Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sôi động dòng tiền luân chuyển tại Bảo hiểm Bảo Long
Thanh Thủy - 17/07/2021 13:36
 
Lượng tiền/tương đương tiền chiếm 24% tổng tài sản của Bảo Long. Đáng chú ý là dòng tiền để cho vay, đầu tư vào các công cụ nợ liên tục vào ra với tổng giá trị giao dịch rất lớn.

Dòng tiền đầu tư liên tục vào ra

Theo báo cáo tài chính Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long (mã BLI-sàn UPCoM) vừa công bố, giá trị tiền mặt và khoản tiền gửi dưới 3 tháng tại thời điểm cuối quý II xấp xỉ 513 tỷ đồng, tương đương 24% quy mô tổng tài sản trị giá 2.146 tỷ đồng. So với thời điểm đầu năm, lượng tiền của doanh nghiệp bảo hiểm này tăng thêm 90,7 tỷ đồng. Trong khi dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và tài chính đều âm, ở hoạt động đầu tư, dòng tiền vào lại lớn hơn nhiều dòng tiền ra giúp lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư dương hơn 154 tỷ đồng.

Ngoài dòng tiền thu về gần 48 tỷ đồng từ lãi cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia, Bảo hiểm Bảo Long còn ghi nhận khoản chênh lệch lớn giữa tiền chi cho vay, mua công cụ nợ (10.642 tỷ đồng) và tiền thu hồi cho vay, bán công cụ nợ (10.532 tỷ đồng). Dòng tiền liên quan đến các giao dịch này trong kỳ lớn gấp 5 lần tổng tài sản của công ty tại ngày 30/6/2021. Điều này xảy ra nhiều khả năng bởi dòng tiền đã đưa ra/ rút về liên tục, đẩy giá trị giao dịch lên cao.

Các giao dịch đầu tư vào công cụ nợ/cho vay khá phổ biến tại các doanh nghiệp bảo hiểm. Tuy nhiên, quy mô tổng giao dịch trong kỳ thường chỉ tương đương 1/10 quy mô tài sản như trường hợp tại Bảo Việt, PVI, PTI… Trong khi đó, dòng tiền đầu tư tại Bảo hiểm Bảo Long lại thường xuyên sôi động. Cùng kỳ năm trước, Bảo hiểm Bảo Long cũng đã cho vay/ mua công cụ nợ gần 9.662 tỷ đồng, trong khi thu hồi về 9.485 tỷ đồng ở nghiệp vụ tương tự.

Ngoài để tới 24% tài sản dưới dạng tiền mặt/tương đương tiền, Bảo hiểm Bảo Long còn dành 813 tỷ đồng (38% tổng tài sản) để đầu tư tài chính ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, công ty gửi ngân hàng 609 tỷ đồng ở kỳ hạn 3 tháng đến 1 năm với mức lãi suất được hưởng là 4,8% -9,4%/năm; 18 tỷ đồng tiền gửi trên 1 năm và hơn 120 tỷ đồng đầu tư vào trái phiếu. Danh mục đầu tư cổ phiếu của Bảo hiểm Bảo Long khá khiêm tốn (trên 70 tỷ đồng) với khoản lớn nhất là 650.000 cổ phiếu QTP của Nhiệt điện Quảng Ninh cũng vừa mới giải ngân nửa đầu năm nay.

Số tài sản còn lại tương đương 38% tổng tài sản của công ty chủ yếu là các khoản phải thu hợp đồng bảo hiểm, dự phòng phí nhượng tái bảo hiểm, dự phòng bồi thường nhượng tái bảo hiểm…

Lợi nhuận nửa đầu năm giảm 37% vì hụt khoản trích lập dự phòng

Do phân bổ nhiều tài sản vào các khoản tiền và tiền gửi, thu nhập lãi tiền gửi do vậy cũng là yếu tố đóng góp nhiều nhất vào doanh thu tài chính của Bảo hiểm Bảo Long khi mang về 41,7 tỷ đồng (trên mức tổng doanh thu tài chính 57 tỷ đồng) trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, động lực tăng trưởng chính của doanh thu tài chính kỳ này lại đến từ lãi đầu tư cổ phiếu. Đồng thời, chi phí tài chính cũng giảm do giảm lỗ mua bán đầu tư chứng khoán.

Doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm mang về 539 tỷ đồng trong nửa đầu năm, tăng 19,2% so với cùng. Sau khi trừ đi tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm (385 tỷ đồng), chênh lệch ở mảng hoạt động chính này là 154 tỷ đồng, tăng 5% so với nửa đầu năm 2020.

Nhờ vậy, nửa đầu năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Bảo hiểm Bảo Long đạt 62,6 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu tính riêng quý II, lợi nhuận của công ty giảm tới 37%. Dù doanh thu phí bảo hiểm vẫn tăng, việc hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán quý II vừa qua không lớn bằng cùng kỳ, tác động đến lợi nhuận tài chính và khiến công ty giảm lãi. Tăng trưởng lợi nhuận quý đầu năm mới là nhân tố đóng góp lớn vào lợi nhuận nửa đầu năm 2021.

So với kế hoạch kinh doanh đã trình và được cổ đông thông qua với mức lợi nhuận sau thuế mục tiêu 61,14 tỷ đồng, Bảo hiểm Bảo Long đã sớm vượt kế hoạch ngay trong nửa đầu năm. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, doanh nghiệp này thường xuyên báo lỗ trong quý cuối năm. Nên chưa thể sớm kết luận về khả năng hoàn thành kế hoạch cả năm của doanh nghiệp. Kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng 3,6% so với năm 2020. Kết quả kinh doanh năm trước đã vượt chỉ tiêu đề ra, cũng nhờ lợi nhuận từ đầu tư tăng cao. 

Bảo hiểm Bảo Long hiện có quy mô vốn điều lệ 600 tỷ đồng. Hai cổ đông lớn nắm giữ gần 90% vốn của doanh nghiệp là hai ngân hàng gồm SCB (81,8%) và Eximbank (6,51%). SCB cũng đang hợp tác với Bảo Long thông qua việc kinh doanh bảo hiểm tại các chi nhánh ngân hàng.

Thép Nam Kim báo lãi quý II/2021 cao gấp 90 lần cùng kỳ
Lợi nhuận quý II/2021 của Công ty cổ phần Thép Nam Kim (HoSE: NKG) đạt 976,7 tỷ đồng, gấp 90 lần cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đạt 1.342 tỷ đồng, cao...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư