Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tác động thực của cắt giảm điều kiện kinh doanh?
Nghị quyết 19 Về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo đã chỉ rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cho từng bộ, ngành với hàng trăm nhiệm vụ cụ thể và đặt mục tiêu về môi trường kinh doanh ở nước ta đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4.
Ông Phan Đức Hiếu
Ông Phan Đức Hiếu

Về số lượng, năm 2017 số liệu từ các nguồn cho thấy có khoảng 4.300 đến 5.200 điều kiện kinh doanh, được quy định tại gần 400 văn bản, bao gồm luật, pháp lệnh, nghị định. Điều kiện kinh doanh khá đa dạng, bao gồm yêu cầu về năng lực tài chính, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, địa điểm... Có rất nhiều quy định về điều kiện kinh doanh tạo ra 5 nguy cơ gây bất lợi cho kinh doanh. Đó là rủi ro, hạn chế cạnh tranh, hạn chế gia nhập thị trường, hạn chế sáng tạo.

Như vậy, hệ thống các quy định về giấy phép kinh doanh chất lượng thấp trở thành rào cản hành chính, giảm tính cạnh tranh và tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh của nước ta đối với các nhà đầu tư, cản trở sáng tạo và phát triển doanh nghiệp, làm hạn chế tốc độ tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước thực trạng trên, ngoài Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, Chính phủ đặc biệt quan tâm và quyết tâm cải cách điều kiện kinh doanh. Lần lượt các Nghị quyết 83/NQ-CP và Nghị quyết 98/NQ-CP được ban hành yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đánh giá, đề xuất bãi bỏ ít nhất từ 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính đang gây cản trở, khó khăn cho đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Chính phủ đã chỉ rõ thời hạn các bộ phải hoàn thành việc rà soát và cắt giảm điều kiện kinh doanh. Cụ thể, trước tháng 6/2018, phải hoàn thành việc rà soát để tiến hành xây dựng Dự thảo Nghị định Bãi bỏ điều kiện kinh doanh và phải trình Chính phủ trước ngày 31/10/2018 để ban hành.

Thực hiện nhiệm vụ này, hầu hết các bộ đã hoàn thành việc xây dựng các nghị định về điều kiện kinh doanh và được Chính phủ thông qua. Tính đến ngày 2/12/2018, có 26 nghị định về điều kiện kinh doanh được ban hành. Trong đó, Bộ Công Thương thực hiện sớm nhất và có số văn bản được ban hành nhiều nhất: 6 nghị định (trong đó một nghị định chung về điều kiện kinh doanh và 5 nghị định có quy định về điều kiện kinh doanh).

Theo báo cáo của các bộ thì hầu hết kết quả cắt giảm điều kiện kinh doanh đạt trên 50%.

Tuy vậy, hàng loạt câu hỏi được đặt ra là tác động thực sự của các  điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi là gì? Việc sửa đổi, bãi bỏ điều kiện kinh doanh vừa qua có thực chất không? Liệu có thể tiếp tục bãi bỏ các điều kiện kinh doanh sau khi vừa rà soát? Và cho đến nay chưa có trả lời chính xác.

Tuy nhiên, kết quả rà soát, đánh giá các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi bổ sung tại 88 nghị định của Chính phủ cuối tháng 11/2018 cũng cho thấy phần nào câu trả lời trên.

Kết quả rà soát cho thấy, khoảng 35% điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, 25% điều kiện kinh doanh được sửa đổi, 5% điều kiện kinh doanh được bổ sung, 1,3% điều kiện kinh doanh được ban hành.

Như vậy, xét về số lượng thì cơ bản đáp ứng yêu cầu của Chính phủ, nếu cộng cả số lượng điều kiện được bãi bỏ và điều kiện kinh doanh được sửa đổi. Tuy nhiên, xét về chất lượng và tác động của các điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi thì có một số lưu ý sau đây:

- Thứ nhất, về cơ bản những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ (chứ không phải sửa đổi) là có tác động tích cực, tức là loại bỏ hoàn toàn tác động bất lợi trước đó đến kinh doanh.

- Thứ hai, có những điều kiện kinh doanh được sửa đổi có tác động tích cực đến kinh doanh. Ví dụ, trước đây điều kiện cấp chứng chỉ năng lực tổ chức tư vấn lập quy hoạch xây dựng yêu cầu phải có ít nhất 10 người có chứng chỉ. Nay sau khi sửa đổi, con số này được giảm xuống yêu cầu có tối thiểu một người. Theo tôi, việc sửa đổi này là chưa bãi bỏ hoàn toàn nhưng có tác động rất lớn.

- Thứ ba, nhiều điều kiện kinh doanh được sửa đổi nhưng chỉ có tác động hạn chế. Ví dụ, trước đây quy định điều kiện đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai phải có 10 cá nhân đối với cấp huyện, và có ít nhất 15 cá nhân đối với cấp tỉnh, nay sửa đổi còn 5 người đối với cấp huyện và 10 người đối với cấp tỉnh. Sửa đổi này, nếu giảm từ 10 xuống một người sẽ có tác động nhưng giảm từ 15 xuống 10 thì tác động rất vừa phải. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chiếu cố đánh giá đây là tác động ở mức trung bình.

- Thứ tư, không có tác động. Ví dụ bãi bỏ điều kiện người thực hiện phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay yêu cầu người thực hiện điều tra đánh giá đất đai trước đây yêu cầu người này phải có thời gian công tác 36 tháng trở lên, nay sửa đổi giảm từ 36 tháng xuống 30 tháng. Sửa đổi này được tính là một lần sửa đổi nhưng về cơ bản chẳng có tác động tích cực nào.

Rà soát trong một số lĩnh vực cụ thể thì số lượng điều kiện kinh doanh được bải bỏ và sửa đổi có tác động lớn chỉ chiếm khoảng 30 - 40%. Bên cạnh đó, một số điều kiện kinh doanh được bổ sung đồng nghĩa với việc tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Một điểm đặc biệt quan ngại nữa, trong quá trình nhiều bộ, ngành nỗ lực cắt giảm điều kiện kinh doanh, lại "đẻ" ra những điều kiện kinh doanh mới. Như Nghị định 49/2018/NĐ-CP ban hành tháng 4/2018, tại Điều 4 quy định điều kiện để được cấp giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đã yêu cầu ít nhất phải có 10 kiểm định viên làm việc toàn thời gian theo hợp đồng lao động.

Cạnh đó, nghị định này cũng bắt buộc phải có cơ sở vật chất ổn định trong thời gian ít nhất 2 năm, và các điều kiện chung chung không rõ ràng khác, như có đủ trang thiết bị phục vụ kiểm định chất lượng giáo dục... Đây là những điều kiện mà Chính phủ mong muốn được bãi bỏ, nhiều bộ, ngành đã bãi bỏ thì lại được quy định ở trong nghị định này. 

Từ kết quả rà soát, bãi bỏ, sửa đổi điều kiện kinh doanh nói trên cho thấy đây là một cải cách rất khó khăn, thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự tích cực, chủ động của các bộ, ngành và cơ quan có liên quan. Đối với những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi một cách thực chất thì có tác động rất lớn đến thúc đẩy kinh doanh, và ngược lại, nếu điều kiện kinh doanh được sửa đổi không thực chất thì không có tác động gì và hơn nữa làm mất đi một cơ hội cải cách.

Trong số những điều kiện kinh doanh còn lại và cả điều kiện kinh doanh vừa được sửa đổi, bổ sung vẫn cần tiếp tục rà soát và bãi bỏ, sửa đổi, nhiều điều kiện có thể bãi bỏ.

Lo ngại lớn nhất hiện nay vẫn là kiểm soát chất lượng điều kiện kinh doanh vừa được ban hành. Thực tế nêu trên đã cho thấy, cùng lúc nhiều điều kiện kinh doanh được bãi bỏ ở lĩnh vực này thì điều kiện kinh doanh tương tự lại được ban hành ở lĩnh vực khác.

Và cũng chưa có gì để chắc chắn rằng những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ, sửa đổi năm này sẽ không được ban hành trong một vài năm tới. Làm thế nào để việc rà soát, bãi bỏ, sửa đổi điều kiện kinh doanh phải là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan có liên quan và nhiệm vụ này được thực thi ngay cả khi Chính phủ không yêu cầu.

Cắt giảm các điều kiện kinh doanh là mệnh lệnh thường xuyên
Theo bà bà Nguyễn Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, cắt giảm các...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư