Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Tái cơ cấu doanh nghiệp nông nghiệp vẫn chồng chất khó khăn
Thanh Nguyễn (HQ Online) - 17/03/2016 11:07
 
Cổ phần hóa (CPH) sớm hơn so với kế hoạch 4 DN và các DN sau tái cơ cấu, CPH có những bước phát triển, khởi sắc nhất định, tuy nhiên, quá trình tái cơ cấu, CPH DN ngành nông nghiệp vẫn tồn tại một số bất cập và cả những khó khăn mang tính đặc thù.
Giá mủ cao su xuống thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến việc CPH các DN thuộc VRG gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Việt.
Giá mủ cao su xuống thấp là một trong những nguyên nhân chính khiến việc CPH các DN thuộc VRG gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Trần Việt.

Phải tìm được nhà đầu tư chiến lược

Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) là một trong những DN ngành nông nghiệp tiến hành tái cơ cấu khá thành công. Ông Phí Mạnh Cường, Tổng Giám đốc Vinafor cho biết: Từ năm 2011 đến nay, trong điều kiện kinh tế suy thoái khiến nhiều tập đoàn, Tổng công ty (TCT) Nhà nước thua lỗ, Vinafor vẫn có sự tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt, DN đã có sự thay đổi về chất đối với công tác quản lý vốn chủ sở hữu. Nếu đầu năm 2011, vốn chủ sở hữu của TCT mới là 1.544 tỷ đồng thì đến hết năm 2014, số vốn này đã tăng 1,5 lần lên 2.176 tỷ đồng.

“Để có được thành công trong quá trình tái cơ cấu, CPH, mấu chốt là phải tìm được nhà đầu tư chiến lược có vốn, trình độ quản lý và cả tâm huyết với sự phát triển của DN. Xác định rõ điều này, trong quá trình xây dựng phương án CPH, TCT đã xây dựng phương pháp và thang điểm đánh giá lựa chọn nhà đầu tư chiến lược kỹ lưỡng, công khai, minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị liên quan”, ông Cường nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý DN (Bộ NN&PTNT): Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ NN&PTNT đã sắp xếp, CPH được 12  TCT và 2 công ty Thuốc Thú y trực thuộc Bộ, 2 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) và các công ty con thuộc các TCT; đồng thời đã CPH 10 DN. Như vậy, so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ NN&PTNT đã tiến hành CPH sớm hơn 4 DN, gồm: TCT Lâm nghiệp Việt Nam, TCT Lương thực miền Nam, Công ty Tân Biên và Công ty Cao su Bà Rịa (thuộc VRG).

Bên cạnh những kết quả trên, Bộ NN&PTNT cũng đã phê duyệt kế hoạch thoái vốn cho 1 tập đoàn và 11 TCT; chỉ đạo các đơn vị thực hiện nghiêm túc việc thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành, đặc biệt đối với các lĩnh vực chứng khoán, tài chính, bảo hiểm, bất động sản, các quỹ đầu tư. Số vốn đã thoái tính đến 31-12-2015 là 2.175.137 tỷ đồng, đạt 39,51% so với kế hoạch.

Cần có cơ chế riêng?

Trái ngược với sự thuận lợi của Vinafor, VRG lại là DN phải đối mặt với khá nhiều khó khăn khi tiến hành tái cơ cấu, CPH. Chia sẻ về điều này, ông Trần Ngọc Thuận, Tổng Giám đốc VRG cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, Tập đoàn đăng ký CPH 5 đơn vị thì đến nay mới CPH được 2 đơn vị. Về phần thoái vốn, kế hoạch rút vốn tại các lĩnh vực ngoài ngành là hơn 3.100 tỷ đồng thì mới thực hiện được hơn 1.000 tỷ đồng. Theo ông Thuận, nguyên nhân chính dẫn tới việc CPH chậm là do giá mủ cao su xuống thấp. Bên cạnh đó, Tập đoàn còn có những khó khăn mang tính đặc thù do là đơn vị quản lý quy mô lớn, diện tích đất đai rộng. Về vấn đề thoái vốn tại những dự án đầu tư ngoài ngành, điển hình là khi đầu tư vào lĩnh vực thủy điện, hiện nay VRG gặp khá nhiều khó khăn. Ông Thuận phân tích, Tập đoàn hiện có hơn 1.000 tỷ đồng vốn nằm tại các dự án thủy điện, kể cả thủy điện ở nước ngoài. Để thoái vốn ở những dự án thủy điện này, VRG đang cần có những cơ chế riêng vì liên quan đến mối quan hệ láng giềng, tình hình chính trị, xã hội...

Nhìn nhận chung về kết quả tái cơ cấu CPH DN Nhà nước giai đoạn 2011-2015, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cũng cho rằng, mặc dù ngành nông nghiệp được đánh giá là đang dần hấp dẫn các nhà đầu tư hơn, song tái cơ cấu, CPH DN Nhà nước diễn ra còn chậm. Thực tế, công cuộc tái cơ cấu của nhiều DN mới bắt đầu từ năm 2013. Việc triển khai chủ yếu là chuyển giao trong nội bộ giữa các tập đoàn, TCT hoặc giữa DN Nhà nước với nhau nên chưa tạo ra động lực cũng như áp lực cho các DN… Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện CPH tại một số DN chậm, thời gian thực hiện bị kéo dài hơn so với quy định…

Trong năm 2016, Bộ NN&PTNT xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, CPH tập đoàn, các TCT 100% vốn Nhà nước. Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các DN xây dựng kế hoạch triển khai tái cơ cấu DN Nhà nước giai đoạn 2016-2020, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đặt ra là, năm 2016-2017 sẽ thực hiện CPH 1 tập đoàn, tiếp tục triển khai thực hiện CPH các DN đang triển khai; năm 2017-2018 sẽ CPH công ty mẹ 2 TCT 100% vốn Nhà nước (Cà phê Việt Nam, Lương thực miền Bắc), đồng thời tiếp tục triển khai công tác thoái vốn tại các TCT mà Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần chi phối.

Để thúc đẩy nhanh  quá trình tái cơ cấu, CPH, Bộ NN&PTNT sẽ tập trung tổ chức chỉ đạo xác định giá trị DN, phê duyệt và công bố giá trị DN; hướng dẫn các DN xây dựng, triển khai phương án thoái vốn được cấp có thẩm quyền phê duyệt; định kỳ hàng tháng, quý, năm theo dõi, tổng hợp tiến độ thực hiện, báo cáo các cơ quan liên quan và chỉ đạo DN, người đại diện phần vốn nhà nước tại DN thực hiện…

Bộ NN&PTNT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành sơ kết, tổng kết đúc rút kinh nghiệm, xác định các tồn tại làm cơ sở cho việc nghiên cứu hoàn chỉnh cơ chế chính sách nhằm quản lý tốt hơn vốn và tài sản nhà nước tại DN; phân định rõ về cơ chế chính sách giữa nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích của DN…

Thủ tướng lại nhắc tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Sáng 14/10 tại Hà Nội, Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương khai mạc đại hội đại biểu lần thứ II, nhiệm kỳ 2015-2020. Tham dự Đại hội có 296...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư