Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 11 tháng 09 năm 2024,
Sẽ tước giấy phép kinh doanh xăng dầu nếu găm hàng, tạo khan hiếm giả
Hải Yến - 31/01/2022 08:30
 
Bộ Công thương cho biết sẽ tước giấy phép kinh doanh đối với đơn vị kinh doanh nào có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng theo vụ việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên khi cắt giảm công suất, chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước

Bộ Công thương vừa phát đi thông báo cho biết, trong thời gian gần đây, trước diễn biến thông tin về việc Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn – Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) cắt giảm công suất dẫn đến việc giảm nguồn cung xăng dầu tại thị trường trong nước, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số đơn vị kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu găm hàng, tạo khan hiếm hàng.

Để kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Thị trường trong nước, Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch và thực hiện phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu theo các loại hình trên địa bàn để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu.

Tiến hành xử lý nghiêm, kịp thời mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh theo quy định đồng thời giám sát chặt chẽ các cửa hàng xăng dầu đã bị tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu.

Đồng thời, kịp thời kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi giấy phép theo quy định đồng thời thực hiện giám sát chặt chẽ các đơn vị đã bị thu hồi giấy phép.

Vụ Thị trường trong nước cần chủ động nắm bắt thông tin, phối hợp với Quản lý thị trường trong quá trình xử lý các vụ việc liên quan đến Giấy phép xăng dầu của Bộ Công thương cấp theo thẩm quyền.

Liên quan đến vụ việc việc sụt giảm công suất của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, bên lề cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2022,Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Người phát ngôn Bộ Công thương cho biết, trách nhiệm của doanh nghiệp là đảm bảo cung cấp sản lượng xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết và theo quy định tại Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện cung ứng khoảng 30-35% thị phần xăng dầu tại Việt Nam, vậy nên chỉ cần có sự thay đổi trong hoạt động của nhà máy này thì chắc chắn có tác động nhất định đến một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước, từ đó ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu phục vụ nhu cầu đời sống của người dân cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 24/1/2022, Bộ Công thương đã có Công văn số 23/BCT-TTTN yêu cầu NSRP báo cáo tình hình sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu theo đúng kế hoạch sản xuất xăng dầu, nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất xăng dầu, tiêu thụ sản phẩm xăng dầu đã đăng ký với Bộ Công thương năm 2022. Đồng thời, báo cáo kế hoạch giao hàng cho các khách hàng đã ký kết hợp đồng trong Quý I và các tháng kế tiếp năm 2022.

Tại công văn trả lời Bộ Công Thương, NSRP cho hay lý do dẫn đến hủy mua các chuyến dầu thô và giảm công suất nhà máy so với kế hoạch là tình hình tài chính khó khăn của doanh nghiệp. 

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, vấn đề khó khăn là ở nội tại doanh nghiệp, tuy nhiên trách nhiệm của NSRP là phải đảm bảo cung cấp đủ sản lượng mặt hàng xăng dầu thành phẩm cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu theo đúng hợp đồng đã ký kết và theo quy định pháp luật, đặc biệt là Nghị định số 95/2021/NQ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 về kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể, để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường nội địa, Bộ Công thương đề nghị NSRP nâng cao trách nhiệm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường, tuân thủ việc thực hiện các Hợp đồng giao xăng dầu đã ký kết với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, không để xảy ra việc đứt gãy nguồn cung đột ngột, gây khó khăn cho các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu trong việc tìm kiếm nguồn hàng thay thế cung cấp cho thị trường nội địa.

Bộ Công thương trước đó đã có văn bản và liên hệ trực tiếp với một số đầu mối kinh doanh xăng dầu, đặc biệt những doanh nghiệp có thị trường lớn như Petrolimex, PVOil,… để có sự phối hợp chỉ đạo, “phải chủ động tìm nguồn cung, đảm bảo an ninh năng lượng không chỉ phục vụ nhu cầu đời sống của người dân mà còn phục vụ nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư