2015/TT-NHNN (Thông tư 36) và chủ trương loại bỏ sở hữu chéo, từ đầu năm đến nay, các ngân hàng còn sở hữu vốn tại nhà băng khác đã đẩy mạnh thoái vốn và sắp kết thúc lộ trình, nhờ cổ phiếu “vua” khởi sắc.

Thoái được vốn

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo sẽ tổ chức đấu giá cổ phần Ngân hàng Quân đội (MB) do Vietcombank sở hữu. Cụ thể, Vietcombank chào bán 53,4 triệu cổ phiếu MBB của MB với giá khởi điểm 19.641 đồng/cổ phiếu. Theo mức giá này, Ngân hàng sẽ thu về ít nhất 1.048 tỷ đồng. Thời gian đấu giá dự kiến là ngày 12/10.

Vietcombank là trường hợp hiếm hoi chưa thoái vốn tại các tổ chức tín dụng khác về dưới mức 5%. Ảnh: Đức Thanh
Vietcombank là trường hợp hiếm hoi chưa thoái vốn tại các tổ chức tín dụng khác về dưới mức 5%. Ảnh: Đức Thanh

Được biết, Vietcombank đang nắm khoảng 150,6 triệu cổ phiếu MBB và 101 triệu cổ phiếu EIB của Eximbank. Nếu chào bán thành công 53,4 triệu cổ phiếu MBB, Vietcombank sẽ giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 5% và không còn là cổ đông lớn của MB.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 diễn ra quý II/2018, ông Nguyên Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng còn nắm cổ phần cao hơn 5% ở 2 tổ chức tín dụng là MB và Eximbank. Nhà băng này chuẩn bị thoái vốn khỏi MB. Còn tại Eximbank, mới đây, Vietcombank đã rút người khỏi ngân hàng này. Theo đó, ông Trần Lê Quyết không còn làm người đại diện phần vốn góp của Vietcombank tại Eximbank.

Chủ tịch HĐQT Vietcombank cũng cho hay, Ngân hàng sẽ thoái vốn khỏi Eximbank về dưới 5% trong năm nay để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36. Vietcombank hiện là cổ đông lớn sở hữu trên 8% vốn tại Eximbank.

Mới đây, Vietcombank cũng đã thực hiện thoái vốn tại nhiều tổ chức tín dụng như Saigonbank, Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) và vừa thoái hết vốn khỏi Ngân hàng OCB hôm 6/9.

Trước đó, VietinBank cũng đã hoàn tất việc thoái bớt vốn khỏi Saigonbank và Eximbank thoái sạch vốn (trên 7,8%) khỏi Sacombank, nhằm đáp ứng quy định Thông tư 36.

TS. Bùi Quang Tín cho rằng, việc các ngân hàng đẩy mạnh thoái vốn nhằm đáp ứng quy định của Thông tư 36 là cần thiết, vì thực tế, sở hữu chéo làm lũng đoạn hệ thống ngân hàng và điều đó đã để lại hậu quả cho ngành thời gian qua. Đó cũng là lý do để Ngân hàng Nhà nước quyết liệt trong việc thoái vốn.

Không những thế, chủ trương của Chính phủ còn đẩy mạnh việc giảm sở hữu nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh, niêm yết ở nước ngoài. Đây là định hướng cụ thể của Chính phủ trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng giai đoạn tới...

Nhờ cổ phiếu tăng

Tính đến nay, trừ trường hợp Vietcombank chưa thoái vốn về dưới 5% tại Eximbank, các nhà băng đã thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác theo quy định Thông tư 36 là chỉ được sở hữu vốn tại 2 ngân hàng khác với mức không quá 5%.

Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp các nhà băng thoái vốn thành công trong thời gian qua là giá cổ phiếu ngân hàng khởi sắc. Các nhà băng đã thu hàng trăm tỷ đồng từ việc thoái vốn khỏi tổ chức tín dụng khác.

Cụ thể, thu nhập từ thoái vốn khỏi Sacombank đã đóng góp vào lợi nhuận tổng cộng gần 648 tỷ đồng cho Eximbank từ khoản đầu tư nói trên. Thời gian gần đây, Vietcombank đấu giá cổ phần của Ngân hàng OCB và được 4 nhà đầu tư tranh mua. Đây là số cổ phiếu mà Vietcombank được quyền nhận trong đợt chi trả cổ tức tỷ lệ 14,2%.

Kết quả, toàn bộ 1,4 triệu cổ phiếu OCB được bán thành công cho 2 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng bình quân là 20.501 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 30 tỷ đồng.

Trước đó, Vietcombank cũng đã 2 lần đấu giá cổ phần tại OCB. Trong lần đầu, Vietcombank bán được 70% số cổ phần sở hữu vào cuối năm 2017. Đợt thứ hai vào tháng 4/2018, với giá trúng bình quân 25.771 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi giá khởi điểm, thu về gần 172 tỷ đồng.

Với diễn biến tích cực của cổ phiếu ngân hàng, Eximbank, Kienlongbank đã tranh thủ giảm lượng cổ phiếu STB đang sở hữu. Giá trị khoản đầu tư của Kienlongbank tại Sacombank giảm còn 230 tỷ đồng.

Theo các nhà phân tích tài chính, giá cổ phiếu ngân hàng đang tăng dần là cơ hội để thoái vốn, thu về khoản lợi nhuận cao. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính Phan Dũng Khánh cũng cảnh báo, với các nhà đầu tư nhỏ, việc rót vốn vào cổ phiếu ngân hàng lúc này phải thận trọng và nên lựa chọn những nhà băng có sự tăng trưởng tích cực sau quá trình tái cấu trúc, bởi giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã tăng cao, nên dễ quay đầu giảm.

Sở hữu chéo đã bớt chằng chịt
Sau mùa đại hội đồng cổ đông vừa tấp nập diễn ra, những mối quan hệ sở hữu trong lĩnh vực ngân hàng đang dần rõ ràng hơn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư