Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Sắp lùi hạn chót áp dụng mô hình CCP, mở đường cho các “ngoại lệ” huỷ niêm yết?
Thanh Thuỷ - 03/01/2024 15:02
 
Đây là hai nội dung Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến trong dự thảo sửa đổi và bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.
.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến trong dự thảo sửa đổi và bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa công bố lấy ý kiến trong dự thảo sửa đổi và bổ sung Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Thời gian đăng tải lấy ý kiến đến ngày 5/1.

Trong đó, cơ quan này dự kiến sửa đổi, bổ sung khoản 13 Điều 310 quy định về hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP). Theo quy định hiện tại, trong thời hạn 3 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm phải được triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định này.

Điều khoản chuyển tiếp quy định trong thời gian chưa triển khai hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm, hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán được thực hiện theo quy định tại Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật Chứng khoán số 62/2010/QH12 và các văn bản quy định chi tiết thi hành.

Đến nay, sau 3 năm, mô hình CCP chưa được triển khai. Theo dự thảo đang lấy ý kiến, thời hạn sẽ được nới rộng từ 3 năm lên 5 năm.

Cũng tại lần sửa đổi này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bổ sung khoản 7 vào sau khoản 6 Điều 120 quy định về hủy bỏ niêm yết bắt buộc. Theo đó, các trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định. Quy định trên nếu được thông qua có thể xuất hiện những ngoại lệ không phải huỷ niêm yết dù rơi vào trường hợp cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết.

Chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, không ít doanh nghiệp đã kinh doanh thua lỗ. Cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng đang đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết bắt buộc do vi phạm 3 điều kiện gồm kết quả sản xuất kinh doanh thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Theo báo cáo kiểm toán năm 2022 cũng chỉ vừa công bố vào cuối năm 2023, Vietnam Airlines lỗ ròng hơn 11.200 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 lên trên 35.000 tỷ đồng. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến vốn chủ sở hữu của hãng hang không này âm 11.000 tỷ đồng.

Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 vừa tổ chức vào ngày 16/12, huỷ niêm yết cổ phiếu HVN là vấn đề “nóng” được nhiều cổ đông quan tâm và đặt câu hỏi.  Ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng cho rằng, việc âm vốn chủ và thua lỗ 3 năm liên tiếp là tình huống khách quan do ảnh hưởng bởi đại dịch.

“Chúng tôi tin rằng, cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý liên quan sẽ nghiên cứu, đánh giá yếu tố này khách quan, thận trọng và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn tiếp tục niêm yết trên thị trường chứng khoán”, kế toán trưởng Vietnam Airlines cho biết tại Đại hội.

Nếu dự thảo được thông qua, Chính phủ sẽ là cấp xem xét, quyết định đối với trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết.

Năm 2024 sẽ rút ngắn thời gian IPO với thời điểm được niêm yết cổ phiếu
Đây là thông tin được Chủ tịch UBCKNN Vũ Thị Chân Phương cho biết tại phiên giao dịch đầu tiên của năm mới 2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư