Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 26 tháng 01 năm 2025,
Siết quản lý kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội
Mộc An - 25/01/2025 12:55
 
Bộ Y tế yêu cầu các Sở Y tế, cơ sở sản xuất, công bố và nhập khẩu mỹ phẩm tăng cường quản lý mỹ phẩm lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các sản phẩm được quảng cáo và bán trên các nền tảng mạng xã hội, sàn giao dịch thương mại điện tử.

Khó xử lý vi phạm

Những năm gần đây, ngành mỹ phẩm phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm cũng tiềm ẩn không ít vấn đề về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có hàng ngàn sản phẩm mỹ phẩm được sản xuất trong nước và nhập khẩu, song không phải sản phẩm nào cũng đạt chuẩn chất lượng và an toàn cho người sử dụng.

Một trong những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến mỹ phẩm là sự xuất hiện của các sản phẩm giả, nhái, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thành phần công bố không chính xác hoặc không rõ ràng. Những sản phẩm này thường không được kiểm tra chất lượng, tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho người dùng, đặc biệt là trong trường hợp sử dụng lâu dài.

Thời gian qua, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có những động thái mạnh mẽ để quản lý ngành mỹ phẩm. Theo Nghị định số 93/2016/NĐ-CP của Chính phủ, các sản phẩm mỹ phẩm phải được kiểm tra chất lượng, được cấp phép lưu hành trước khi đưa ra thị trường. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm phải đăng ký sản phẩm với Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và đảm bảo các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng.

Ngoài ra, Nghị định số 185/2013/NĐ-CP cũng quy định rõ mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm trong sản xuất, tiêu thụ mỹ phẩm giả, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Các mức xử phạt có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, tùy mức độ vi phạm.

Các quy định này đã có hiệu lực từ lâu, nhưng thực tế, việc giám sát, kiểm tra sản phẩm mỹ phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Điều này một phần do sự xuất hiện của các sản phẩm nhập khẩu không có đầy đủ giấy tờ chứng minh chất lượng; việc kiểm tra, xử lý vi phạm chưa được thực hiện nghiêm túc và kịp thời.

Lãnh đạo Cục Quản lý dược cho biết, qua quá trình kiểm tra, Cục phát hiện một số doanh nghiệp không thể liên lạc qua số điện thoại ghi trên phiếu công bố hoặc website. Đồng thời, cơ quan này cũng gặp khó khăn trong việc xác minh địa chỉ các cơ sở sản xuất, nhiều trường hợp thay đổi địa chỉ cơ sở sản xuất, địa chỉ cơ sở kinh doanh, người đại diện pháp luật, hoặc số điện thoại liên lạc, mà không cập nhật thông tin với cơ quan có thẩm quyền. Điều này gây nhiều khó khăn cho công tác thanh tra và xử lý vi phạm.

Siết chặt thanh tra, kiểm tra

Để giảm vi phạm liên quan đến kinh doanh mỹ phẩm trên mạng xã hội, Cục Quản lý dược yêu cầu các Sở Y tế phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) và Cục Quản lý thị trường thực hiện các cuộc kiểm tra thường xuyên trên các nền tảng mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các sản phẩm mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cũng như các sản phẩm quảng cáo sai sự thật về công dụng. Điều này sẽ giúp đảm bảo chất lượng, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đồng thời, Cục Quản lý dược cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu và công bố mỹ phẩm thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT của Bộ Y tế, đặc biệt là việc kê khai thông tin sản phẩm chính xác và trung thực. Các cơ sở cần lưu giữ hồ sơ thông tin sản phẩm tại trụ sở và sẵn sàng cung cấp khi có yêu cầu từ cơ quan chức năng. Chỉ khi sản phẩm được cấp số tiếp nhận Phiếu công bố, doanh nghiệp mới được phép đưa mỹ phẩm ra thị trường.

Cục Quản lý dược khẳng định, sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc kiểm tra hậu mãi để đảm bảo mỹ phẩm lưu thông trên thị trường đáp ứng yêu cầu về an toàn, chất lượng và hiệu quả. Các sản phẩm mỹ phẩm nghi ngờ giả, không đạt chất lượng, hoặc không rõ nguồn gốc sẽ bị thu hồi và tiêu hủy. Cục Quản lý dược yêu cầu xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; yêu cầu các cơ sở sản xuất và kinh doanh mỹ phẩm nghiêm túc thực hiện các quy định pháp lý, đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng.

Riêng tại Hà Nội, Lãnh đạo Sở Y tế cho hay, trong năm 2025, Sở sẽ kiểm tra, giám sát khoảng 1.200 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ và các cơ sở cấp phát, sử dụng mỹ phẩm. Sở Y tế cũng sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giám sát và kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm tại các cơ sở, đảm bảo các sản phẩm mỹ phẩm trên thị trường đều đạt chuẩn an toàn. Các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục duy trì công tác giám sát chất lượng mỹ phẩm lưu hành trên thị trường. Việc kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và giữ vững niềm tin của người dân vào các sản phẩm mỹ phẩm hợp pháp, chất lượng cao.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư