Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 01 năm 2025,
Tác dụng và cách dùng của một số loại trà linh chi
Như Loan - 27/12/2014 14:11
 
Nấm linh chi là một trong những vị thuốc quý của y học cổ truyền. Ở nước ta, trong mươi năm gần đây được người ta biết đến và sử dụng ngày càng nhiều với những phương thức khác nhau. Tuy nhiên, cách dùng nấm linh chi dưới dạng trà linh chi được chế biến từ nguyên liệu thô vẫn được người ta ưa chuộng hơn cả vì độ tin cậy cao và giá thành tương đối rẻ.
TIN LIÊN QUAN

Tác dụng trị liệu của Linh chi

Linh chi dùng đơn thuần hoặc phối hợp với các dược liệu khác đã được sử dụng khá rộng rãi trong thực tiễn lâm sàng nhằm mục đích bảo vệ và nâng cao sức khỏe, phòng chống bệnh tật.

Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát và chứng minh tác dụng trị liệu của linh chi đối với các bệnh như rối loạn lipid máu, thiếu máu cơ tim, vữa xơ động mạch, cao huyết áp, huyết áp thấp, viêm phế quản mạn, hen phế quản, ho ra máu, viêm gan cấp và mạn tính, xơ gan, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, thiếu máu, đái tháo đường, các chứng xuất huyết, viêm mũi, viêm da, mụn nhọt, các bệnh ung thư phổi, dạ dày và cổ tử cung, hội chứng suy giảm bạch cầu do dùng hóa chất chống ung thư...

Tác dụng và cách dùng của một số loại trà linh chi
Dùng nấm linh chi dưới dạng trà linh chi được chế biến từ nguyên liệu thô vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng

Ngoài ra, linh chi còn được dùng để nâng cao sức đề kháng của cơ thể, bồi bổ sức khỏe và kéo dài tuổi thọ, đặc biệt đối với người cao tuổi. Với phụ nữ, linh chi được dùng để làm đẹp da, chống các nếp nhăn và các vết sắc tố.

Trà linh chi

Nói là trà linh chi nhưng thực ra là “dĩ dược đại trà”, nghĩa là lấy linh chi đơn thuần hoặc phối hợp với một vài dược liệu khác để hãm uống thay trà nhằm mục đích phòng và chữa bệnh.

Trà linh chi có ưu điểm là điều chế đơn giản, sử dụng thuận tiện, không phải đun nấu cầu kỳ như thuốc sắc. Người ta thường chọn mua loại nấm to, lành lặn, dầy dặn và còn nguyên tán.

Sau công đoạn làm sạch, dùng dao thái vụn hoặc thái thành lát mỏng, càng vụn càng mỏng thì càng tốt vì như vậy khi hãm với nước sôi mới chiết xuất được tối đa hoạt chất, cuối cùng đem sấy hoặc phơi thật khô rồi đựng trong lọ kín dùng dần. Cũng có thể dùng máy tán thành dạng mịn như bông, cách này giúp người ta sau khi hãm vừa uống được nước vừa ăn bã một cách dễ dàng và tiết kiệm.

Một số loại trà linh chi thông dụng

Trà linh chi hoàng kỳ: Linh chi và hoàng kỳ liều lượng bằng nhau, tán vụn, mỗi lần dùng 10g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ khí ích tỳ, dùng rất tốt cho những người bị suy nhược cơ thể, rối loạn lipid máu, giảm bạch cầu do dùng hóa chất chống ung thư.

Trà linh chi ngân nhĩ: Linh chi và ngân nhĩ (mộc nhĩ trắng) liều lượng bằng nhau, sấy khô, tán vụn, mỗi ngày dùng 10-15g hãm với nước sôi trong bình kín, sau 20 phút thì dùng được, khi uống cho thêm một chút đường phèn. Công dụng: tư âm nhuận phế, chỉ khái trừ đàm, an thần ích trí, dùng thích hợp cho người bị viêm phế quản mạn, hen phế quản, suy nhược thần kinh.

Trà linh chi cam thảo: Linh chi 120g, cam thảo 100g, hai thứ đem sấy khô tán vụn, đựng trong lọ kín để dùng dần. Mỗi ngày lấy 20-30g hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ ích can khí, dưỡng can bổ thận, dùng rất tốt cho những người bị viêm gan mạn tính thể tồn tại, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể.

Trà linh chi nhân sâm: Linh chi 10g, nhân sâm 5g, hai thứ thái vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ ích cường tráng, dùng cho người bị suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể, huyết áp thấp, thiểu năng tuần hoàn não. Người bị tăng huyết áp không nên dùng loại trà này.

Trà linh chi tam thất: Linh chi 9g, tam thất 60g, hai thứ đem thái phiến, trộn đều với nhau, mỗi ngày dùng 15g hãm uống với nước sôi trong bình kín, uống thay trà trong ngày. Công dụng: bổ huyết hoạt huyết, dưỡng tâm an thần, dùng rất tốt cho người bị bệnh lý động mạch vành tim, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não do vữa xơ động mạch.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư