Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sửa Luật Đất đai: Công khai, minh bạch để không ai phải sợ sai
Nguyễn Lê - 08/08/2022 19:18
 
Hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch để cả nhà nước và tư nhân làm cũng không ai phải sợ sai, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.
.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại cuộc làm việc.

Hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch để cả nhà nước và tư nhân làm cũng không ai phải sợ sai, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Chiều 8/8, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết dự thảo đang lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động.

Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Bộ cũng đã chủ động rà soát hơn 100 luật, bộ luật có liên quan đến lĩnh vực đất đai để đề xuất sửa đổi ngay trong Luật này hoặc đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật rất lớn, hệ trọng, quy mô rộng, tác động sâu đến nhiều chủ thể, đối tượng, cơ quan, tổ chức.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV và dự kiến xem xét thông qua theo quy trình 3 kỳ họp, phấn đấu trong 2023 hoàn tất sửa đổi Luật Đất đai.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, để chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Đất đai, các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ rất sớm. Theo đó, giữa năm 2021 Chủ tịch Quốc hội đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có nội dung nghe báo cáo rà soát sửa đổi Luật Đất đai. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận, thời gian qua, cùng với tổng kết Nghị quyết 19-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tiến hành nghiên cứu đánh giá, tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013 và sau khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW thay thế Nghị quyết 19-NQ/TW. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tích cực xây dựng dự thảo, hoàn thiện hồ sơ dự án luật, lấy ý kiến các cơ quan.

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội đề nghị: Một là, dự án Luật đất đai rất hệ trọng nên phải xây dựng đúng yêu cầu của luật, tuân thủ tiến độ chuẩn bị dự án luật, Chính phủ trình hồ sơ dự án Luật tới Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trước ngày 1/9 để nghiên cứu, cho ý kiến tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hai là, về hồ sơ dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài nguyên và môi trường dày công hơn nữa trong xây dựng báo cáo đánh giá tác động về kinh tế, xã hội, môi trường, an ninh, quốc phòng, môi trường kinh doanh,..., báo cáo rà soát hệ thống pháp luật liên quan và dự thảo các Nghị định hướng dẫn Luật đất đai.

Ba là, về tổ chức tọa đàm, hội thảo, lấy ý kiến về dự án Luật Đất đai sửa đổi, Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong bối cảnh thời gian không có nhiều, đòi hỏi phải có kế hoạch hợp lý, tận dụng hiệu quả thời gian khi thảo luận cho ý kiến về các nội dung của dự án luật.

Bên cạnh Ủy ban Kinh tế là cơ quan chủ trì thẩm tra, thì Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội hay Kiểm toán Nhà nước, Hội đồng nhân các cấp, các đoàn Đại biểu Quốc hội,… phải nêu cao vai trò tham gia xây dựng Luật. “Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Tài nguyên và Môi trường phải là các cơ quan đầu mối giúp Quốc hội, Chính phủ tổ chức việc huy động sự đóng góp của toàn thể Nhân dân, các nhà khoa học cho dự án Luật”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng còn rất nhiều khó khăn, thách thức trong hoàn thiện dự án Luật, nên các cơ quan không được chủ quan, phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, và Nhân dân trong hoàn hiện Luật.

Bốn là, về các nội dung lớn của dự thảo Luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các các cơ quan tiếp tục phối hợp rà soát, đánh giá kỹ lưỡng từ cơ sở pháp lý, thực tiễn tới thực trạng, xu hướng để xác định rõ các vấn đề này.

Nhấn mạnh việc sửa đổi Luật đất đai hiện hành là việc vô cùng hệ trọng và rất khó khăn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải triển khai tích cực, bài bản, khoa học.

Việc trình dự thảo lần thứ nhất ra Quốc hội có ý nghĩa rất quan trọng nhắm hướng tới mục tiêu cuối cùng khi xây dựng, hoàn thiện dự án Luật này là bảo đảm tính thông suốt, công khai, minh bạch để cả nhà nước và tư nhân làm cũng không ai phải sợ sai, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Lấy ý kiến sửa Luật Đất đai cần cầu thị, thực chất
Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng-An ninh của Quốc hội cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện Dự thảo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư