Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
So sánh cán cân thanh toán của Việt Nam và Trung Quốc
Phòng Phân tích VPBS - 09/12/2014 07:05
 
Kể từ cuối năm 2011 đến nay, Việt Nam đã và đang giữ được tỷ giá VND/USD ổn định. Ngoài ra, chính sách quản lý ngoại hối của Việt Nam đi theo hướng tương tự như chính sách của Trung Quốc, tức lựa chọn quản lý chặt dòng chu chuyển vốn để đạt được tỷ giá ổn định và lạm phát mục tiêu.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Có nên phát hành thêm trái phiếu quốc tế?
Bộ ba bất khả thi: So sánh sơ bộ Việt Nam và Trung Quốc
Chưa ký Hiệp định Hoán đổi tiền tệ với Trung Quốc

Từ năm 2012, Việt Nam bắt đầu có thặng dư thương mại sau 10 năm liên tiếp thâm hụt. Tuy nhiên, Bộ Công thương dự báo sang năm 2015, Việt Nam có thể nhập siêu trở lại với mức 6-8 tỷ USD. Riêng năm 2013, lần đầu tiên, Việt Nam thâm hụt cán cân vốn và tài chính. Thặng dư kép cán cân thương mại và cán cân vốn, tài chính chỉ đạt được duy nhất trong năm 2012 và nửa đầu năm 2014.

  So sánh cán cân thanh toán của Việt Nam và Trung Quốc  
  Tại Việt Nam, thặng dư thương mại liên tục chỉ xuất hiện ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài  

Trong khi đó, Trung Quốc đã và đang đạt thặng dư kép trong nhiều năm, trong đó liên tục đạt thặng dư cán cân thương mại trong giai đoạn 1996-2013. Nước này cũng thặng dư cán cân vốn và tài chính trong cùng giai đoạn (trừ 2 năm 1998 và 2012).

Xét về cán cân thương mại, số liệu thống kê của Trung Quốc cho thấy, cả hai khu vực doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại nước này đều xuất khẩu ròng trong thời gian từ năm 2004 đến 2012.

Trong khi đó, tại Việt Nam, thặng dư thương mại liên tục chỉ xuất hiện ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, với quy mô ngày càng tăng từ năm 2011 trở lại đây. Khu vực doanh nghiệp trong nước liên tiếp thâm hụt thương mại trong nhiều năm liền.

Sự khác biệt này giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể là do tác động của chính sách tỷ giá khác nhau giữa hai nước.

Theo nhiều nhà phân tích, đồng nhân dân tệ (RMB) của Trung Quốc luôn bị giữ ở mức thấp hơn giá trị thực so với USD. Trong khi đó, theo một báo cáo của Quốc hội, tính đến thời điểm giữa năm 2010, VND đã bị định giá cao hơn trên 20% so với USD, dù ước lượng theo phương pháp tỷ giá cân bằng (PEER) hay tỷ giá thực hữu hiệu (REER).

Đó là chưa kể VND luôn tăng giá thực kể từ năm 2010 đến nay. Điều này, cùng với mức lãi suất vốn cao hơn các nước khác đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong nước khi các chi phí có nguồn vốn bằng đồng VND trở nên đắt đỏ hơn chi phí có nguồn gốc vốn ngoại tệ của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. 

Việc đồng nội tệ được định giá thấp hơn giá trị thực trong thời gian dài của Trung Quốc là một trong những yếu tố quan trọng giúp cán cân thương mại của Trung Quốc thặng dư lớn từ cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, đóng góp phần quan trọng vào lượng dự trữ ngoại hối khổng lồ của nước này.

Xét về cán cân vốn và tài chính, trong năm 2013, Việt Nam thâm hụt thương mại là do tác động lớn nhất của sự sụt giảm mạnh của khoản mục tiền và tiền gửi ròng, từ mức 107 triệu USD (năm 2012), xuống âm 7.112 triệu USD năm 2013.

Khi tỷ giá được cam kết giữ ổn định, người dân tăng cường bán USD cho các ngân hàng thì đó là điều kiện góp phần ổn định dòng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng. Song nhìn một cách tổng thể, dự trữ ngoại hối/GDP của Trung Quốc thường cao hơn Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư