Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 16 tháng 09 năm 2024,
“Sức nóng” lạm phát
Hà Nguyễn - 21/11/2021 08:26
 
Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng dừng ở con số 1,81%, nhưng người dân đã cảm thấy “sức nóng” của lạm phát đang hầm hập phả trong… túi tiền của mình.
Giá hàng hóa tiêu dùng đang tăng khá cao, vì thế, áp lực lạm phát của nền kinh tế trong năm 2022 là rất lớn.

Những bà nội trợ chính là người cảm nhận rõ nhất sức nóng này. Chỉ sau hơn 1 tháng nền kinh tế trở lại trạng thái “bình thường mới”, giá cả nhiều loại hàng hóa đã “neo” ở mức cao. Một mớ rau cải xanh bán ở siêu thị đã lên mức 25.000 đồng, cao gấp đôi so với cách đây một vài tháng. Để một gia đình 4 người có đủ rau xanh, thậm chí chỉ cho một bữa ăn, các bà nội trợ phải “móc túi” tới 50.000 - 60.000 đồng. Đắt đến nỗi, nhiều bà nội trợ than rằng, giờ phải “có điều kiện lắm” mới được thoải mái ăn rau.

Giá xăng cũng rất đắt đỏ, liên tục tăng giá, lên gần 25.000 đồng/lít xăng RON95, cao nhất trong vòng 7 năm qua. Sau khi được tiêu dùng xăng ở mức giá thấp kỷ lục vào năm 2020, người tiêu dùng sẽ càng cảm thấy “đau ví” hơn khi cùng một số lượng xăng, giờ đây đã phải bỏ ra số tiền gấp hơn 2 lần. Cuối tháng 4 năm ngoái, giá xăng RON95 chỉ là 11.631 đồng/lít.

Càng “đau” hơn nữa, bởi sau gần 2 năm chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhất là với những người lao động trong các ngành như du lịch, khách sạn…, túi tiền của người dân đã bị thu hẹp đáng kể.

Túi tiền vốn đã mỏng, lại thêm giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng cao khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Thêm chuyện giá chứng khoán, giá vàng và giá bất động sản cũng đang “nhảy múa” từng ngày, khiến câu chuyện thường nhật của nhiều người dân hiện nay là lạm phát, là đầu tư vào đâu để giữ tiền và có tiền.

Nỗi lo đồng tiền mất giá khiến người người, nhà nhà đổ xô vào các kênh đầu tư. Đây cũng là một tín hiệu tốt của nền kinh tế, nhưng cũng ẩn chứa những mối lo về bong bong tài sản, về nguy cơ bất ổn vĩ mô trong tương lai.

Không chỉ người tiêu dùng lo, các doanh nghiệp cũng lo, bởi chi phí nguyên liệu đầu vào đang tăng rất nhanh. Chưa kể, chi phí logistics cũng gia tăng nhanh trong thời gian gần đây. Chi phí tăng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Giá hàng hóa tiêu dùng đang tăng khá cao, vì thế, áp lực lạm phát của nền kinh tế trong năm 2022 là rất lớn.

Thực tế, không chỉ Việt Nam đối mặt với nguy cơ trên. Nước Mỹ cũng đang quay cuồng trong làn sóng tăng giá, khi chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 của nước này tăng tới 6,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng mạnh nhất trong khoảng 3 thập kỷ qua và cao gấp 3 lần so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đề ra. Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đang nỗ lực để giải tỏa nỗi lo của người dân khi giá tiêu dùng không ngừng leo thang.

Không chỉ là Mỹ, sự phục hồi nhanh các hoạt động sản xuất trên toàn cầu và sự gia tăng nhu cầu đi lại cũng đang gây áp lực lớn cho ngành năng lượng khi cung không đủ cầu.

Cơ quan Năng lượng Mỹ, trong một báo cáo đưa ra hồi tháng 10/2021, đã cho biết, giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) tăng lên mức 78 USD/thùng trong tháng 10/2021; 79 USD/thùng trong tháng 11/2021 và 78 USD/thùng trong tháng 12/2021, cao hơn so với mức trung bình 71,65 USD/thùng trong tháng 9/2021.

Dự kiến, giá dầu bình quân sẽ tăng khoảng 30 USD trong năm 2021. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến chi phí sản xuất và lạm phát. Giá xăng dầu tăng cũng đẩy giá cả các mặt hàng tăng vọt, bao gồm cả giá lương thực. Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá lương thực thế giới trong tháng 9/2021 đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Trong bối cảnh đó, dù tiêu dùng trong nước chưa phục hồi, thì nguy cơ “nhập khẩu” lạm phát cũng khó tránh. Lại thêm việc nguồn cung tiền tăng dự kiến đến từ kế hoạch phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội bắt đầu từ năm sau, nên áp lực lạm phát càng lớn hơn bao giờ hết.

Lạm phát cao, Chính phủ lo điều hành vĩ mô, trong khi người dân lo túi tiền bị ảnh hưởng. Giải tỏa nỗi lo của người dân về giá tiêu dùng không ngừng leo thang chính là một “nhiệm vụ” quan trọng của Chính phủ trong năm 2022, thậm chí là ngay từ bây giờ.

Xăng dầu “đè nặng” lên kiểm soát lạm phát năm 2022
Với mức giá 23.660 đồng/lít với xăng E5 và 24.990 đồng/lít đối với xăng RON 95, giá xăng dầu đứng trước “cơ hội” phá kỷ lục được...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư