Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Sáp nhập sở theo kiểu "đồng phục" chưa giải quyết tiềm năng phát triển địa phương
Thanh Huyền - 10/06/2019 17:13
 
Bộ máy nhà nước cấp chính quyền địa phương theo kiểu mặc đồng phục thực tế chưa giải quyết tiềm năng phát triển ở nhiều địa phương. Thậm chí có nơi còn xảy ra ở chiều ngược lại.

Sáng 10/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, đây là dự án luật rất quan trọng nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tại Nghị quyết 18 của Trung ương, Kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 56 của Quốc hội, đồng thời khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành luật trong thời gian qua.

Trước đó, chiều 24/5, Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày tờ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội, sau đó các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại tổ, Tổng Thư ký quốc hội đã có báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ.

Qua tổng hợp kết quả thảo luận tại tổ về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào 3 vấn đề: Một là khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh. Hai là tiêu chí thành lập, số lương biên chế tôi thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của các tổ chức hành chính. Ba là nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của bộ, cơ quan ngang bộ.

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền sửa đổi, các đại biểu tập trung vào 5 vấn đề: Một là giảm số lượng Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, giảm số lượng Phó Trưởng ban chuyên trách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tăng số lượng Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã loại 2. Hai là cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Ba là việc phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau. Bốn là bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương. Năm là việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính không đủ tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số.

Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, những đặc điểm và thực trạng bộ máy nhà nước cấp chính quyền địa phương như đang "mặc áo đồng phục".

Bởi theo ông Nhân, cho dù chênh lệch về dân số, diện tích tự nhiên hay quy mô kinh tế nhưng bộ máy cũng như biên chế vận hành nền hành chính đó đều được đánh đồng mà không có sự khác biệt. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc tạo sự thống nhất, đồng bộ, dễ thi hành chính sách, từ đó có những thuận lợi nhất định trong việc điều hành, quản lý. Tuy nhiên, khi năng lực phát triển của các địa phương bắt đầu có sự bứt phá, mô hình trên đã bắt đầu lộ rõ nhiều hạn chế, bất cập.

"Đặt trong yêu cầu xây dựng nhà nước kiến tạo thì bộ máy nhà nước cấp chính quyền địa phương theo kiểu mặc đồng phục thực tế chưa giải quyết tiềm năng phát triển ở nhiều địa phương. Thậm chí có nơi còn xảy ra ở chiều ngược lại", ông Nhân nói.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân
Đại biểu Phạm Trọng Nhân

Theo Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang), về cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện tại Điều 23 Luật Tổ chức Chính phủ, dự định giao cho Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Tôi đồng ý có thể phân cấp cho Chính phủ quy định bộ máy cấp dưới nhưng không phải chỉ quy định khung số lượng, còn các địa phương tùy ý xác định cơ quan nào nằm trong bộ máy của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện dẫn đến mỗi nơi một khác, các địa phương khác nhau, mỗi vùng trong cùng một địa phương khác nhau sẽ khó khăn, phức tạp trong việc quản lý theo ngành dọc, ông Lâm nêu rõ.

Giải trình rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết Luật sửa đổi lần này đẩy mạnh vấn đề phân cấp, phân quyền của Chính phủ, các bộ, ngành và ủy quyền thực hiện nhiệm vụ giữa trung ương và địa phương. Do đó, vấn đề phân cấp, phân quyền theo Dự luật lần này có mở rộng về phạm vi và đối tượng. Về quy định khung, sẽ khắc phục được việc giao cứng các cơ quan chuyên môn như trước đây; quy định rõ số biên chế tối thiểu và cấp phó tối đa nhằm thu gọn đầu mối trên cơ sở đa nhiệm vụ, đa chức năng; giảm biên chế trên cơ sở giảm đầu mối.

Xoay quanh cơ quan chuyên môn lần này cũng giao cho Chính phủ quy định khung của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để khắc phục tình trạng giao cứng cơ quan chuyên môn đối với những địa phương trong thời gian qua không cần thiết thành lập. Cũng như ý kiến đại biểu là có quy định những khung quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước và có quy định số đơn vị cần nghiên cứu để sáp nhập, hợp nhất mà không phải để địa phương muốn sáp nhập sở nào với sở nào thì sáp nhập, nếu muốn sáp nhập thì phải nằm trong khung của Chính phủ quy định, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư