Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Sửa luật cần khắc phục tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên quốc gia
Nguyễn Lê - 18/04/2022 11:16
 
Đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp.

Đó là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, sáng 18/4.

Bổ sung điều kiện cấp giấy phép băng tần thông qua đấu giá, thi tuyển 

Trình bày tờ trình dự án luật, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Long cho biết, dự thảo bổ sung 2 điều, sửa đổi 15 điều, bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.

Theo đó, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch băng tần, để làm rõ trong quy hoạch băng tần cho hệ thống thông tin di động mặt đất công cộng có quy định giới hạn tối đa tổng độ rộng băng tần một doanh nghiệp được cấp phép để tránh độc quyền, tránh tích tụ băng tần.

Sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cũng phải bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép sử dụng.

Sửa đổi, bổ sung điều kiện cấp giấy phép băng tần thông qua đấu giá, thi tuyển và cấp lại như: đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính trước đó về viễn thông, tần số vô tuyến điện; có cam kết triển khai mạng viễn thông (như vùng phủ, chất lượng, tiền đầu tư...). Bổ sung quy định các trường hợp đặc biệt được sử dụng tần số không phù hợp với quy hoạch trong không gian, thời gian nhất định (để phục vụ sản xuất, nghiên cứu phát triển, các sự kiện đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ cho phép...).

Thẩm tra dự án luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, tổng lượng băng thông của băng tần di động là hữu hạn. Doanh nghiệp càng nắm giữ nhiều băng tần di động thì càng có lợi thế cạnh tranh. Nếu không có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần thì có thể xảy ra tình trạng một tổ chức, doanh nghiệp sẽ sở hữu quá nhiều tài nguyên viễn thông/tần số, làm giảm hoặc thậm chí triệt tiêu tính cạnh tranh của thị trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ viễn thông.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban thẩm tra tán thành việc cần phải có quy định về giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép nắm giữ, sử dụng để tránh trường hợp xảy ra tình trạng thâu tóm độc quyền, sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí tài nguyên tần số. Quy định này cũng tương tự như quy định của nhiều nước trên thế giới đang áp dụng.

Chưa có quy định đột phá 

Tham gia thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh quan điểm lớn nhất cần quán triệt khi sửa đổi các quy định cụ thể của luật, đó là tần số là tài sản đặc biệt quan trọng của quốc gia, nhưng ở lĩnh vực này "Việt Nam không phải chơi một mình mà chơi với quốc tế".

Liên quan đến quy định cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, lần sửa đổi này nên có quy định đủ rõ về phân bổ và giới hạn băng tần để khắc phục tình trạng nơi rất có năng lực thì lại được phân bổ ít, còn nơi không có năng lực thì lại sở hữu nhiều.

Nên chăng tính toán quy định hạn mức băng tần 1 doanh nghiệp được sử dụng theo tỷ lệ nào đó dựa vào quy mô của doanh nghiệp, như năng lực đầu tư, vốn, hạ tầng cơ sở thông tin, mức độ công nghệ đang sở hữu năng lực quản lý... trong lĩnh vực này để khắc phục tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên quốc gia, ông Vương Đình Huệ gợi ý.

Về phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, luật hiện hành đang quy định ba phương thức là cấp giấy phép trực tiếp, thông qua thi tuyển và đấu giá. Nhưng, từ năm 2009 đến nay chưa có trường hợp nào đấu giá hay thi tuyển mà toàn cấp trực tiếp, vậy phải lý giải việc này, xem có vướng mắc gì mà không làm được.

"Cá nhân tôi và nhiều chuyên gia cho rằng, quy định về phương thức đấu giá tại dự thảo chưa tạo được ra điểm đột phá so với luật  hiện hành", Chủ tịch Quốc hội nhận xét và cho rằng, cần quy định rành mạch rõ ràng về phương thức này.

Với đấu giá, dự thảo luật quy định áp dụng phương thức cấp giấy phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển đối với: băng tần có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần; băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng.

"Đọc cả dự án luật, chưa có chỗ nào nói thế nào là băng tần có giá trị thương mại cao hay có nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ", Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.

Cho rằng, thực tế phương thức đấu giá tần số vô tuyến điện cũng được các nước áp dụng phổ biến hơn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ quy trình đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện sẽ theo quy định của Luật Đấu giá tài sản hay theo quy định của Luật Tần số vô tuyến điện.

Ngoài ra, cần làm rõ việc các doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài tham gia thi tuyển, đấu giá quyền sử dụng băng tần thì có ràng buộc nào không để đảm bảo yếu tố quốc phòng, an ninh  bởi “đây là việc rất nhạy cảm liên quan đến chủ quyền số”.

Cũng nhận xét là các quy định về đấu giá chưa rõ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng dẫn quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch băng tần được đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện trong từng thời kỳ. Nhưng khi chưa rõ tiêu chí băng tần cụ thể có giá trị thương mại cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng phân bổ là thế nào, thì đây sẽ chỉ là quyết định hành chính chứ chưa minh bạch, chưa biết Thủ tướng sẽ quyết định trên cơ sở nào, ông Tùng nhìn nhận. 

Lưu ý băng tần là hữu hạn, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh băn khoăn, băng tần đấu giá xong là tài sản của doanh nghiệp mà sau đó chuyển nhượng thì cần phân biệt là chuyển nhượng để tiếp tục kinh doanh hay do không sử dụng để tránh trục lợi, đầu cơ, cứ ôm về sau đó không sử dụng rồi đem bán lại.

"Cần rõ chính sách tài chính nếu đầu cơ thì xử lý thế nào, đấu giá rồi không sử dụng thì cơ chế xử lý thế nào", ông Thanh đề nghị.

Không cào bằng, ưu tiên cao nhất cho quốc phòng - an ninh 

Làm rõ thêm ý kiến tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Đức Long cho biết, tuy chưa đấu giá song khi cấp phép băng tần trực tiếp thì cũng không cào bằng, không chia đều mà tất cả đều có giới hạn.

Thứ trưởng Long cũng nêu lý do khó có thể quy định tiêu chí cụ thể khi nào đấu giá, khi thi tuyển trong luật, nên sẽ quy định ở nghị định.

Với sửa đổi luật này và hành lang pháp lý về đấu giá hiện này thì đấu giá tần số sẽ thực thi được và khi đấu giá phải cam kết là sẽ triển khai, sau thời gian quy định, nếu doanh nghiiệp không thực hiện thì bị phạt, tiếp đó vẫn không thực hiện thì nhà nước sẽ thu hồi để đấu giá lại, ông Long khẳng định.

"Tần số chuyển nhượng để kinh doanh, đơn vị nhận chuyển nhượng phải kế thừa toàn bộ nghĩa vụ và trách nhiệm của bên chuyển nhượng", Thứ trưởng cho biết thêm. 

Phát biểu sau đó, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện nay lượng tần số mang ra kinh doanh chỉ 15% và sắp tới cũng không tăng được nữa, 85% dùng cho chuyên dùng và thực tế 81% hiện nay chưa dùng, quốc phòng và an ninh mới dùng 4%. Nhưng khi có tình huống khẩn cấp thì tất cả tần số quay về phục vụ quốc phòng an ninh vô điều kiện.

"Trong bất cứ tình huống nào thì tần số cũng ưu tiên cho quốc phòng an ninh cao nhất", Bộ trưởng nói. Bộ trưởng Hùng cũng nêu rõ sẽ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện dự thảo luật, trình Quốc hội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện để Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ ba (tháng 5/2022).

Sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022
"Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu sẽ chính thức cấp phép thương mại hoá 5G trong năm 2022", ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư