Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Sửa Nghị định 55: Cá nhân, hộ gia đình được vay tín chấp tới 200 triệu đồng
Thùy Liên - 14/09/2018 12:24
 
Sau nhiều chờ đợi, Nghị định số 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành, có hiệu lực từ 25/10 tới.

Theo Nghị định 116, mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng lên gấp 2 lần mức cho vay tối đa cũ để phù hợp với nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp thực tế hiện nay của một số khách hàng cá nhân, hộ gia đình.

Cụ thể: Cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp từ 50 triệu đồng lên 100 triệu đồng; Cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn từ 100 triệu đồng lên 200 triệu đồng.

Chính sách tín dụng nông nghiệp mới ưu tiên, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Chính sách tín dụng mới ưu tiên, khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Đối tượng khách hàng vay vốn được Nghị định 116 sửa đổi cho phù hợp với quy định tại Bộ Luật dân sự 2015.

Theo đó, khách hàng vay vốn gồm cá nhân, pháp nhân; đối với hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân khi tham gia quan hệ vay vốn thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch vay vốn.

Một trong những điểm mới nhất của Nghị định này là bổ sung chính sách hướng tới nông nghiệp công nghệ cao, liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Thứ nhất, bổ sung cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác có dự án, phương án sản xuất kinh doanh trong khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bổ sung doanh nghiệp chưa được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp không thuộc khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được TCTD xem xét cho vay tối đa 70% nhu cầu vốn thực hiện dự án, trước đó Nghị định 55 chỉ quy định doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được hưởng chính sách này.

Thứ hai, bổ sung quy định về việc TCTD được nhận tài sản hình thành từ vốn vay của dự án, phương sản xuất kinh doanh ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp làm tài sản bảo đảm cho khoản vay của khách hàng; qua đó góp phần tháo gỡ khó khăn về tài sản đảm bảo cho khách hàng, đặc biệt là các tài sản có giá trị lớn trên đất nông nghiệp (như nhà kính, nhà lưới, nhà màng…);

Ngoài ra, Nghị định mới cũng bổ sung quy định về quản lý dòng tiền cho vay liên kết trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạn chế rủi ro tín dụng và tạo cơ sở pháp lý khuyến khích TCTD đẩy mạnh cho vay.

Bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục xử lý khoanh nợ và thẩm quyền thực hiện khoanh nợ đối với khách hàng gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan bất khả kháng; tạo cơ sở để các đơn vị liên quan thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn.

Bổ sung quy định về ân hạn, đối với các loại cây trồng lâu năm, tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận thời gian ân hạn gốc và lãi phù hợp với giai đoạn kiến thiết của cây trồng lâu năm.

Cần cơ chế đột phá cho tín dụng nông nghiệp
Phát biểu khai mạc Hội thảo "Vai trò của tín dụng đối với nông sản xuất khẩu vùng ĐBSCL" chiều 7/4 tại tỉnh Bến Tre, Phó Thống đốc Ngân...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư