Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 15 tháng 08 năm 2024,
T-Corp “nặng gánh” với khoản phải thu ngắn hạn khó đòi
Kỳ Thành - 13/08/2024 09:06
 
Dù hoạt động đầu tư ghi nhận khởi sắc, nhưng khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi mà Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (T-Corp) ghi nhận từ nửa cuối năm 2022 vẫn chưa có biến chuyển.

Thắng đậm từ đầu tư chứng khoán

Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý Tài sản Trí Việt (T-Corp, mã TVC - HNX) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024 với kết quả tích cực từ hoạt động đầu tư chứng khoán. Cụ thể, quý II/2024, T-Corp ghi nhận lợi nhuận sau thuế 127,3 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân là chi phí quý II/2023 âm 157 tỷ đồng (do hoàn nhập dự phòng), trong khi chi phí quý II/2024 là 26,6 tỷ đồng.

Trên thực tế, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác của quý II/2024 tăng mạnh so với quý II/2024, với mức chênh lệch 73,1 tỷ đồng, tương ứng 613%. T-Corp cho biết, trong quý II/2024, Công ty đã tận dụng được nhịp phục hồi của thị trường chứng khoán và có các quyết định đúng đắn đối với danh mục trung hạn như chốt lời mã FPT. Với danh mục đầu tư ngắn hạn khác, Công ty cũng có chiến thuật giao dịch linh hoạt, phù hợp và tận dụng được việc hưởng cố tức bằng tiền mặt của các mã trong danh mục này.

Ngoài ra, với sự phục hồi của thị trường, danh mục cổ phiếu mà T-Corp nắm giữ tại thời điểm ngày 30/6/2024 tăng giá nhiều so với thời điểm ngày 31/12/2023, giúp Công ty được hoàn nhập các khoản dự phòng giảm giá chứng khoán và hoàn nhập khoản dự phòng đầu tư vào công ty con.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 của T-Corp cho thấy, danh mục đầu tư tài chính ngắn hạn của Công ty tại ngày 30/6/2024 là 672 tỷ đồng, dự phòng giảm giá 4,8 tỷ đồng. Trong khi đó, tại ngày 31/12/2023, danh mục đầu tư này là 1.402 tỷ đồng, dự phòng giảm giá 73 tỷ đồng. Nhờ đó, tiền và các khoản tương đương tiền cuối quý II/2024 lên tới 1.010 tỷ đồng, tăng gấp hơn 3 lần so với đầu năm.

Số tiền trên chiếm một nửa tổng tài sản của T-Corp. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Công ty đạt gần 2.062 tỷ đồng, tăng 4,2% so với đầu năm. Về nguồn vốn, tổng nợ tại ngày 30/6 là 78 tỷ đồng, giảm mạnh 62% so với đầu năm, do trong kỳ, Công ty đã trả hết toàn bộ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 145 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Công ty đạt 1.984 tỷ đồng, trong đó vốn góp của chủ sở hữu 1.186 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 243 tỷ đồng, lợi ích cổ đông không kiểm soát 415 tỷ đồng.

Áp lực từ khoản phải thu ngắn hạn khó đòi

Dù kết quả kinh doanh khởi sắc từ năm 2023 tới nay, nhưng T-Corp đang phải trích lập dự phòng hơn 517 tỷ đồng đối với các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi. Cần nhắc lại, tại thời điểm 30/6/2022, T-Corp chỉ phải trích lập dự phòng 10,4 tỷ đồng với khoản mục này, nhưng đến cuối năm 2022 đã tăng vọt lên hơn 517 tỷ đồng và duy trì từ đó đến nay.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 của T-Corp, Công ty TNHH Kiểm toán An Việt cho biết, T-Corp đã trích lập dự phòng tổn thất 506,87 tỷ đồng (tương ứng 70%) cho các khoản phải thu, bao gồm khoản phải thu theo các hợp đồng hợp tác đầu tư với số tiền khoảng 272,8 tỷ đồng; khoản phải thu theo hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu cho cá nhân khoảng 50,16 tỷ đồng; khoản phải thu theo hợp đồng môi giới chứng khoán 480,69 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2024 cho thấy, với khoản phải thu của các hợp đồng hợp tác đầu tư, T-Corp trích lập dự phòng 170,4 tỷ đồng, trong đó lớn nhất là khoản phải thu với Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Gió Mới (trích lập hơn 87 tỷ đồng), Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Rồng Việt 48,2 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tcapital 35 tỷ đồng.

Với khoản phải thu từ hợp đồng mua bán chứng khoán, T-Corp trích lập dự phòng tới 336,5 tỷ đồng, trong đó với Công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Vĩnh Thành là 126,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Phát triển đầu tư Việt Bắc 113,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Xây dựng Đầu tư Mạnh Cường 96,2 tỷ đồng.

T-Corp cho biết, việc đàm phán và ký kết hợp đồng với các đối tác này do các cá nhân trong Ban lãnh đạo cũ trực tiếp thực hiện. Ban lãnh đạo hiện tại đã đánh giá thận trọng khả năng thu hồi các khoản phải thu này và quyết định trích lập dự phòng với giá trị nêu trên.

Đáng chú ý, Công ty cho biết, trong quý II/2024, đã nhận được tổng số 40 tỷ đồng thanh toán từ các đối tác nêu trên, số dư phải thu còn lại được đảm bảo bằng cổ phiếu niêm yết.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch HĐQT T-Corp đã khẳng định, Công ty sẽ thu hồi hết toàn bộ khoản phản thu. “Tín hiệu đến giờ tích cực, các đối tác thiện chí hợp tác. Các khoản nợ được thu hồi sẽ được ghi nhận là lợi nhuận của Công ty”, bà Hằng cho hay.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư