Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sử vàng ghi tấm lòng vàng
Tú Ân - 13/10/2014 11:15
 
Những nhà tư sản như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô, Ngô Tử Hạ, Đỗ Đình Thiện, Nguyễn Sơn Hà… đã viết nên trang sử vàng về một thế hệ doanh nhân yêu nước đầu thế kỷ XX.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vinh danh “nghiệp và đời” của doanh nhân
Tầm vóc doanh nhân Việt
Điểm mặt những gia tộc kinh doanh nổi tiếng Việt Nam

Họ là thế hệ doanh nhân cách mạng Việt Nam đầu tiên đã khơi gợi tấm lòng yêu nước thương nòi cho người dân Việt Nam vùng dậy đấu tranh giành độc lập, cống hiến tài năng, của cải cho thành công của cách mạng. Trong những trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam đã ghi nhận công lao của họ.

Bạch Thái Bưởi (1874-1932): Người khởi phát phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”

  Nhà tư sản yêu nước Bạch Thái Bưởi  
  Nhà tư sản yêu nước Bạch Thái Bưởi  

Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, tuy đứng cuối cùng trong 4 người Việt Nam giàu nhất đầu thế kỷ 20, như câu: “Nhất Sỹ, nhì Phương, tam Xương, tứ Bưởi”, nhưng ông Bạch Thái Bưởi luôn được người dân, các học giả, các nhà sử học kính trọng, ngưỡng mộ nhất.

Lý do vô cùng đơn giản bởi ông là người luôn gương cao ngọn cờ dân tộc, khát vọng cải tạo xã hội. Trong “cuộc chiến thương mại” đầu thế kỷ 20, ông đã đánh bại các nhà tư bản Pháp, Hoa… mở đầu  phong trào “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” còn vang vọng đến ngày nay.

Vào năm 1909, Bạch Thái Bưởi bước vào lĩnh vực kinh doanh được gọi là “cấm kị” với người Việt: kinh doanh vận tải đường sông. Sở dĩ nói là cấm kị bởi lúc đó, đây là lĩnh vực độc quyền khai thác của tư bản người Pháp với hai hãng tàu biển nổi tiếng Messagerie Maritime và Chargeurs Reuni. Hãng Marty tại Hà Nội, Hãng Deschwanden ở Hải Phòng và một số hãng của người Hoa có khoảng 20 chiếc tàu.

Bạch Thái Bưởi thuê lại 3 chiếc tàu Phi Phụng, Phi Long, Khoái Tử Long từ người Pháp là A.R.Marty để chạy tuyến Hà Nội - Nam Định và Hà Nội - Bến Thuỷ. Lo sợ sự bành trướng của đội tàu nhỏ bé dám bước vào vùng cấm địa của mình, các chủ tàu người Pháp, người Hoa đã liên minh với ý định “bóp chết” công việc kinh doanh của Bạch Thái Bưởi từ trong trứng nước.

Với tiềm lực mạnh, kinh doanh tàu lâu năm, người Hoa đã áp dụng “chiêu” cạnh tranh “cá lớn nuốt cá bé”, hạ giá vé tàu tuyến Hà Nội - Nam Định từ 40 xu xuống còn 5 xu để giành khách. Bạch Thái Bưởi đành phải hạ giá xuống còn có 3 xu để cạnh tranh. 

Cuộc tranh đua rất căng thẳng: ông hạ một giá, họ hạ hai giá; ông đãi khách uống trà, họ thết khách thêm bánh ngọt... Tình thế lúc đó của thương gia họ Bạch như đứng bên bờ vực thẳm của sự phá sản, bởi ông phải mướn 3 tàu, mỗi tàu 2.000 đồng/tháng, trong khi mỗi chuyến chỉ thu lại được 20 đồng.

Trong “bước đường cùng”, Bạch Thái Bưởi đã nghĩ đến một thứ vũ khí mà đối thủ của mình không có, đó là tinh thần dân tộc, tương thân tương ái của người Việt. Ông cho rằng, mình là người Việt, kinh doanh trên đất nước mình, phục vụ cho đồng bào mình thì cớ sao người Việt Nam lại không ủng hộ mình? Để khơi gợi lòng tinh thần đó, ông đổi tên tàu với những cái tên gợi nhớ đến cội nguồn, lịch sử hào hùng của dân tộc như: Lạc Long, Hồng Bàng, Trưng Trắc, Đinh Tiên Hoàng, Lê Lợi, Hàm Nghi…

Trên tinh thần “ta về ta tắm ao ta”, người Việt giúp nhau để chấn hưng nền kinh tế, ông tổ chức các đoàn diễn thuyết trên các bến tàu, nêu rõ những thiệt thòi của người Việt, cổ vũ tinh thần đồng bang. Bạch Thái Bưởi còn treo một cái ống trên tàu, để ai thấy việc làm của ông là đáng khuyến khích, bỏ tiền vào, giúp cho chủ tàu đỡ phần lỗ, đủ sức cạnh tranh. Kết quả, hành khách đều bỏ tàu Hoa mà đi tàu Việt.

Với chiến thuật này, chỉ trong vòng 6 năm, Bạch Thái Bưởi đã bắt các đối thủ cạnh tranh đầu hàng. Năm 1915, ông mua luôn 3 chiếc tàu, cả xưởng sửa chữa và đóng tàu của A.R.Marty tại Cửa Cấm - Hải Phòng. Năm 1917, Hãng Deschwanden phá sản, ông mua hết cả đội tàu 6 chiếc và nhận chủ cũ là ông Deschwanden về làm công cho mình.

Trong vòng 10 năm (1909 -1919), Công ty Bạch Thái Bưởi đã có tới 30 chiếc tàu lớn nhỏ cùng nhiều xà lan chạy hầu hết các tuyến sông miền Bắc, rồi vươn ra các vùng lãnh thổ và các nước xung quanh như Hồng Kông, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Trung Quốc. Kinh doanh vận tải đường sông và tiếp đến là kinh doanh hàng hải là lĩnh vực thành đạt nhất trong sự nghiệp của ông. Bạch Thái Bưởi được giới tư bản mệnh danh là “Chúa sông Bắc Kỳ”.

Sau “cuộc cạnh tranh lịch sử” này, Bạch Thái Bưởi còn đầu tư vào khai mỏ, xuất bản… và đều thành công vang dội. Những lời kêu gọi hàm chứa tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu đồng bào đã trở thành “băng - rôn” cho các cuộc cạnh tranh giữa giới chủ người Việt với giới chủ tư bản người Hoa, người Pháp: “Người Việt Nam, đi tàu Việt Nam”.

Sau Bạch Thái Bưởi, một đội ngũ doanh nhân dám cạnh tranh ngang ngửa với tư bản người Pháp, người Hoa trên thương trường đã hình thành, tên tuổi của họ được cả nước biết đến, như Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Hữu Thu, Trương Văn Bền, Bùi Huy Tín...

Nhà báo lão thành Thái Duy đánh giá: “Những thành công và thất bại của Bạch Thái Bưởi và những doanh nhân đã viết nên trang sử vẻ vang, chắc chắn là những bài học bổ ích cho ngày nay khi hàng ngoại đã tràn ngập khắp nước và Nhà nước ta đã phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Trịnh Văn Bô (1914-1988): Hiến cả gia tài cho cách mạng

  Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ  
  Vợ chồng doanh nhân Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ  

Cách đây vài năm, người viết bài này được gặp phu nhân của Nhà tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô là cụ Hoàng Thị Minh Hồ tại Hà Nội. Cụ Trịnh Văn Bô đã đi vào lịch sử cách mạng khi hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng. 

Nhà tư sản Trịnh Văn Bô kinh doanh mặt hàng tơ lụa khắp Đông Dương và là thương gia giàu có nhất nhì đất Hà thành. Tháng 11/1944, hai cán bộ Việt Minh đã đến vận động gia đình ông đi theo cách mạng. Kể từ đó, căn nhà 48 phố Hàng Ngang quanh năm buôn bán náo nhiệt của gia đình đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Minh khi từ chiến khu về Hà Nội.

Chiều ngày 29/3/1945, một cán bộ cách mạng tên là Cát (bí danh của ông Khuất Duy Tiến) đã đến gặp hai vợ chồng ông bà nói chuyện về cách mạng suốt cả buổi chiều. Ông Bô hăng hái nói: “Cho tôi đi theo cách mạng”. Ông Cát từ tốn phân tích: “Hai ông bà ở lại có lợi cho cách mạng hơn, vận động, tuyên truyền, quyên góp ủng hộ cũng là làm cách mạng”. Qua tâm sự của ông Cát, hai ông bà biết cán bộ cách mạng khó khăn trăm bề, tiền mua tờ báo 5 xu cũng không có. Ông bà quyết định ủng hộ 1 vạn đồng Đông Dương, tương đương với 25 cây vàng và hẹn 1 tuần sau mời cán bộ đến lấy. Để có tiền cho cách mạng, bà đã bán 17 hòm tơ với giá gốc.

Sau lần ấy, bà còn đưa cho một cán bộ Việt Minh khác là ông Hoàng Hữu Nhân một lần 1 vạn và một lần 2 vạn nữa là 3 vạn đồng Đông Dương. Lần khác, bà ủng hộ cán bộ Việt Minh có tiền để in Báo Đàn Bà với số tiền 1,5 vạn đồng…

Cho đến trước ngày Cách mạng tháng Tám thành công, gia đình họ Trịnh đã ủng hộ 8,5 vạn đồng Đông Dương, thời giá bấy giờ 400 đồng 1 lạng vàng, vị chi gia đình đã ủng hộ  212,5 lạng vàng.

Cũng trong những ngày Tổng khởi nghĩa, ông Khuất Duy Tiến đã tiến cử ông bà vào Ban vận động Quỹ Độc lập. Hai ông bà đã không ngần ngại ủng hộ Quỹ tiếp 20 vạn đồng, tương đương với 500 lạng vàng. Ngoài ra, nhờ mối quan hệ sâu rộng, uy tín với giới tư bản Hà Nội, ông bà Trịnh Văn Bô còn vận động  hơn 1 triệu đồng Đông Dương cho quỹ.

Chính sử ghi lại rằng, khi Chính phủ lâm thời của cụ Hồ Chí Minh từ Việt Bắc về Hà Nội cướp chính quyền trong tay giặc, thì ngân khố chỉ có 1,2 triệu đồng tiền Đông Dương, toàn tiền lẻ hoặc bị rách nát hoặc bị cắt góc. Tuần Lễ Vàng được ấn định nhằm huy động tài chính, tiền bạc, tài sản của nhân dân phục vụ  chính quyền cách mạng non trẻ lúc đó.

Là thành viên chủ chốt của Ban vận động, gia đình cụ Trịnh Văn Bô đã đóng góp 117 lạng và vận động để mọi người ủng hộ thêm trên 1.000 lạng vàng nữa.

Nhưng ngoạn mục nhất là trong buổi tiệc sau Tuần Lễ Vàng, hai ông bà đã “đạo diễn” việc tổ chức bán đấu giá bức ảnh của Bác Hồ. Cuộc đấu giá kéo dài từ chiều tối đến 1h sáng hôm sau, ai trả bao nhiêu ghi vào sổ, dù không mua được vẫn trả tiền để ủng hộ, cuối cùng tổng số tiền thu được qua đấu giá lên đến 1,58 triệu đồng Đông Dương…

Nhớ hôm gặp cụ, tôi hỏi: “Cụ hiến cho cách mạng cả ngàn lạng vàng, có lúc nào cụ tiếc nuối không?”  Với vẻ an nhiên, tự tại, cụ Hoàng Thị Minh Hồ bình thản đáp: “Không hề tiếc cháu ạ! Có tiền, giàu có mà sống trong nô lệ thì có ý nghĩa gì!”.

Căn nhà số 48 Hàng Ngang của hai ông bà, nơi ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập bất tử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành địa danh lịch sử. Cụ Trịnh Văn Bô qua đời năm 1988, cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ tròn trăm tuổi.

Lúc tôi chào cụ ra về, cụ chậm rãi bảo: “Cái quý giá nhất của gia đình tôi trong việc ủng hộ cách mạng không phải là số vàng 5.147 lạng đã ủng hộ cách mạng, mà đó là việc bảo vệ, chăm sóc cụ Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ trong suốt hơn một tháng an toàn”.

Ngô Tử Hạ (1882-1973): Nhân sỹ yêu nước, thương dân

  Nhân sỹ yêu nước Ngô Tử Hạ  
  Nhân sỹ yêu nước Ngô Tử Hạ  

Khi người dân rơi vào thảm hoạ chết đói năm Ất Dậu 1945, cụ Ngô Tử Hạ chính là nhân sĩ đầu tiên, mặc áo the, khăn xếp, kéo xe bò khắp đường phố Hà Nội để kêu gọi cứu tế. Cụ là mẫu mực của một nhà tư sản dân tộc, một nhân sĩ yêu nước, thương dân... Cụ Ngô Tử Hạ là một nhà tư sản lớn của Hà Nội lúc bấy giờ, được Báo Nam Phong bình chọn là 1 trong 300 nhân vật nổi tiếng của xứ Đông Dương ở những năm 40, thế kỷ 20.

Xuất thân trong gia đình nhà nông, cụ Ngô Tử Hạ trở thành một thợ in giỏi nổi tiếng Hà Thành và mấy chục năm sau, cụ trở thành ông trùm ngành in Việt Nam, một nhà tư sản lớn của Hà Nội thời bấy giờ.

Khi có điều kiện kinh tế, Ngô Tử Hạ đã dốc sức vào hoạt động xã hội, hỗ trợ các phong trào nâng cao dân trí và trực tiếp tham gia hoạt động từ thiện, cứu tế người nghèo.

Sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, cụ tích cực tham gia phong trào Bình dân học vụ do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động. Nhà in Ngô Tử Hạ đã nhận in một số lượng lớn sách học chữ cho bình dân học vụ.

Từ một người thợ in trở thành nhà tư sản lớn, cụ Ngô Tử Hạ trở nên nổi tiếng, có uy tín thời bây giờ trong các tầng lớp nhân dân, các giới trí thức và cả hàng ngũ quan chức thực dân. Việc cụ tham gia tổ chức Việt Minh, trở thành cố vấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trúng cử Đại biểu Quốc hội khoá I và là người đọc Tuyên ngôn Quốc hội ngày 2/3/1946 là quá trình tất yếu đến với cách mạng của một nhà tư sản dân tộc yêu nước - Ngô Tử Hạ.

Năm 1960, cụ Ngô Tử Hạ tự nguyện đem hiến cho nhà nước một khối lượng tài sản đồ sộ khiến không ít người giật mình. Đó là khối tài sản đất đai, nhà cửa rất lớn giữa Hà Nội, thể hiện trong bảng kê khai nhà đất ngày 29/7/1960, như sau: nhà số 24- 48 Lý Quốc Sư và 2/12 Ngõ Huyện (diện tích 2.251 m2) nhà số 60 Nguyễn Du (diện tích 1.095 m2), nhà số 8 Lý Quốc Sư  (diện tích 84 m2), nhà số 4 đường 339 Thịnh Yên (diện tích 2.210 m2), nhà số 31 Hàng Bông (diện tích 182 m2)…

Đỗ Đình Thiện (1904-1972): Người tư sản thành thư ký cho Hồ Chủ Tịch

  Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện  
  Nhà tư sản yêu nước Đỗ Đình Thiện  

Cụ Đỗ Đình Thiện là du học sinh Trường Đại học Canh Nông (Toulouse, Pháp), vừa học vừa tham gia hoạt động cách mạng, đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vào Đảng Cộng sản Pháp năm 1928. Do hoạt động tích cực, cụ bị cảnh sát Pháp để ý và bị bắt giữ khi khi trao truyền đơn cách mạng cho những binh sĩ người Việt Nam đang trên đường hồi hương. Cụ bị kết án 4 tháng tù và bị trục xuất về nước.

Bị kiểm soát gắt gao, nhà cửa thường xuyên bị khám xét, không thể trực tiếp hoạt động cách mạng được, gia đình cụ chuyển sang làm kinh tế, mở hiệu buôn bán tơ lụa rồi tậu đất, dựng nhà máy, lập đồn điền… trước hết là để nuôi sống gia đình và sau đó để chờ thời, một khi có điều kiện sẽ ủng hộ cách mạng, giúp đỡ các đồng chí mình hoạt động.

Năm 1943, cụ Thiện mua đồn điền Chi Nê (Lạc Thủy, Hòa Bình) rộng 7.331 ha của chủ đồn điền Bô-Ren, giá 2.000 lượng vàng.

Năm 1946, trước khó khăn của Đảng không có nhà in riêng để in tiền, cụ Thiện đã đứng tên và bỏ tiền ra mua lại nhà in Tô-panh của Pháp (vì người Pháp không chịu bán cho Chính phủ ta) và hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Tháng 3/1946, Nhà máy in tiền Tô-panh được chuyển về đồn điền Chi Nê của gia đình cụ.

Ngày 4/9/1945, Chính phủ đã ban hành Sắc lệnh đặt ra Quỹ Độc lập để thu nhận các món tiền và đồ vật mà nhân dân tự nguyện đóng góp.Thời kỳ này, ông Đỗ Đình Thiện được cử phụ trách Quỹ Độc lập Trung ương ở Hà Nội, đóng góp nhiều tiền, vàng cho chính quyền cách mạng.

Không những vậy, ông Thiện còn mua đấu giá bức tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do hoạ sĩ Nguyễn Sáng vẽ với giá 1 triệu đồng Đông Dương (khoảng gần 2.000 lạng vàng), sau đó tặng ngay cho Ủy ban Kháng chiến hành chính Hà Nội, biến cuộc đấu giá thành một đám rước chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh về treo ở trụ sở Ủy ban.

Việc làm trên của ông Đỗ Đình Thiện được đánh giá nhằm biểu thị lòng tin tưởng của nhân dân đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh, chống lại những âm mưu xuyên tạc, phá hoại của các thế lực thù địch, đồng thời để tăng ngân sách cho chính quyền cách mạng.

Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Cộng hoà Pháp và cụ là thư ký riêng của Hồ Chủ Tịch.

"Lúc đi học làm cách mạng, ra đời kinh doanh kỹ nghệ và nông nghiệp, tham gia vào công cuộc xã hội", cụ trả lời như vậy khi được hỏi về tiểu sử bản thân.

Nguyễn Sơn Hà (1894-1980): Ông tổ nghề sơn Việt có lòng yêu nước

  Ông tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà  
  Ông tổ nghề sơn Nguyễn Sơn Hà  

Năm 1917, sau thời gian dài làm cho hãng sơn Pháp Sauvage Cottu, cụ Nguyễn Sơn Hà đã nắm được những công nghệ của ngành sản xuất sơn, tích cóp được nhiều kinh nghiệm trong quản lý, kinh doanh của người Pháp và trở thành chủ của một công ty nhỏ thầu các việc sơn vôi, kẻ biển và âm thầm chế tạo thử sơn dầu.

Vài năm sau, Hãng sơn Gecko với lô gô là hình con tắc kè xanh đang cong đuôi bám bốn chân vào thân cây cổ thụ của cụ đã chiếm lĩnh thị trường và cụ có trong tay tài sản khổng lồ.

Năm 1939, trong một lần vào Nam, cụ tới thăm cụ Phan Bội Châu đang bị Pháp quản thúc tại Huế. Cuộc gặp gỡ này đã tác động sâu sắc đến cụ và sau đó đã tham gia tích cực các hoạt động của Hội Trí tri, Hội Ánh sáng, thành lập Ban Cứu tế, Chi hội Truyền Bá quốc ngữ.

Cụ Nguyễn Văn Tố đã thân hành về Hải Phòng đề nghị Nguyễn Sơn Hà làm Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng, Kiến An. Là nhà tư sản lớn và có uy tín, nên khi Nguyễn Sơn Hà đứng ra làm Hội trưởng thì mọi tầng lớp nhân dân ở Hải Phòng, Kiến An ủng hộ rất mạnh.

Cụ Nguyễn Sơn Hà là người có công rất lớn trong việc truyền bá quốc ngữ, giúp đỡ người nghèo. Trong nạn đói Ất Dậu, cụ đã liên lạc với bạn bè cùng chí hướng, thuyết phục những người giàu có lập Hội Cứu tế để giúp đỡ dân nghèo. Cụ cũng đấu tranh với Pháp, Nhật đòi mở kho tấm cám để cứu đói.

Trong Tuần Lễ Vàng do Chính phủ phát động, cụ  tích cực đóng góp tiền vàng và vận động các nhà tư sản khác và nhân dân mọi tầng lớp tham gia. Gia đình cụ trong lần ủng hộ đầu tiên đã hiến tặng toàn bộ số nữ trang của gia đình, gồm vàng bạc, đá quý cân được 10,5 kg.

Vào những ngày đầu của “Toàn quốc kháng chiến”, cụ Nguyễn Sơn Hà cùng với các doanh nhân như Bùi Hưng Gia, Ngô Tử Hạ... đã tình nguyện hiến tài sản cho cách mạng. Cụ có người em gái là bà Nguyễn Thị Thảo, người đã từng hoạt động cùng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh.

Chồng của bà Thảo là ông Tưởng Dân Bảo, nguyên là Đảng viên Quốc Dân Đảng tham gia một số cuộc khởi nghĩa bị Pháp bắt tù rồi ly khai theo Đảng Cộng sản Đông Dương làm Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Bí thư tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Châu Đốc.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, cụ Nguyễn Sơn Hà đã cùng ông Bảo dùng tiền của ông ở đại lý sơn tại Sài Gòn tổ chức một đoàn tàu vượt biển ra Côn Đảo đón tù chính trị bị giam giữ trở về đất liền trước khi Pháp nổ súng gây hấn vào 23/9/1945. Trong số những người được chuyến tàu đón về có nhiều người sau đó trở thành lãnh tụ cách mạng của Việt Nam như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị.

Cụ Nguyễn Sơn Hà trúng cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tham gia cách mạng khi kháng chiến bùng nổ. Cụ là người đã giúp bộ đội làm làm vải nhựa cách điện, sản xuất giấy than, mực in lito, vải che mưa, chế tạo được lương khô và thuốc ho…

Sau kháng chiến chống Pháp, cụ Nguyễn Sơn Hà trở về Hà Nội và tiếp tục trúng cử vào Quốc hội Việt Nam khoá khoá II, III, IV, V. Cụ mất tại Hải Phòng năm 1980.

Nhà cách mạng Phan Bội Châu đã ngợi ca Nguyễn Sơn Hà: “Lấy hoá học người Âu điểm tô cho sông núi bởi tấm lòng son sẵn có. Làm công nghệ đất Việt, đổi thay thời thế từ tay trắng làm nên”.

XEM THÊM VỀ CÁC DOANH NHÂN VIỆT NAM:
Bầu Đức và những việc chưa ai làm
Vì sao Doanh nhân Trương Gia Bình không "kiêng" tầng 13?
Chuyện về tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư