Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 14 tháng 09 năm 2024,
Sớm xoá sổ công ty chứng khoán "èo uột"
 
“Nhiều quy định mới tại Thông tư 07/2016/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 210/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK sẽ thúc đẩy hiệu quả và nhanh hơn quá trình tái cấu trúc CTCK”, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết.
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước
Ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý kinh doanh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Thưa ông, Thông tư 07 đưa ra giải pháp nào để thúc đẩy quá trình tái cấu trúc khối CTCK?

Theo quy định mới, CTCK có vốn chủ sở hữu dưới vốn pháp định, thì có 6 tháng để thực hiện các biện pháp đảm bảo vốn chủ sở hữu bằng vốn pháp định. Trường hợp hết 6 tháng mà vốn chủ sở hữu nhỏ hơn vốn pháp định, Thông tư 07 đưa ra 2 hướng xử lý. Một là, CTCK phải chịu một số hạn chế như không được chia lợi nhuận, giao dịch ký quỹ, lập chi nhánh, phòng giao dịch...

Hai là, trường hợp CTCK đang hoặc chưa khắc phục tình trạng kiểm soát, kiểm soát đặc biệt và có lỗ gộp đạt mức 50% vốn điều lệ, UBCK sẽ đình chỉ có thời hạn một số hoạt động của CTCK theo nguyên tắc vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định. Sau khi hết thời hạn đình chỉ, vốn chủ sở hữu của CTCK vẫn không bằng vốn pháp định, UBCK sẽ thực hiện rút nghiệp vụ đã bị đình chỉ trước đó.

Ngoài ra, Thông tư 07 cụ thể hóa quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 70, Luật Chứng khoán về đáp ứng vốn, bao gồm làm rõ về thời hạn cảnh báo (kiểm soát và kiểm soát đặc biệt) và hết thời hạn cảnh báo nhưng không cung cấp được bằng chứng chứng minh CTCK đã khắc phục được tình trạng cảnh báo.

Đến nay, 25 CTCK đã được xử lý dưới các hình thức hợp nhất, giải thể, rút nghiệp vụ môi giới, đình chỉ hoạt động. Hiện số lượng CTCK đang hoạt động là 80 CTCK. 

Một số CTCK than phiền về quy định, trong cùng năm tài chính, CTCK không được thay đổi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Ý kiến này có thỏa đáng không, thưa ông?

Thực chất, quy định này điều chỉnh trường hợp kiểm toán đưa ra ý kiến kiểm toán không như CTCK mong muốn, dẫn đến CTCK thay đổi tổ chức kiểm toán, điều đó làm ảnh hưởng đến cổ đông, cũng như đến quá trình giám sát hoạt động của cơ quan quản lý. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế, đồng thời làm minh bạch hơn tình hình tài chính của CTCK. 

Thông tư 07 có giải pháp nào để xử lý tình trạng CTCK lạm dụng tiền của khách hàng?

Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn đều nghiêm cấm CTCK sử dụng tiền của khách hàng. Thông tư 210 đã quy định chi tiết về mục đích sử dụng tiền trong tài khoản tổng. UBCK cũng đã phối hợp với Trung tâm Lưu ký, Sở GDCK giám sát chặt chẽ hoạt động này, xử phạt nghiêm, thậm chí đình chỉ hoạt động môi giới nếu CTCK vi phạm; trường hợp cố tình, UBCK chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật.

Thông tư 07 quy định thêm về CTCK không được sử dụng tiền của khách hàng để bảo lãnh thanh toán cho bên thứ ba.

Ngoài ra, UBCK đang đề xuất phương án sửa đổi Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính, có thể sẽ có các hình phạt bổ sung nghiêm khắc hơn. 

CTCK không được sử dụng tiền của khách hàng để bảo lãnh thanh toán cho bên thứ ba có ý nghĩa gì, thưa ông?

CTCK dùng tiền của khách hàng trong tài khoản tổng để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba là vi phạm quy định về mục đích sử dụng tiền trong tài khoản tổng được quy định tại Thông tư 210.

Nếu CTCK dùng tiền của mình để bảo lãnh thanh toán, khoản bảo lãnh không được thể hiện trên báo cáo tài chính của CTCK, nên không cung cấp đầy đủ thông tin cho các đối tượng sử dụng báo cáo. Đồng thời, đây là khoản nợ tiềm tàng, có thể gây rủi ro về nợ cho CTCK, dẫn đến không giám sát được việc tuân thủ các tỷ lệ tài chính. 

Vẫn có tình trạng CTCK “vượt rào” trong hoạt động margin, quy định mới có giải pháp nào ngăn ngừa?

Thông tư 07 đã quy định bổ sung về hạn chế các CTCK đảm bảo nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba. Ngoài ra, UBCK đang sửa đổi Quy chế giao dịch ký quỹ (Thông tư 07 không điều chỉnh nội dung này).

Đối với tình trạng “vượt rào” về giao dịch ký quỹ, trong năm 2015, UBCK đã tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch ký quỹ của một số CTCK, qua đó xử lý nghiêm, dừng hoạt động môi giới của CTCK vi phạm. Vấn đề ở đây là các CTCK cần thấy được mức độ rủi ro để quản lý. UBCK sẽ duy trì kiểm tra một số CTCK về giao dịch ký quỹ trong năm 2016.

Theo ông Bùi Hoàng Hải, một nội dung mới khác của Thông tư 07 là tăng, giảm vốn điều lệ được quy định theo hướng giảm hồ sơ, thủ tục cho các CTCK khi nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động lên UBCK.

Đối với tăng vốn, thêm lựa chọn cho các CTCK có thể chọn xác nhận của ngân hàng, báo cáo tài chính kiểm toán hoặc xác nhận của tổ chức kiểm toán được chấp thuận về khoản vốn tăng thêm. Riêng tăng vốn điều lệ từ vốn chủ sở hữu thì không phải nộp các hồ sơ này.

Đối với giảm vốn, cho phép giảm vốn trong 2 trường hợp: hủy cổ phiếu được yêu cầu mua lại hoặc hủy cổ phiếu quỹ, đồng thời thêm lựa chọn cho CTCK khi nộp hồ sơ. Cụ thể, CTCK có thể lập báo cáo kết quả việc mua lại và hủy cổ phiếu, phần vốn góp để giảm vốn điều lệ hoặc báo cáo tài chính đã được tổ chức kiểm toán được chấp thuận xác nhận.

Ngoài ra, Thông tư 07 điều chỉnh đối với các giao dịch cổ phần vượt trên các mốc 25%, 50%, 75% vốn điều lệ, nhằm giám sát tốt hơn đối với các giao dịch nắm quyền kiểm soát CTCK.

Nới room, công ty chứng khoán có được vay vốn?
Khá nhiều băn khoăn đã được ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc CTCK TP. Hồ Chí Minh - HSC (HCM) đã bày tỏ trong bài tham luận về việc khi HSC mở...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư