Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Sở KH&ĐT tỉnh Thanh Hóa: Thực hiện đồng bộ ba khâu đột phá trong năm 2021
Năm 2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa xác định thực hiện 3 khâu đột phá, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Những kết quả ấn tượng

Năm 2020 là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2015-2020), nên kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng vững chắc để tổ chức thực hiện thành công các mục tiêu phát triển giai đoạn 2015-2020 của tỉnh; đồng thời là căn cứ để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020-2025. Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã không ngừng nỗ lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp lớn trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Sở đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi sát sao diễn biến dịch bệnh để phân tích, dự báo và xây dựng các kịch bản, đánh giá tác động đến việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh, từ đó tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, góp phần duy trì ổn định kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đó, tăng trưởng GRDP năm 2020 của tỉnh đạt 6,08%, đây là mức tăng khá trong bối cảnh chung của cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ.

Cũng trong bối cảnh khó khăn ấy, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những giải pháp rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, Sở đã kịp thời tham mưu với lãnh đạo tỉnh các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, tập trung tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải ngân vốn đầu tư công; yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; tổ chức các hội nghị giao ban chuyên đề về giải ngân vốn đầu tư công của các dự án lớn, trọng điểm; rà soát, rút ngắn từ 30% - 50% thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục của dự án… Vì vậy, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 của tỉnh luôn đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Trong năm, Sở đã tham mưu tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư quy mô cấp tỉnh năm 2020, là tỉnh đầu tiên trong cả nước tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư sau khi Trung ương công bố hết giãn cách xã hội, với tổng mức thu hút đầu tư tương đương 15 tỷ USD. Năm 2020, đã có 155 dự án đầu tư trực tiếp (13 dự án FDI) được chấp thuận chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký 28.900 tỷ đồng.

Xác định vai trò quan trọng và không thể thay thế của các doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 07/02/2020 về đào tạo khởi sự doanh nghiệp và bồi dưỡng doanh nhân tỉnh Thanh Hóa năm 2020; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan kiểm tra, nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, từ đó tham mưu, giải quyết có hiệu quả những tranh chấp, kiến nghị, các vướng mắc liên quan đến doanh nghiệp. Do đó, tuy bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nhưng số lượng doanh nghiệp được thành lập mới vẫn tăng mạnh; đã có 3.494 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 16,4% so kế hoạch, đứng thứ 6 cả nước về số doanh nghiệp mới được thành lập.

Đặc biệt, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của Thanh Hóa trong vùng và cả nước, có ý nghĩa quan trọng cho tỉnh phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Tập trung cho ba khâu đột phá trong năm 2021

Năm 2021, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm bản lề, năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Bám sát chủ đề công tác của tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư xác định nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên trong chương trình công tác năm 2021 của ngành đó là: Tập trung tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nâng cao chất lượng doanh nghiệp.

Triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025

Để Nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhằm tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong thực hiện Nghị quyết. Đồng thời, chủ động xây dựng và đấu mối chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trình Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị; hiện, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan, nghiên cứu, tham mưu cho tỉnh Đề án cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính, phân cấp quản lý và tổ chức bộ máy, biên chế cho tỉnh Thanh Hóa, đảm bảo tính khả thi, trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, ban hành trong năm 2021, nhằm tạo các bước đột phá thực sự cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới.

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển

Sở xác định để đạt được mục tiêu Nghị quyết số 58-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đặt ra cho Thanh Hóa là phấn đấu trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc, việc tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sức hấp dẫn mới để thu hút đầu tư, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển là yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho tỉnh về đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Sở sẽ tập trung tham mưu các giải pháp lãnh đạo chỉ đạo nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa các thành phần hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và UBND cấp huyện (DDCI), nhằm tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với chính quyền địa phương và các sở, ngành trong việc nâng cao chất lượng điều hành và cải thiện môi trường kinh doanh tại địa phương.

Cùng với đó, Sở tập trung đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư, hợp tác quốc tế; chủ động xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư lớn đã khẳng định thương hiệu, các dự án sản xuất kinh doanh, phát triển kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị, làm hạt nhân tạo sự lan tỏa để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của các khu vực.

Hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng doanh nghiệp

Để thúc đẩy khu vực doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, bứt phá hơn nữa, trở thành động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong giai đoạn tới, Sở đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành Đề án Phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025, với mục tiêu thành lập mới 15.000 doanh nghiệp trong 5 năm tới. Bên cạnh đó, Sở cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác đăng ký kinh doanh qua mạng điện tử; nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; nghiên cứu tham mưu thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để thực hiện các hoạt động về tư vấn thành lập doanh nghiệp; tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp…

Với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp kinh tế - xã hội của tỉnh, nhiệm vụ của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa trong giai đoạn tới sẽ rất nặng nề, nhiều thách thức mới phải vượt qua. Song, đây cũng là động lực để đội ngũ cán bộ, công chức Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa không ngừng nỗ lực, phấn đấu trong công tác tham mưu, giúp lãnh đạo tỉnh hoạch định các chiến lược quan trọng tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, để đạt được các mục tiêu của nhiệm kỳ 2020-2025 và trở thành một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Hội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc như Nghị quyết số 58-NQ/TW đã đề ra.

(*) Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng: Nỗ lực xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp
Với nhiệm vụ tham mưu cho UBND thành phố về quy hoach, kế hoạch đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng góp phần quan trọng cho sự phát triển...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư