Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Start-up cần được giao những bài toán cụ thể
Thị Hồng - 04/03/2021 08:34
 
Trước nhu cầu chuyển đổi số, các doanh nghiệp lớn có thể đóng vai trò như trụ đỡ, dẫn dắt các công ty khởi nghiệp đến với các bài toán thực tế.

Cơ hội từ chuyển đổi số

Trong hành trình “đưa trí tuệ Việt Nam đến thế giới”, ông Phạm Minh Tuấn, CEO của FPT Software nhận thấy, có một lĩnh vực mà khả năng tăng trưởng gần như không giới hạn và Việt Nam có lợi thế rất đặc biệt, đó là chuyển đổi số.

Bên cạnh chuyển đổi số cho các doanh nghiệp lớn, FPT Sofware nhận ra một phân khúc có thị trường hấp dẫn không kém là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhóm doanh nghiệp này không chỉ nhiều về số lượng, mà còn khát khao chuyển đổi số, vì tin rằng, đây là con đường để sống sót, phát triển, thậm chí bứt phá như bao doanh nghiệp khác.

Ông Tuấn cho biết, trong 5 năm qua, hệ sinh thái số của FPT đạt doanh số gần 500 tỷ đồng mỗi năm đến từ doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần xây dựng tên tuổi FPT Sofware tại 25 thị trường mà doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Đức, Anh…

Bên cạnh tạo ra các sản phẩm do mình sở hữu, FPT cũng tham gia chắp cánh cho các start-up về công nghệ tại Việt Nam, như Codelearn - hệ thống học, luyện và thi lập trình trực tuyến. “Năm 2018, khi tôi định nghỉ việc để chuyên tâm phát triển Codelearn, thì sếp tôi nói ‘hãy viết đề xuất dự án đi, nếu tốt thì công ty sẽ đầu tư’. Codelearn đã ra đời trong lòng FPT Software như vậy”, Cao Văn Việt, đại diện Codelearn chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình, khi trước đó, đã hai lần nghỉ việc để khởi nghiệp mà chưa thành công.

Thực tế, khi nhà sáng lập có một ý tưởng khởi nghiệp mà không có các nguồn lực như vốn, công nghệ, nhân sự…, thì ý tưởng đó sẽ trở nên vô nghĩa. Nếu có quỹ để phát triển các dự án khởi nghiệp trong nội bộ như các công ty lớn trên thế giới, thì các nguồn lực thiếu hụt có thể được hỗ trợ.

Đại diện FPT Software cam kết sẽ giúp hiện thực hóa các ý tưởng. Theo đó, dựa trên những thế mạnh về công nghệ, nguồn nhân lực, tập khách hàng, kinh nghiệm toàn cầu, họ sẽ đầu tư để biến ý tưởng thành sản phẩm, tạo thị trường để thử nghiệm sản phẩm, kết nối sản phẩm với các chuyên gia và khách hàng. Khi xác định sản phẩm có cơ hội phát triển, Công ty còn cam kết đưa sản phẩm tiến ra thị trường thế giới, hỗ trợ gọi vốn và bảo vệ quyền tác giả của các nhà sáng lập.

“FPT không chỉ đầu tư tiền vào start-up, mà còn giúp họ tiếp cận hơn 700 khách hàng lớn của FPT Sofware trên toàn cầu”, ông Tuấn chia sẻ.

Thiếu bài toán thực tế

Đại diện FPT Software đánh giá, thị trường chuyển đổi số đang rất tiềm năng và nhiều dư địa phát triển cả ở trong và ngoài nước, nhưng khó khăn lớn nhất là không đủ người làm. Nếu nói về hệ sinh thái chuyển đổi số, thì nguồn cung trên thị trường đang thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu. Ví dụ ở Nhật Bản, có rất nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại thành phố lớn như Tokyo, thì tại các tỉnh khác như Osaka…, gần như không có ai cung cấp.

“Về công nghệ mới, đội ngũ người Việt có chất lượng và khoảng cách khoa học kỹ thuật so với các nước khác không nhiều. Nhưng điều còn thiếu là chưa có trải nghiệm, chưa có tính thực tế vì chưa có các bài toán cụ thể để áp dụng. Nếu các doanh nghiệp Việt, các start-up công nghệ có thể liên kết nhau, thì công nghệ Việt có thể làm nên nhiều kỳ tích hơn nữa”, ông Phạm Minh Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, trong hành trình tạo nên danh tiếng, start-up phải chứng minh năng lực của mình với các tổ chức đánh giá uy tín quốc tế. Muốn có được điều đó, họ phải tham gia giải các bài toán cụ thể.

Ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chia doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thành 3 nhóm, gồm các tập đoàn công nghệ dẫn đầu, các công ty khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp nhỏ và vừa. “Nhóm tập đoàn dẫn dắt phải triển khai thành công các hình mẫu áp dụng, phát triển công nghệ và phải có trách nhiệm với các doanh nghiệp start-up”, ông Duy chia sẻ.

Muốn thành công, start-up cần đội ngũ nhân sự mạnh
Nhân sự là yếu tố cốt lõi nhất trong quá trình phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu, gọi vốn… và quyết định thành công của các dự...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư