Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Suy tuyến thượng thận do lạm dụng thuốc xịt mũi
D.Ngân - 27/07/2023 07:14
 
Các bác sĩ cảnh báo tình trạng người dân lạm dụng corticoid trong việc điều trị cá bệnh lý thông thường.

Chiều 26/7, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, Khoa Tai mũi họng của Bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân nam tên là N.H.N (24 tuổi, Hà Nội) vào viện với triệu chứng ngạt tắc mũi kéo dài gần 10 năm nay, bệnh nhân phải thường xuyên thở bằng miệng trong sinh hoạt hàng ngày.

Ảnh minh hoạ.

Sau đó, bệnh nhân được nhập viện để chuẩn bị cho phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi dưới. Tuy nhiên, ngoài các triệu chứng về mũi xoang, khi thăm khám, các bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân có những biểu hiện rất kín đáo của bệnh lý nội tiết giống hội chứng Cushing như rậm lông, mặt tròn đỏ, da mỏng, nhiều vết rạn da, yếu và giảm khối lượng cơ gốc chi…

Bệnh nhận sau đó được hoãn phẫu thuật và chuyển khám chuyên khoa nội tiết làm các xét nghiệm hooc- môn. 

Qua khai thác tiền sử, các bác sỹ phát hiện bệnh nhân này có một giai đoạn hơn 5 năm liên tục mỗi ngày đều tự ý sử dụng thuốc xịt mũi chống ngạt mũi có hoạt chất chống viêm Dexamethasone.

Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ cortisol máu của bệnh nhân lúc 8h sáng ở mức rất thấp, (1,5nmol/L, chỉ số bình thường 166-507nmol/L). Bệnh nhân sau đó được hoãn phẫu thuật để điều trị bệnh lý nội tiết.

Theo bác sĩ Lưu Thúy Quỳnh, chuyên khoa Nội tiết, suy thượng thận thứ phát do thuốc là tình trạng giảm tiết cortisol của tuyến thượng thận do sự ức chế từ nồng độ corticoid cao quá mức cho phép trong máu trong một thời gian dài. 

Việc sử dụng tràn lan các sản phẩm thuốc chứa corticoid như thuốc tân dược, thuốc hít, thuốc xịt và đặc biệt là các thuốc trộn, thuốc gia truyền không rõ nguồn gốc… là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng này.

Điều trị bệnh suy thượng thận sau khi được phát hiện cũng cần phải có hướng dẫn rất chi tiết từ phía thầy thuốc và tuân thủ tuyệt đối từ phía người bệnh để không để lại hậu quả lâu dài.

Cách đây không lâu, Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) cũng điều trị nhiều ca bị suy tuyến thượng thận do tự dùng thuốc xịt mũi. Thấy con bị viêm mũi, phụ huynh mua thuốc xịt mũi về dùng cho con trong khoảng 1 năm. Sau khi thấy không đỡ mới đưa con tới viện. 

Cậu bé vào viện có các dấu hiệu như bộ mặt cushing, chân tay rậm lông, thêm xét nghiệm cận lâm sàng cho thấy chỉ số cortisol thấp (3,43 nmol/l), các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị suy tuyến thượng thận do dùng thuốc có corticoid, viêm mũi xoang cấp.

Cũng về thói quen lạm dụng corticoid, các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai vừa qua đã điều trị cho bệnh nhân nữ (37 tuổi, ở Hà Nội) bị viêm phổi bội nhiễm, suy đa tạng do lạm dụng corticoid tự điều trị cúm. 

Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân đã tự điều trị hạ sốt và dùng corticoid (medrol 16mg/ngày) nhưng tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân sốt cao kéo dài kèm khó thở nhiều, phải nhập viện. 

Tuy nhiên, sau khi nhập viện cấp cứu, bệnh nhân không đáp ứng với điều trị hồi sức, phải tiến hành can thiệp ECMO (tim, phổi ngoài cơ thể). 

Trong quá trình 37 ngày chạy ECMO, gần 50 ngày thở máy với oxy liều cao, do suy giảm khả năng đề kháng, các bác sĩ phải nhiều lần hội chẩn trong khoa và liên khoa để kịp thời đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. 

Mặc dù bệnh nhân đã được xuất viện nhưng các tổn thương phổi sau đó có thể sẽ còn tồn tại và cần phải theo dõi trong thời gian dài.

Khoa Nội tiết và Đái tháo đường của Bệnh viện Bạch Mai vừa qua cũng phải tiếp nhận điều trị cho nhiều bệnh nhân vì biến chứng khi lạm dụng corticoid. 

Theo bác sĩ Nguyễn Bá Cường, Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, corticoid là loại thuốc làm giảm tình trạng viêm trong cơ thể nhưng cũng làm giảm hoạt động của hệ thống miễn dịch.

Corticoid hay được sử dụng trong điều trị lâm sàng các bệnh như dị ứng, ngứa, mẩn đỏ, suy thận, lupus, hen suyễn, viêm khớp..., thường làm giảm nhanh các triệu chứng nên nhiều người đã lạm dụng corticoid. 

Bên cạnh những lợi ích mang lại còn rất nhiều tác dụng phụ bất lợi có thể xảy ra nếu dùng thuốc không đúng cách, như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, loãng xương, suy tuyến vỏ thượng thận...

Do đó, người bệnh mắc bệnh khớp nếu chưa có chỉ định điều trị corticoid thì không nên tự ý mua thuốc về sử dụng. Các bác sĩ lâm sàng thường phải cân nhắc rất nhiều khi chỉ định điều trị bằng nhóm thuốc này. 

Nhưng hiện nay người bệnh có thể dễ dàng mua được nhóm thuốc này kể cả khi không có đơn của bác sĩ. Việc lạm dụng thuốc ở các bệnh nhân nhiễm virus làm tăng nguy cơ bội nhiễm, đặc biệt là các vi khuẩn kháng thuốc.

Việc lạm dụng corticoid diễn ra thường xuyên ở Việt Nam trong điều trị nhiễm cúm và các bệnh xương khớp (được trộn lẫn trong các thành phần thuốc cổ truyền không rõ nguồn gốc). 

Hành động dùng thuốc bừa bãi làm suy giảm khả năng đề kháng và rất dễ bội nhiễm vi khuẩn. Để phát huy hiệu quả điều trị và hạn chế các tác dụng bất lợi của nhóm thuốc này, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh cần tuân thủ liệu trình điều trị và chỉ dùng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị. 

Khi có vấn đề liên quan đến sức khỏe, người dân nên đi khám bác sĩ và sử dụng thuốc đúng theo chỉ định.Không được tự ý mua và sử dụng thuốc hoặc theo lời mách bảo của người thân, người quen vì hậu quả sẽ là khôn lường...

Cảnh báo việc lạm dụng thuốc hạ sốt mùa dịch
Chuyên gia cảnh báo việc sử dụng Paracemol theo hướng dẫn trên mạng xã hội có thể tăng nguy cơ quá liều, gây ngộ độc, thậm chí tử vong.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư