Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sẽ tiến hành kiểm toán nhiều dự án lớn của quốc gia trong năm 2019
Đỗ Bình (TTXVN/Vietnam+) - 06/02/2019 20:37
 
Kiểm toán Nhà nước đã có nhiều nỗ lực, cải tiến phương thức hoạt động, góp phần quan trọng ổn định, minh bạch nền tài chính quốc gia.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh

Nhân dịp Xuân mới Kỷ Hợi 2019, phóng viên đã phỏng vấn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh về kế hoạch phát triển ngành Kiểm toán trong thời gian tới.

Theo kế hoạch Kiểm toán năm 2019, Kiểm toán Nhà nước sẽ tiến hành kiểm toán nhiều dự án lớn của quốc gia. Phó Tổng Kiểm toán có thể cho biết lộ trình thực hiện hoạt động này?

Thực hiện Nghị quyết số 07 - NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững; Kế hoạch tài chính 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 và tình hình triển khai thực hiện các giải pháp điều hành nhiệm vụ tài chính, ngân sách hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đã chủ động xây dựng và xác định lộ trình lựa chọn kiểm toán các dự án lớn của quốc gia trong từng năm.

Trong đó, năm 2019, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán các dự án như: đầu tư theo hình thức đối tác công tư BOT, BT (Dự án: Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và xây dựng đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (giai đoạn I); Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; Cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn An Sương - An Lạc; Mở rộng Xa lộ Hà Nội giai đoạn 2...); xây dựng và phát triển hệ thống cảng hàng không (Dự án đầu tư xây dựng Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Hợp phần A) giai đoạn khởi động; đầu tư xây dựng công trình Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quảng Ninh; các dự án thủy điện, nhiệt điện có quy mô lớn (Nhà máy Thủy điện Sông Bung 2; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, Nhà máy Thủy điện Bản Chát, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn; các dự án được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm như Dự án Nhà máy Ethanol Bình Phước, Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình...) để đánh giá việc tuân thủ quy định pháp luật, hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công.

Ngay sau khi Kế hoạch kiểm toán năm 2019 được ban hành, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức phân giao nhiệm vụ kiểm toán cho các đơn vị trực thuộc. Trong đó, các dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia giao đều được giao cho các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực có đội ngũ công chức, kiểm toán viên có kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn sâu trong lĩnh vực đầu tư xây dựng thực hiện kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV, V; Kiểm toán Nhà nước khu vực I, II, IV, VI)...

Căn cứ kế hoạch được giao, các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành, khu vực tổ chức xây dựng phương án kiểm toán cho cả năm; bố trí nhân lực, thời gian hợp lý để tổ chức khảo sát, thu thập, phân tích thông tin; đánh giá trọng yếu và rủi ro kiểm toán để lập kế hoạch kiểm toán và thực hiện kiểm toán theo đúng quy chế hoạt động của Kiểm toán Nhà nước và tuân thủ các quy định có liên quan (Quy trình kiểm toán chung, quy trình kiểm toán Dự án đầu tư, Chương trình...) để đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý hoạt động của Đoàn, Tổ, Kiểm toán viên; tránh phiền hà sách nhiễu, đảm bảo đạo đức nghề nghiệp của Kiểm toán viên.

Xin ông cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và định hướng xây dựng kế hoạch phát triển trong tương lai?

Ứng dụng công nghệ thông tin đã phát huy tác dụng, giúp tiết kiệm thời gian chỉ đạo điều hành và chi phí, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước từ bước chuẩn bị kiểm toán đến theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước phát triển và đưa vào áp dụng trong toàn Ngành các phần mềm nhằm hỗ trợ nâng cao nghiệp vụ của Kiểm toán viên và tăng cường công tác kiểm soát, tổng hợp số liệu trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước như: Phần mềm Cơ sở dữ liệu đầu mối kiểm toán; Phần mềm Quản lý thông tin Nhật ký kiểm toán; Phần mềm Quản lý tiến độ, tổng hợp kết quả và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; Phần mềm Hỗ trợ lập báo cáo kiểm toán (lĩnh vực doanh nghiệp); Phần mềm Hỗ trợ kỹ thuật kiểm toán lĩnh vực kiểm toán Đầu tư, xây dựng cơ bản.

Đồng thời, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức số hóa khối lượng lớn hồ sơ kiểm toán của hơn 300 cuộc kiểm toán thực hiện trong các năm 2017, 2018 với khoảng gần 6 triệu trang tài liệu được số hóa, phân loại và lưu trữ dưới dạng điện tử.

Bên cạnh các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã triển khai đưa vào áp dụng một số ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo điều hành nội bộ góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý chỉ đạo điều hành và quản lý hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước như: Phần mềm Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, phần mềm Quản lý cán bộ, Trang thông tin điện tử Đại hội ASOSAI 14, Cổng thông tin điện tử của Kiểm toán Nhà nước...

Xác định rõ tầm quan trọng của công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán, cùng với xu thế phát triển ứng dụng công nghệ thông tin của cả nước trong tiến trình hội nhập quốc tế, nhằm bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và sự phát triển của các nước tiên tiến trên thế giới, Kiểm toán Nhà nước đã xây dựng Chiến lược phát triển và khung kiến trúc công nghệ thông tin giai đoạn 2019 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Chiến lược vạch ra các nhiệm vụ cụ thể và đưa ra lộ trình thực hiện phát triển công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước để tiến tới mục tiêu ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi mặt hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, chuyển đổi số để xây dựng môi trường kiểm toán số bao gồm một số nội dung chính sau:

Xây dựng hạ tầng và kỹ thuật: Trong giai đoạn chuyển đổi số, những đặc tính của tổ chức dữ liệu lớn và công nghệ số, xây dựng hạ tầng kỹ thuật của Kiểm toán Nhà nước để chuyển đổi sang cấu trúc của điện toán đám mây (Cloud Computing), phục vụ dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI); Xây dựng hạ tầng kỹ thuật đảm bảo hiện đại, tiên tiến nhằm đáp ứng tốt nhất các yêu cầu mà hạ tầng dữ liệu và hạ tầng ứng dụng đặt ra, tạo nền tảng để tiến hành kiểm toán dữ liệu lớn thông qua việc áp dụng Big Data và AI...

Xây dựng hạ tầng dữ liệu: Đây là một trong số nội dung trọng tâm của hạ tầng số. Xây dựng hạ tầng dữ liệu Kiểm toán Nhà nước thực chất là xây dựng hệ thống các cơ sở dữ liệu Kiểm toán Nhà nước và thực hiện số hóa dữ liệu. Hệ thống dữ liệu của Kiểm toán Nhà nước tập trung từ các nguồn: Dữ liệu do Kiểm toán Nhà nước hình thành trong quá trình hoạt động; Dữ liệu thu thập từ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia và của các bộ, ngành, địa phương; Dữ liệu thu thập từ các doanh nghiệp, người dân, tổ chức ngành nghề, lĩnh vực...

Hiện tại, hệ thống dữ liệu đang phân tán, rời rạc, đòi hỏi phải hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu tập trung, nhất quán, tăng cường khả năng chia sẻ, liên thông và đảm bảo khả năng thích ứng với các thay đổi công nghệ số; đồng thời, hỗ trợ phát triển và hoàn thiện hệ thống ứng dụng quản lý kiểm toán theo hướng tiếp cận kiểm toán dữ liệu lớn.

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thời kỳ chuyển đổi số, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung xây dựng các ứng dụng, công cụ phân tích dữ liệu để cung cấp công cụ báo cáo thống kê và phân tích, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm toán dữ liệu lớn.

Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục kế thừa, phát triển và khai thác các ứng dụng đã và đang triển khai một cách hiệu quả, làm tiền đề cho sự chuyển dịch và hình thành Kiểm toán số của Kiểm toán Nhà nước. Lộ trình được chia thành các giai đoạn phù hợp với quá trình chuyển đổi số của Kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng dữ liệu và phát triển ứng dụng công nghệ thông tin, các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống công nghệ thông tin của Kiểm toán Nhà nước sẽ được chú trọng phát triển theo hướng trọng tâm là bảo vệ dữ liệu.

Tuy nhiên, phải đảm bảo thuận tiện cho công tác chuyên môn trong môi trường kiểm toán điện tử, kiểm toán số, đồng thời đảm bảo tuân thủ quy định của Luật An toàn thông tin, Luật An ninh mạng, Nghị định số 85/2016/NĐ - CP ngày 01/7/2016 và các văn bản hướng dẫn đi kèm; đáp ứng nhu cầu thực tế, đạt cấp cấp độ an toàn thông tin tương ứng là cấp độ 3 và hướng đến tiệm cận cấp độ 4.

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam sẽ triển khai những hoạt động gì trong thời gian tới để hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, thưa ông?

Trên cơ sở thành công của Đại hội ASOSAI 14, theo Quy chế của ASOSAI, Kiểm toán Nhà nước thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 và là thành viên Ban điều hành ASOSAI giai đoạn 2018 - 2024.

Để đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021, đặc biệt là việc hiện thực hóa các mục tiêu và cam kết trong Tuyên bố Hà Nội, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chương trình hành động thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 nhằm xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và chuẩn bị nguồn lực cần thiết để triển khai Chương trình hành động hiệu quả, trong đó tập trung vào 5 hoạt động cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường năng lực thực hiện vai trò Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 bao gồm kiện toàn bộ máy thường trực, triển khai đào tạo trong và ngoài nước về chuyên môn kiểm toán cũng như các kỹ năng điều hành, làm việc trong môi trường quốc tế.

Thứ hai, tập trung hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018 - 2021 như: Chủ trì điều hành các phiên họp; chỉ đạo thực hiện các quyết định của Ban điều hành; đại diện ASOSAI làm việc và mở rộng hợp tác với các tổ chức kiểm toán khu vực; thúc đẩy việc gia nhập làm thành viên ASOSAI; khởi xướng việc xây dựng cơ sở dữ liệu ASOSAI nhằm thiết lập hệ thống tri thức bền vững và quản lý, lưu trữ thông tin, tài liệu về các hoạt động ASOSAI một cách có hệ thống để khai thác hiệu quả phục vụ tăng cường năng lực; chủ động tham gia các đề án nghiên cứu, kiểm toán hợp tác, các chương trình, hoạt động chung và đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế của ASOSAI.

Thứ ba, thể hiện vai trò dẫn dắt, lãnh đạo tổ chức ASOSAI trong việc thực hiện các mục tiêu, cam kết trong Tuyên bố Hà Nội và nâng cao vai trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trên diễn đàn khu vực và thế giới. Trong đó, tập trung vào việc ứng cử thành viên Ban Điều hành INTOSAI 2019 - 2024; khởi xướng và đẩy mạnh việc thực hiện các cuộc kiểm toán hợp tác giữa các SAI của ASOSAI về những lĩnh vực kiểm toán được các thành viên quan tâm; phối hợp xây dựng và ban hành các tài liệu hướng dẫn về kiểm toán môi trường, kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững để các SAI tiến hành kiểm toán môi trường hiệu quả.

Thứ tư, chủ động xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ với Ban Thư ký (SAI Trung Quốc), Ủy ban phát triển năng lực (SAI Nhật Bản) để thực hiện thành công các mục tiêu của Kế hoạch chiến lược ASOSAI 2016 - 2021 và các cam kết trong Tuyên bố Hà Nội.

Thứ năm, tuyên truyền, vận động các nguồn lực trong khu vực và trên thế giới để thực hiện thành công Kế hoạch chiến lược của ASOSAI, góp phần xây dựng cộng động chia sẻ và hòa hợp, lan tỏa tinh thần hợp tác, năng động nhằm hướng tới mục tiêu chung là xây dựng ASOSAI thành một tổ chức kiểu mẫu của INTOSAI.

Trân trọng cảm ơn ông!

[Infographic] Vai trò của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam trong ASOSAI
Sau 20 năm gia nhập Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), Kiểm toán Nhà nước đã và đang từng ngày phát triển theo hướng trở thành...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư