Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sốt rét có thể trở thành ác tính, nếu không lưu ý biện pháp phòng ngừa, điều trị
D.Ngân - 05/06/2022 16:52
 
Với việc đã có 4 ca mắc sốt rét châu Phi nhập cảnh về Việt Nam, người dân lo lắng liệu bệnh có lây lan?

Những năm gần đây, ca mắc sốt rét ngày càng giảm, ca bệnh nặng và tử vong cũng ít đi. Tuy nhiên, tại khu vực phía Nam như một số tỉnh Tây Nguyên, Lâm Đồng, Bình Phước vẫn ghi nhận ca bệnh. 

Với việc đã có 4 ca mắc sốt rét châu Phi nhập cảnh về Việt Nam, người dân lo lắng liệu bệnh có lây lan?

Theo nhận định của các bác sĩ, do bệnh sốt rét ngày càng ít gặp nên các ca bệnh đến viện thường muộn. Các triệu chứng sốt rét không điển hình rầm rộ nên dễ gây nhầm với các bệnh khác như cảm cúm, Covid-19, sốt xuất huyết hay nhiễm trùng tiết niệu…

Chẳng hạn, bệnh nhân sốt xuất huyết có thể sốt liên tục nhiều ngày, uống thuốc sẽ có đáp ứng nhưng sau đó sốt lại. Trường hợp nặng, bệnh nhân rơi vào sốc, suy đa tạng, đe dọa tính mạng người bệnh. Sốt xuất huyết lưu hành tại nước ta với đủ 4 type virus Dengue gây bệnh, đặc biệt ở vùng đô thị hóa, dân cư đông đúc.

Trong khi đó, bệnh sốt rét có đặc điểm sốt từng cơn kèm theo run người, ớn lạnh, vã mồ hôi. Mỗi ngày, người bệnh bị sốt 1 đến 2 cơn tùy loại ký sinh trùng gây ra. Mỗi khi hết cơn sốt, người bệnh sẽ rất mệt. Bệnh cũng có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Sốt rét vẫn là bệnh nằm trong chương trình phòng, chống quốc gia, thuốc điều trị gồm Artesunate, Arterakin và được Bộ Y tế cung cấp theo chương trình miễn phí.

Tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã tiếp nhận các ca bệnh sốt rét nhập cảnh từ châu Phi về. 

PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm đã tiếp nhận gặp nhiều trường hợp sốt rét trở thành ác tính với triệu chứng sốt cao liên tục, có thể đi vào hôn mê sau 3-5 ngày, nguy hiểm đến tính mạng. Kèm theo hôn mê là suy đa phủ tạng (gan, thận, phổi,..) hoặc thiếu máu, co giật, hạ đường huyết. 

Tuy nguy hiểm song sốt rét nếu được điều trị kịp thời, đúng thuốc và thuốc tốt thì các chức năng sẽ dần hồi phục. Theo các bác sĩ, khi người bệnh có biểu hiện rối loạn ý thức, sốt cao liên tục, đau đầu dữ dội, tiêu chảy nhiều... là dấu hiệu tiền ác tính. 

Tỷ lệ tử vong do sốt rét ác tính thể não gây ra là từ 20 - 50%. Do vậy, theo khuyến cáo của PGS.TS Đỗ Duy Cường, người dân trở về từ nước có sốt rét cần được khám sàng lọc, điều tra dịch tễ và xét nghiệm ngay xem trong máu có ký sinh trùng sốt rét hay không và cần khai báo y tế với cơ quan chức năng. Khi có biểu hiện sốt cần đi khám ngay để tránh nhầm lẫn và bỏ sót, bởi sốt rét có thể trở thành sốt rét ác tính và nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, người đi về từ vùng lưu hành sốt rét như Bình Phước, các tỉnh vùng Tây Nguyên, Lào, Campuchia, người trước đó có truyền máu hoặc có mắc sốt rét gần đây, nếu sốt thì nên đến các cơ sở y tế khám bệnh, xét nghiệm chẩn đoán sốt rét.

Hiện nay, ký sinh trùng sốt rét kháng thuốc điều trị có nguy cơ lan rộng; muỗi truyền bệnh sốt rét lưu hành ở nhiều nơi và đã kháng một số hóa chất diệt muỗi, làm giảm hiệu quả của các biện pháp phòng bệnh sốt rét. 

Bộ Y tế khuyến cáo các địa phương có bệnh sốt rét lưu hành, đặc biệt là các vùng trọng điểm về sốt rét và sốt rét kháng thuốc, chính quyền các cấp và ngành y tế địa phương cần tích cực phòng, chống bệnh sốt rét, tuyên truyền người dân sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân (ngủ màn tẩm hóa chất, dùng kem xua muỗi...).

Khi phát hiện ổ bệnh phải xử lý ngay nhằm ngăn chặn và cắt đứt nguồn lây nhiễm ra cộng đồng. Người dân sống trong vùng lưu hành bệnh sốt rét cần nằm ngủ có màn, màn chống muỗi được tẩm hóa chất diệt côn trùng và phun thuốc tồn lưu trong nhà; diệt muỗi, thoa kem, xịt thuốc chống muỗi; loại bỏ nơi sinh sống của muỗi bằng cách phát quang bụi rậm, úp vật dụng chứa nước đọng...

Sốt rét là bệnh sốt cấp tính do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền sang người qua vết đốt từ muỗi Anophen. 

Sốt rét là một căn bệnh có thể phòng ngừa và điều trị được. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2020, ước tính có khoảng 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét mới, 627.000 trường hợp tử vong, hơn 2/3 số ca tử vong là ở trẻ em dưới 5 tuổi sống ở châu Phi. 

Hiện nay, có thể chẩn đoán bệnh bằng cách tìm ký sinh trùng Plasmodium trong máu ngoại vi và các xét nghiệm chẩn đoán nhanh.

[Infographic] Nâng cao nhận thức của người dân để phòng chống sốt rét
Ngày Thế giới phòng, chống sốt rét 25/4 năm 2021 có chủ đề “Đầu tư nguồn lực nhằm đạt mục tiêu loại trừ sốt rét”.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư