Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Sau chuyển đổi sang đầu tư công, cao tốc Bắc - Nam cần thêm bao nhiêu tiền?
Nguyễn Lê - 11/06/2020 17:14
 
Tổng cộng dự án còn cần 62 ngàn tỷ để hoàn thành và cơ bản sẽ chuyển sang giai đoạn sau 2021-2025 mới có thể bố trí được.
.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu tại hội trường.

Thực tế sau khi chuyển đổi, dự án cần bố trí thêm 62 ngàn tỷ và hầu hết sẽ được chuyển sang  giai đoạn sau 2021 - 2025, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Quang Hàm tính toán.

Chiều 11/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Có sự nhầm lẫn 

Thống nhất việc chuyển đổi 3 dự án từ PPP sang đầu tư công như Chính phủ trình, song đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng xác định ngân sách còn phải bố trí bao nhiêu tiền, chuyển sang giai đoạn sau bố trí bao nhiêu tiền là hết sức cần thiết để bố trí đủ nguồn theo tiến độ thực hiện dự án và bảo đảm cân đối ngân sách.

Ông Hàm phân tích: báo cáo của Chính phủ cho rằng, vốn đã bố trí giai đoạn 2016-20c20 là 55 ngàn tỷ đồng chỉ cần bổ sung 23 ngàn tỷ đồng để hoàn thành dự án là có sự nhầm lẫn về kế hoạch trung hạn với dự toán có thể bố trí được hàng năm.Bởi kế hoạch trung hạn là cam kết chi không phải tiền thật, dự toán hàng năm mới là tiền thật bố trí được, phụ thuộc vào nguồn thu, cân đối ngân sách và tiến độ thực hiện dự án.

Mặc dù kế hoạch trung hạn 2016-2020 đã cam kết bố trí 55 ngàn tỷ nhưng dự án triển khai chậm, nhu cầu vốn ít nên đến hết 2020 dự toán hàng năm (tiền thực) mới bố trí được 16 ngàn tỷ còn thiếu tiền thật 38 ngàn tỷ cộng với 23 ngàn tỷ bổ sung thì tổng cộng dự án còn cần 62 ngàn tỷ để hoàn thành và cơ bản sẽ chuyển sang giai đoạn sau 2021-2025 mới có thể bố trí được.

Giả sử theo thuyết minh của Chính phủ việc chuyển đổi có thể giải ngân thêm được 7 ngàn tỷ trong 2020 thì vẫn phải chuyển giai đoạn sau 53 ngàn tỷ. Và để có 7 ngàn tỷ bổ sung thêm cho dự án thì phải cắt giảm kế hoạch của các dự án đang triển khai, vì dự toán 2020 đã chia xong hoặc phải xin Quốc hội tăng bội chi, vị Uỷ viên Uỷ ban Tài chính tính toán.

Đại biểu Hàm nhấn mạnh đây là vấn đề cần lưu ý, tránh như việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Qua 2 kỳ họp, Quốc hội giao cho Chính phủ tự cân đối sắp xếp vì Quốc hội nói thiếu nguồn, Chính phủ khẳng định thu xếp được nguồn nhưng thực tế phân bổ xong dự toán 2020 không một đồng dự phòng nào được sử dụng do so với kế hoạch trung hạn thì dự toán hàng năm không đủ tiền vẫn thiếu 152 ngàn tỷ, thiếu cả những dự án đang triển khai nên không có nguồn để sử dụng dự phòng. Số tiền hơn 20 ngàn tỷ ghi trong dự toán 2020 là cho các dự án từ nguồn dự phòng thực chất là từ nguồn cắt giảm kế hoạch đã phân bổ cho các dự án khác, không một đồng dự phòng nào được sử dụng.

Đại biểu đề xuất chọn hai dự án khác

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Sinh cho rằng việc chuyển hai dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây sang đầu tư chưa thuyết phục. Vì hai dự án này có lưu lượng vận tải và giá trị thương mại cao nhất, cần phải ưu tiên để đầu tư PPP.

Hơn nữa, tổng số vốn ngân sách phải bổ sung cho dự án và chuyển sang giai đoạn 2021- 2025 thuộc thẩm quyền phân bổ của Quốc hội khoá XV là 23.461 tỷ.

Lý do nữa, các dự án thành phần này sẽ thuộc tiêu chí quan trọng quốc gia do sử dụng vốn đầu tư công lớn hơn 10.000 tỷ đồng, theo đó sẽ phải thực hiện trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt đầu tư dự án quan trọng quốc gia theo Luật Đầu tư công. Vì vậy, không thể triển khai tiến độ mà theo Chính phủ đã ký kết trong báo cáo.

Để khắc phục vấn đề trên, đại biểu Sinh đề nghị kết hợp 2 phương án do Chính phủ đề xuất là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Vì, hai dự án này có lưu lượng vận tải thấp, giá trị thương mại thấp và mỗi dự án chỉ có 2 nhà đầu tư qua vòng sơ tuyển. Thứ hai, tổng số vốn ngân sách chỉ cần bổ sung thêm 12.707 tỷ, tức là giảm 10.755 tỷ đồng so với phương án của Chính phủ trình, đồng nghĩa với việc sẽ huy động được thêm 10.755 tỷ đồng vốn tư nhân để đầu tư cho dự án. Thứ ba, ngay sau khi nghị quyết của Quốc hội có hiệu lực thì có đủ điều kiện để triển khai ngay sẽ đẩy nhanh được tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công, góp phần tăng trưởng kinh tế ngay trong năm 2020.

Sớm ngày nào đỡ thiệt hại ngày đó 

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Phùng Văn Hùng nhấn mạnh: 45 năm sau giải phóng, đất nước chưa có một con đường cao tốc Bắc – Nam, con đường huyết mạch.

"Đây là một sự chậm trễ cũng là trách nhiệm và là lỗi của chúng ta", ông Hùng nhấn mạnh.

Với so sánh hiện nay bất kỳ con đường nào đi từ Bắc vào Nam chỉ đi được khoảng 60 đến 70 km mỗi giờ, trong khi cao tốc đi được 120 km thì thiệt hại bao nhiêu cho nền kinh tế, đại biểu Hùng cho rằng triển khai Dự án cao tốc Bắc – Nam, sớm ngày nào đỡ thiệt hại cho nền kinh tế ngày đấy.

Đất nước trải dài theo Bắc - Nam, đường cao tốc Bắc - Nam sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các địa phương trong cả nước. Nếu có đường cao tốc Bắc - Nam chắc chắn không còn tình trạng giá dưa hấu ở nơi sản xuất 1.000 đồng một kg nhưng tại Hà Nội, trong siêu thị vẫn 15.000 đồng một kg , ông Hùng phát biểu.

Chính phủ trình Quốc hội chuyển đổi 3 dự án PPP cao tốc Bắc – Nam sang đầu tư công
Ba dự án PPP thành phần cao tốc Bắc – Nam được chọn chuyển đổi sang đầu tư công là Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Mai Sơn – Quốc lộ 45 và Dầu Giây –...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư