Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 11 năm 2024,
Sửa Luật Bưu chính để “dẹp” cạnh tranh xấu
Tú Ân - 27/03/2024 08:09
 
Sau 13 năm đi vào cuộc sống, Luật Bưu chính đã bộc lộ sự lạc hậu, bất cập, cần sửa đổi.

Thị trường bưu chính phát triển nóng, cạnh tranh cao

Những năm gần đây, thị trường bưu chính có sự tăng trưởng nóng và xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tạo ra nhiều bất ổn. Trong khi đó, Luật Bưu chính chưa theo kịp sự phát triển mới.

Ông Lã Hoàng Trung, Vụ trưởng Vụ Bưu chính (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, cùng với sự tăng trưởng rất nhanh của thương mại điện tử, sản lượng bưu gửi cũng tăng nhanh. Thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt dẫn đến nguy cơ có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh.

Theo đó, các doanh nghiệp liên tục thực hiện giảm giá, khuyến mãi, tặng quà, thậm chí có những chương trình miễn phí giao hàng, tặng voucher quanh năm. Dù chất lượng dịch vụ được cải tiến liên tục, nhưng do sản lượng bưu gửi tăng nhanh từng năm, nên có doanh nghiệp chưa đảm bảo chất lượng dịch vụ, còn hiện tượng mất bưu gửi, bưu gửi không nguyên vẹn hoặc đến chậm...

Ngoài ra, các sàn thương mại điện tử đang chỉ định một số ít doanh nghiệp bưu chính (thường là 7 - 8 doanh nghiệp) tham gia vận chuyển hàng hóa giao dịch trên sàn của mình. Các shop bán hàng và người mua hàng không được lựa chọn doanh nghiệp vận chuyển hàng hóa do mình bán, mua.

Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch Hiệp hội Bưu chính Việt Nam đánh giá, các công ty bưu chính nội địa đối mặt với làn sóng nhượng quyền, đầu tư gián tiếp mở rộng ngành nghề của các sàn thương mại điện tử, công ty chuyển phát xuyên biên giới. Các doanh nghiệp có vốn nước ngoài không ngừng mở rộng vốn đầu tư, giảm giá vận chuyển dưới giá thành, tăng chiết khấu, khuyến mại để cạnh tranh giành thị phần.

Dù hiệu quả ngắn hạn của việc cạnh tranh về giá là không thể phủ nhận, song về dài hạn lại mang đến những hệ quả tiêu cực cho chính doanh nghiệp “phá giá”, các doanh nghiệp cùng ngành và cả thị trường bưu chính. Điều này tác động lớn đến thị phần, khách hàng, doanh thu, tốc độ tăng trưởng của ngay cả những doanh nghiệp bưu chính nội địa lớn, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh cũng như những bất ổn trong việc phát triển thị trường.

Mặt khác, Chiến lược Phát triển bưu chính đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 đã xác định: “Bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia và của nền kinh tế số, đặc biệt là của thương mại điện tử; mở rộng hệ sinh thái dịch vụ, mở rộng không gian hoạt động mới; thúc đẩy phát triển Chính phủ số, xã hội số”.

Vì vậy, cần một hành lang pháp lý mới theo kịp sự phát triển của thị trường, cũng như để thực hiện nhiệm vụ đưa bưu chính trở thành hạ tầng thiết yếu của quốc gia, khắc phục những hạn chế của Luật Bưu chính hiện hành. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực bưu chính và các lĩnh vực liên quan như thương mại điện tử, logistics…, giúp các doanh nghiệp và thị trường bưu chính phát triển lành mạnh, bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập...

Hoàn thiện pháp luật

Theo ông Lê Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VietnamPost), cùng với sự bùng nổ hoạt động thương mại điện tử, cơ cấu thị phần bưu chính chuyển phát có sự dịch chuyển mạnh mẽ. Theo đó, dung lượng thị trường phục vụ thương mại điện tử chiếm đến 70 - 80% toàn bộ thị trường bưu chính chuyển phát.

Đồng thời, xuất hiện nhiều chuỗi giá trị liên quan như lưu kho, chuyển hoàn, thu hộ, chi hộ... Các sàn thương mại điện tử xuất hiện ngày càng nhiều và mở rộng hoạt động chuyển phát bưu gửi đến tận người nhận, thay vì phụ thuộc vào các doanh nghiệp bưu chính.

“Luật Bưu chính sửa đổi cần bổ sung các quy định đối với hoạt động bưu chính phục vụ thương mại điện tử, hoạt động cung cấp dịch vụ bưu chính của các sàn thương mại điện tử”, ông Anh kiến nghị.

Theo quy định hiện nay, dịch vụ bưu chính chỉ giới hạn trong hoạt động vận chuyển thư, gói, kiện hàng truyền thống. Ông Đặng Minh Nam, Trưởng ban Pháp chế Công ty cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm cho rằng, điều này đang tạo ra rào cản cho sự mở rộng, đa dạng dịch vụ bưu chính trong thực tế. “Cần sớm sửa đổi khái niệm bưu chính theo hướng mở rộng hơn để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển đa dạng, bền vững của thị trường bưu chính”, ông Nam đề xuất.

Trong khi đó, ông Đinh Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel (Viettel Post) đề nghị xem xét bổ sung điều kiện kinh doanh với doanh nghiệp bưu chính có hoạt động chuyển phát hàng hóa thương mại điện tử và thu hộ, tương tự các điều kiện cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán. Các điều kiện gồm: vốn điều lệ tối thiểu, biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, điều kiện về nhân sự, điều kiện về hạ tầng kỹ thuật để tạo khuôn khổ pháp lý, hạn chế trường hợp người sử dụng dịch vụ bưu chính bị chiếm dụng hoặc chiếm đoạt tiền thu hộ.

Lãnh đạo Viettel Post còn đề xuất bổ sung yêu cầu doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động với một số chức danh như nhân viên phát hàng, bưu tá, lái xe, để đảm bảo trách nhiệm với xã hội và người lao động.

Theo đại diện Công ty cổ phần Bamboship, hiện có tình trạng người mua hàng và người bán hàng trục lợi bằng các phương thức như đặt hàng ảo, “bom hàng”, dẫn đến tổn thất cho các doanh nghiệp vận chuyển. Nhưng Luật Bưu chính 2010 chưa có chế tài đối với người sử dụng dịch vụ bưu chính trong những trường hợp này. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu thêm nội dung quy định về chế tài xử lý người dùng có hành vi đặt hàng ảo, “bom hàng”.

Được biết, trong kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, giai đoạn 2024 - 2025, Dự án Luật Bưu chính (sửa đổi) là một trong 4 dự luật mà Bộ sẽ đề xuất, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.

Bưu chính tăng trưởng trong bất ổn
Tăng trưởng nhẹ so với năm 2022, nhưng ngành bưu chính vẫn đối mặt với nhiều vấn đề bất ổn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư