Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tắc dòng vốn nhiều dự án giao thông trọng điểm
Anh Minh - 31/10/2017 06:52
 
Tiến độ của hầu hết các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông bao gồm cả các dự án ODA và BOT đang chững lại do dòng vốn không được cấp đầy đủ và đúng hạn.
TIN LIÊN QUAN

BOT gặp khó

Cho đến thời điểm này, Dự án BOT Nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn II nhiều khả năng sẽ không thể về đích đúng kế hoạch là quý I/2018 như mong muốn của nhà đầu tư  (Công ty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ).

Ông Phạm Văn Khôi, Giám đốc Công ty cho biết, tính đến giữa tháng 10/2017, giai đoạn II của Dự án đã giải ngân được 2.000/4.758 tỷ đồng, trong đó, giá trị xây lắp đạt khoảng 800 tỷ đồng, tương đương 42% khối lượng toàn công trình.

Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang thiếu vốn cho cả mua sắm thiết bị và xây lắp. Ảnh: Đức Thanh
Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang thiếu vốn cho cả mua sắm thiết bị và xây lắp. Ảnh: Đức Thanh

Tại dự án này, có đến 70% tổng mức đầu tư được huy động để chi trả cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) tại 4 quận, huyện của TP. Hà Nội (Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên). Tính theo diện tích, UBND TP. Hà Nội đã bàn giao cho nhà đầu tư đạt 93,5%; theo chiều dài dọc tuyến đã bàn giao đạt 50,12/58 km.

“Tuy nhiên, phần mặt bằng nhận được còn vướng 3,21 km chủ yếu là đất thổ cư, nên công tác GPMB rất khó khăn, kéo dài. Các hạng mục công việc trong phạm vi mặt bằng chưa bàn giao có khả năng không hoàn thành đúng tiến độ đề ra”, ông Khôi cho biết.

Đây là điều hết sức đáng tiếc, bởi Dự án Nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ là một trong số rất ít các dự án BOT giao thông đang có dòng tiền cấp rất tốt nhờ hợp đồng tín dụng với nhà tài trợ Ngân hàng TMCP Vietinbank, cùng với năng lực quản lý nhà thầu tốt của nhà đầu tư.

Không may mắn như tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ, vốn lại đang là trở lực đối với nhà đầu tư Dự án BOT Xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình. Dự án có tổng mức đầu tư 2.942 tỷ đồng này có mục tiêu xây dựng 1 tuyến mới Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,67 km; cải tạo nâng cấp Quốc lộ đoạn Xuân Mai - Hòa Bình dài 32,93 km

Theo Bộ GTVT, tính đến giữa tháng 10/2017, Dự án mới giải ngân được 53,7% vốn đầu tư (1.580/2.942,4 tỷ đồng) và đã chính thức vỡ mốc tiến độ hoàn thành 31/12/2017.

Trong văn bản gửi nhà tài trợ hôm 24/10, Bộ GTVT đề nghị Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chủ động xem xét đẩy nhanh tiến độ giải ngân cho dự án, tích cực phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện nhằm đạt được mục tiêu dự án đã đề ra.

Cần phải nói thêm rằng, do khó khăn về nguồn vốn tín dụng, từ tháng 9/2016 đến ngày 31/6/2017, Dự án bị dừng giải ngân. Sau khi các thủ tục về nguồn vốn tín dụng được tháo gỡ, đến ngày 21/7/2017 Ngân hàng đã giải ngân lại, tuy nhiên tiến độ rất chậm, không đáp ứng diễn biến thi công thực tế tại hiện trường.

Tại Dự án BOT Đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, 2 năm 8 tháng sau khi được khởi động lại, khối lượng giải ngân mới đạt vỏn vẹn 1.204/9.668 tỷ đồng, chủ yếu dành cho công tác đền bù GPMB.

Hiện công tác thi công xây lắp của 35 gói thầu cơ bản trong tình trạng “dậm chân tại chỗ” do phải đợi vốn. Mặc dù, cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã yêu cầu liên danh nhà đầu tư do Công ty cổ phần Đầu tư cầu đường CII phải hoàn thành ký hợp đồng tín dụng trước ngày 10/10/2017, nhưng đến nay, mới chỉ có VietinBank ra văn bản chấp thuận cung cấp khoản vay 6.000 tỷ đồng, phần kinh phí còn lại vẫn đang chờ kết quả thẩm định từ BIDV.

ODA chờ vốn

Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, thiếu vốn là tình trạng chung đối với 40 dự án sử dụng vốn vay ODA, trong đó có 6 dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM, 2 dự án cao tốc Bắc Nam đang “đói vốn gay gắt”.

Tại Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên, khối lượng giải ngân năm 2017 đã đạt 2.529/2.419 tỷ đồng theo kế hoạch (104,5%), bao gồm cả khối lượng vốn do Thành phố chấp thuận tạm ứng trước 500 tỷ đồng trong khi chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung vốn.

Theo số liệu của Ban Quản lý đường sắt đô thị, tới tháng 10/2017, số vốn ODA đã giao chỉ đáp ứng 36% nhu cầu Dự án. Trong năm 2017, Tuyến metro số 1 cần tới hơn 5.400 tỷ đồng, nhưng Trung ương mới chỉ giải ngân được hơn 2.100 tỷ đồng. Theo thống kê của Ban Quản lý đường sắt đô thị, Dự án vẫn thiếu tới hơn 3.300 tỷ đồng.

Trong kế hoạch vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Trung ương phải giải ngân gần 21.000 tỷ đồng, nhưng cho tới nay, TP.HCM mới nhận được 7.500 tỷ đồng, tức còn thiếu hơn 13.400 tỷ đồng.

“Việc thanh toán các gói thầu đang gặp khó khăn do Kho bạc Nhà nước TP.HCM ngừng xác nhận các hồ sơ thanh toán của Dự án, do số vốn ODA đề nghị xác nhận thanh toán của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đến nay vượt kế hoạch vốn được giao”, ông Đông cho biết.

Tại Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi), vốn đối ứng của năm 2017 bố trí cho Dự án quá thấp (8 tỷ đồng) trong khi, nhu cầu dự kiến cần khoảng 350 tỷ đồng, nên chưa thể triển khai thực hiện công tác GPMB. Việc chưa hoàn thành thủ tục GPMB khiến chưa thể tiến hành đấu thầu gói chuẩn bị mặt bằng và xử lý đất yếu trạm deport, bởi lẽ, yêu cầu của nhà tài trợ (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JICA) đặt ra là, phải GPMB 50% diện tích mới được triển khai thực hiện.

Sau khi phải chấp nhận “tung cờ trắng” đối với mục tiêu đưa vào vận hành thử trong tháng 10/2017, Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông cũng phải đối diện với khó khăn về vốn thanh toán cho các hạng mục mua sắm thiết bị và một phần khối lượng xây lắp.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, công tác xây lắp của Dự án đã cơ bản hoàn thành, riêng khu deport chỉ còn 1/16 đơn thể đang tiếp tục thi công, tiến độ thi công hạng mục này bị chậm do vướng mắc đến công nghệ khu deport.

“Vướng mắc chính hiện nay là cấp ý kiến pháp lý về Khoản vay bổ sung 250,62 triệu USD để thanh toán đẩy nhanh tiến độ thi công. Ngoài ra, công tác thanh toán còn chậm do tổng thầu lập hồ sơ thành toán chậm và thiếu tài liệu liên quan, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của dự án cũng như gây khó khăn về tài chính cho các nhà thầu phụ”, ông Phương cho biết.

Tại Dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, theo chủ đầu tư (Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC), khối lượng giải ngân toàn công trình đã đạt 70% kế hoạch năm 2017 (2.610/3.778 tỷ đồng), so với tiến độ tổng thể (hoàn thành năm 2019) bị chậm khoảng 5%.

Khó khăn lớn nhất đối với dự án này là vốn đối ứng không đáp ứng được theo tiến độ Dự án. Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ xem xét bổ sung vốn đối ứng; đồng thời chỉ đạo VEC tiếp tục ứng trước từ nguồn thu phí để chi trả cho những phạm vi cấp bách (các gói thầu đang thi công khu vực xử lý nền đất yếu, cần thời gian để gia tải).

Theo Bộ GTVT, kế hoạch vốn năm 2017 các dự án ODA được giao thấp so với nhu cầu đang làm phát sinh rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án nhất là chậm công tác giải phóng mặt bằng, trả thuế nhập khẩu thiết bị, trả thuế VAT,... ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án.

“Quan ngại nhất là nguy cơ phát sinh khiếu nại/khiếu kiện từ các nhà thầu nước ngoài dẫn đến phải đền bù, đặc biệt ảnh hưởng tới cam kết của Chính phủ Việt Nam với các nhà tài trợ”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cảnh báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư