Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 04 năm 2025,
Sởi lan rộng tại Hà Nội, nhóm trên 10 tuổi chiếm tỷ lệ mắc cao nhất
D.Ngân - 19/04/2025 13:49
 
Theo CDC Hà Nội, số ca mắc sởi ở Hà Nội có xu hướng tăng cao ở nhóm người trên 10 tuổi - một dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi đáng lo ngại trong mô hình dịch tễ học của bệnh sởi.

Trong tuần từ ngày 11 đến 18/4, Hà Nội ghi nhận 211 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã, giảm nhẹ một trường hợp so với tuần trước. Tuy nhiên, đáng chú ý là số ca mắc có xu hướng tăng cao ở nhóm người trên 10 tuổi - một dấu hiệu cảnh báo sự thay đổi đáng lo ngại trong mô hình dịch tễ học của bệnh sởi.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, các quận, huyện ghi nhận số ca mắc sởi cao gồm: Hoàng Mai (20 ca), Hai Bà Trưng (19 ca), Nam Từ Liêm (16 ca), Đống Đa và Hà Đông (mỗi nơi 15 ca), Ba Đình, Cầu Giấy và Phú Xuyên (mỗi nơi 11 ca). Hầu hết các trường hợp mắc đều chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi, trong đó nhóm trên 10 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất với 27,4% tổng số ca mắc.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, toàn thành phố đã ghi nhận 1.876 trường hợp mắc sởi tại tất cả 30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một trường hợp tử vong. Các nhóm tuổi còn lại cũng ghi nhận số mắc đáng kể, trong đó nhóm trẻ từ 1- 5 tuổi chiếm 21,7%, nhóm từ 6- 8 tháng tuổi chiếm 14,9%, nhóm từ 6 -10 tuổi chiếm 14,1%, nhóm dưới 6 tháng tuổi chiếm 12,4% và nhóm từ 9 - 11 tháng tuổi chiếm 9,4%.

Cùng thời điểm, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn Hà Nội cũng gia tăng mạnh. Trong tuần, thành phố ghi nhận thêm 240 ca bệnh tại 30 quận, huyện, thị xã, tăng 49 ca so với tuần trước.

Một số địa phương có số ca mắc cao bao gồm: Nam Từ Liêm (26 ca), Hà Đông và Ba Vì (mỗi nơi 23 ca), Chương Mỹ (17 ca), Đông Anh (14 ca), Mê Linh và Thanh Trì (mỗi nơi 13 ca), Hai Bà Trưng (12 ca) và Cầu Giấy (11 ca).

Đáng lưu ý, 94,7% số ca tay chân miệng xảy ra ở trẻ em dưới 3 tuổi. Một số ổ dịch đã xuất hiện tại trường mầm non và trong cộng đồng dân cư, nâng tổng số ổ dịch tay chân miệng ghi nhận trong năm lên 24 ổ, trong đó còn 9 ổ dịch đang hoạt động.

Ngoài sởi và tay chân miệng, trong tuần qua, Hà Nội cũng ghi nhận 5 ca sốt xuất huyết (tăng 3 ca so với tuần trước) và 1 ca mắc uốn ván tại quận Hoàng Mai. Các bệnh truyền nhiễm khác như ho gà, liên cầu lợn, viêm não Nhật Bản, não mô cầu không ghi nhận ca mắc mới.

Trước tình hình nhiều loại dịch bệnh có xu hướng tăng, CDC Hà Nội đã đề nghị Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm vắc-xin sởi cho trẻ em nằm trong chiến dịch tiêm chủng, tập trung vào hai nhóm tuổi có nguy cơ cao là trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng và từ 1 đến 10 tuổi chưa tiêm đủ hai mũi.

Đồng thời, cần tăng cường giám sát bệnh tay chân miệng tại cộng đồng, trường mầm non, tổ chức tổng vệ sinh môi trường và xử lý ổ dịch triệt để theo đúng hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Liên quan đến bệnh sởi, theo TS.Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Phòng bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ miễn dịch đặc hiệu đối với sởi trong cộng đồng cần đạt tối thiểu 95% để ngăn ngừa nguy cơ lây lan.

Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng chưa đạt yêu cầu ở nhiều khu vực khiến số người dễ mắc sởi ngày càng gia tăng, tạo ra khoảng trống miễn dịch nghiêm trọng. Trên thực tế, hơn 95% các ca mắc sởi hiện nay không rõ ràng về tình trạng tiêm chủng hoặc chưa được tiêm vắc-xin. Đây chính là nguyên nhân chính làm tăng nguy cơ bùng phát dịch sởi trong cộng đồng.

Bệnh sởi vốn là một trong những bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan nhanh và mạnh nhất. Trong lịch sử, bệnh từng gây ra nhiều đợt dịch lớn với chu kỳ khoảng 5 năm một lần do sự tích lũy của các đối tượng chưa có miễn dịch.

Trước đây, bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, nhưng hiện nay đã ghi nhận nhiều trường hợp ở trẻ lớn và người trưởng thành chưa tiêm chủng, đặt ra thách thức mới trong công tác kiểm soát dịch bệnh.

Ngành Y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh cần tuân thủ đầy đủ lịch tiêm chủng vắc-xin sởi. Cụ thể, trẻ cần được tiêm mũi đầu tiên khi đủ 9 tháng tuổi, mũi thứ hai khi 15- 18 tháng và tiêm nhắc lại mũi thứ ba khi trẻ từ 4 đến 6 tuổi. Trong trường hợp sống ở khu vực đang có dịch hoặc có nguy cơ cao, trẻ có thể được tiêm sớm từ 6 tháng tuổi theo chỉ định của bác sỹ.

Theo các chuyên gia của hệ thống tiêm chủng VNVC, tiêm vắc-xin là biện pháp duy nhất giúp bảo vệ cả trẻ em và người lớn trước căn bệnh nguy hiểm này. Với hiệu quả lên tới 98% sau khi tiêm đủ hai liều, vắc-xin sởi đóng vai trò quyết định trong việc kiểm soát và ngăn ngừa dịch.

Bên cạnh tiêm chủng, người dân cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh như vệ sinh cá nhân, đặc biệt là mắt, mũi, họng bằng dung dịch sát khuẩn hằng ngày; tránh tiếp xúc gần với người nghi mắc bệnh; không dùng chung đồ dùng cá nhân; giữ vệ sinh nhà cửa và tăng cường bổ sung dinh dưỡng giúp nâng cao đề kháng.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ mắc sởi như sốt, phát ban, ho khan, chảy nước mũi, đỏ mắt, nhạy cảm với ánh sáng, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Bộ Y tế khuyến cáo 5 giải pháp phòng chống dịch sởi
Bệnh sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh nhất, có thể truyền qua không khí khi người bệnh ho hoặc hắt hơi. Việc cắt đứt sự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư