Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sẽ thay đổi thủ tục đối với doanh nghiệp FDI
Hồng Sơn - 01/10/2013 07:57
 
“Thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư đối với doanh nghiệp FDI có nhiều bất cập, vướng mắc trong triển khai thực hiện và đây sẽ là một trong những trọng tâm của Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới”, ông Bùi Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhấn mạnh tại Hội thảo “Xin ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp” mới được tổ chức tại TP.HCM. Doanh nghiệp ngoại đón đầu TPP tại Việt Nam

Ông Quách Ngọc Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phân tích, theo quy định hiện nay, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có nội dung giao thoa về thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư, đó là giấy chứng nhận đầu tư (CNĐT) và giấy đăng ký kinh doanh (ĐKKD).

Nhiều ý kiến thẳng thắn được đưa ra tại Hội thảo xin ý kiến về sửa đổi,
bổ sung Luật Doanh nghiệp

Điều này này làm phát sinh nhiều bất cập, khó khăn trong thực tiễn, như làm tăng thêm số lượng cơ quan có chức năng ĐKKD ở các cấp; khó theo dõi, quản lý hoạt động ĐKKD; không tách biệt được chức năng quản lý ĐKKD và dự án đầu tư; khó khăn cho nhà đầu tư khi muốn mở thêm chi nhánh…

Chia sẻ quan điểm trên, LS. Trần Kim Ngân (Công ty Luật hợp danh Nghiêm và Chính) nêu ví dụ về một nhà đầu tư nước ngoài muốn vào Việt Nam để thực hiện một dự án đầu tư về may mặc.

Nhà đầu tư nước ngoài này muốn mua lại máy móc, nhà xưởng và xin thuê đất để thực hiện dự án, nhưng vì chưa thành lập doanh nghiệp, chưa có tư cách pháp nhân, nên không làm được việc đó. Do vậy, họ phải thực hiện thủ tục đầu tư để được cấp giấy CNĐT và đồng thời là giấy ĐKKD.

Tuy nhiên, để thực hiện được thủ tục đầu tư cho dự án nói trên, nhà đầu tư đó phải hoàn tất việc xin thuê đất, mua lại máy móc, nhà xưởng để hoàn tất bộ hồ sơ đăng ký đầu tư. Lúc này, sự lúng túng của nhà đầu tư thể hiện ở chỗ, họ không biết thủ tục nào phải thực hiện trước, thủ tục nào thực hiện sau, vì về nguyên tắc, muốn thuê đất, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, được cấp giấy CNĐT…

Ở một khía cạnh khác, đại diện một nhà đầu nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục kể câu chuyện từ thực tế của đơn vị mình. Sau rất nhiều khó khăn, nhà đầu tư này đã hoàn tất các thủ tục để được cấp giấy CNĐT, đồng thời là giấy ĐKKD.

Tuy nhiên, ngay sau đó, nhà đầu tư “té ngửa” khi được cơ quan chuyên ngành thông báo là còn thiếu giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Trong trường hợp này, đây có phải là một loại “giấy phép con” gây khó cho doanh nghiệp và những phiền hà kiểu như vậy có còn khi Luật Doanh nghiệp mới được thông qua?

Lãnh đạo Vụ Pháp chế cho biết, một nội dung quan trọng trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp là tách thủ tục thành lập doanh nghiệp và thủ tục đầu tư trong thủ tục cấp giấy CNĐT đồng thời là giấy ĐKKD. Theo đó, sẽ cấp giấy ĐKKD cho nhà đầu tư nước ngoài trước, sau đó nhà đầu tư nước ngoài có tư cách pháp nhân sẽ tiếp tục thực hiện các thủ tục khác để được đầu tư dự án tại Việt Nam và được cấp giấy CNĐT.

“Đáp ứng điều kiện gia nhập thị trường đối với thành lập mới doanh nghiệp và xem xét điều kiện gia nhập thị trường với doanh nghiệp điều chỉnh nội dung ĐKKD là những vấn đề doanh nghiệp cần quan tâm khi thực hiện thủ tục ĐKKD”, ông Tuấn lưu ý.

Phần đông ý kiến tại Hội thảo đồng tình với sự thay đổi này, đồng thời cho rằng, thay đổi này cũng phù hợp với thực trạng hiện nay về thủ tục ĐKKD và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần trong các doanh nghiệp Việt Nam được các sở kế hoạch và đầu tư đang thực hiện. Theo đó, nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần, nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại các doanh nghiệp Việt Nam trước, sau đó mới yêu cầu thực hiện thủ tục đăng ký đầu tư.

“Hiện vẫn còn tư tưởng ‘vùng an toàn’ trong không ít cán bộ làm công tác ĐKKD tại các địa phương. Luật Doanh nghiệp được sửa đổi, bổ sung sẽ tạo căn cứ pháp lý cho những người thực thi nhiệm vụ tại các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, góp phần tăng tính chủ động, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp”, lãnh đạo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh thẳng thắn nhận xét và cho biết, 5 nhóm vấn đề khác cũng sẽ được lấy ý kiến góp ý lần này, đó là: các vấn đề về đăng ký thành lập doanh nghiệp; công khai, minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp; quy định về giải thể doanh nghiệp và dừng hoạt động của doanh nghiệp; mua bán, sáp nhập và tổ chức lại doanh nghiệp; khung quản trị doanh nghiệp…

Vốn FDI vượt mốc 15 tỷ USD
Con số 2,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới và tăng thêm trong tháng 9/2013 đang giữ kỷ lục của 9 tháng đầu năm nay. Mức...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư