Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Start-up tận dụng kênh truyền thông miễn phí khi khởi nghiệp
Đức Thọ - 29/09/2023 08:05
 
Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, tận dụng các kênh truyền thông miễn phí sẽ giúp start-up tạo sự lan tỏa thương hiệu mà vẫn tiết kiệm được chi phí.

Ai cũng biết, truyền thông là hoạt động không thể thiếu đối với bất kỳ doanh nghiệp nào, đặc biệt khi Internet bùng nổ, đưa tới cho khách hàng vô số lựa chọn mỗi ngày. Nhưng kinh phí cho hoạt động truyền thông là một bài toán hóc búa với nhiều doanh nghiệp, nhất là với doanh nghiệp khởi nghiệp, chập chững tham gia thị trường.

Vì vậy, Forbes đã chỉ ra một số kênh miễn phí mà start-up có thể sử dụng để bắt đầu xây dựng hoạt động truyền thông cho riêng mình.

Thứ nhất, tận dụng tốt các công cụ truyền thông xã hội như Facebook, Instagram, Zalo, xây dựng website, kênh Youtube…Với hơn 70 triệu người Việt sử dụng Internet và khoảng 4,6 tỷ người trên phạm vi toàn cầu, xây dựng các kênh truyền thông xã hội cho riêng mình là cách tốt để start-up tiếp cận đông đảo người dùng mà vẫn tiết kiệm chi phí.

Khi sử dụng các kênh này, start-up không nên chỉ tập trung chia sẻ về tính năng, ưu điểm của sản phẩm, mà còn là nơi cập nhật cho người xem tin tức mới nhất trong ngành, hay những câu chuyện riêng của start-up trên hành trình nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm. Quá trình xây các kênh truyền thông tự thân không thể mang lại hiệu quả ngay lập tức, nhưng trong dài hạn, đó là tiếng nói mạnh mẽ của start-up với cộng đồng bên ngoài, giúp truyền tải thông điệp nhanh chóng, chính xác đến khách hàng.

Thứ hai, khai thác các sự kiện trong ngành. Việc tham gia các sự kiện, hội thảo, tọa đàm… trong lĩnh vực của mình là cách tốt để start-up mở rộng quan hệ, kết nối với các chuyên gia. Tuy nhiên, theo Forbes, với những sự kiện dạng này, nhà sáng lập nên cân nhắc thêm hoạt động trực tiếp tham gia chia sẻ ý kiến, kinh nghiệm của bản thân… Việc xuất hiện như một chuyên gia trong ngành giúp nhà sáng lập nâng cao uy tín bản thân, đồng thời thu hút thêm sự chú ý cho start-up của mình và nhiều khả năng sẽ được các nhà báo, blogger chia sẻ lại trong những ấn phẩm báo chí, truyền thông sau này.

Thứ ba, cung cấp nội dung độc quyền. Thay vì chỉ nghĩ đến làm sao thu hút được truyền thông vào câu chuyện của mình, mỗi start-up có thể lựa chọn một hướng đi khác là phát hành các báo cáo, khảo sát, nhận định độc quyền trong ngành. Những nội dung dạng này dễ được PR miễn phí bởi chúng cung cấp thông tin có giá trị cho số đông độc giả, thể hiện nguồn tin đặc sắc mà người đọc không dễ dàng tìm thấy trên Google hay các kênh tin tức khác.

Thứ tư, tích cực tham gia các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài khu vực. Bên cạnh giải thưởng tài chính và các hoạt động hỗ trợ liên quan, mỗi cuộc thi khởi nghiệp lại mang đến cho start-up cơ hội truyền thông hiệu quả, mà hoàn toàn không tốn chi phí. Trước hết, start-up có cơ hội trình bày mô hình, dịch vụ của mình tới số đông khán giả. Và nếu may mắn giành giải thưởng, start-up sẽ nhận về hàng loạt bài viết truyền thông trên các báo địa phương, thậm chí là quốc tế.

Tóm lại, theo Forbes, các công cụ truyền thông hình thành từ 3 đỉnh tam giác, gồm thời gian, nguồn lực tài chính và nỗ lực tự thân. Nếu một start-up có nguồn lực tài chính hạn chế, thì cần phải nỗ lực quảng bá tự thân và cố gắng duy trì trong một thời gian dài để thu về hiệu quả.

“Hãy nhớ rằng, chìa khóa thành công là sự kiên trì, sáng tạo và xây dựng mối quan hệ bền chặt với giới truyền thông và các chuyên gia trong ngành”, Forbes khẳng định.

Công thức 3T sau khi start-up nhận vốn đầu tư
Với start-up, huy động thành công vốn đầu tư để tiếp tục phát triển là một phần vô cùng quan trọng. Nhưng chi tiêu nguồn vốn đó thế nào cho...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư