Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Tái thiết du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông
Hồng Hạnh - 01/11/2022 13:57
 
Tái thiết ngành du lịch Tiểu vùng sông Mê Kông là vấn đề đang đặt ra. Theo đó, cần tư duy lại về du lịch, chú trọng quảng bá sản phẩm và quản lý điểm đến.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa: Một địa điểm du lịch ở Chiềng Mai, một tỉnh xa xôi của Thái Lan    Ảnh: Chí Cường

Thương hiệu được tạo nên từ những câu chuyện nhỏ

Trong Diễn đàn Du lịch Mekong 2022 (MTF) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Văn phòng Điều phối du lịch Mekong (MTCO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức tại Hội An (Quảng Nam) mới đây, bà Liz Ortiguera, Giám đốc điều hành Hiệp hội Du lịch châu Á - Thái Bình Dương (PATA) cho biết, cuộc khủng hoảng do Covid-19 đã đặt ra yêu cầu phải tư duy và định hình lại du lịch theo hướng phát triển bền vững hơn, bao trùm hơn và có khả năng phục hồi.

PATA nhận thấy có 3 xu hướng du lịch nổi bật hiện nay trong phát triển du lịch khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông. Cụ thể, 81% người được hỏi muốn đóng góp cho cộng đồng các địa phương mà họ đến du lịch; du lịch bền vững có vai trò rất cao; kỳ nghỉ tiếp theo là điều khác biệt.

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tốn kém hơn, nhiều chi phí hơn; du lịch “trả thù” tăng cao, du khách ở lại lâu hơn, thực hiện công việc từ xa.

PATA đã đưa ra những giải pháp đối với các vấn đề với du khách và điểm đến. Trong đó, chú trọng việc cung cấp các giá trị du lịch cao hơn và chi phí thấp hơn, thuê nhân công địa phương...

Bà Liz Ortiguera cho rằng, không cần phải là những gì to tát, mà thương hiệu du lịch được làm nên từ những câu chuyện nhỏ và là những câu chuyện đẹp. Vì thế, cần tăng cường các câu chuyện đẹp trong du lịch như: tìm hộ chiếu bị mất của khách du lịch quốc tế, một món đồ thất lạc trên hành trình du lịch được trả về cho chủ... sẽ tạo thành những ấn tượng tốt đẹp.

Cơ hội phục hồi và bứt phá

Cũng theo bà Liz Ortiguera: “Điều kiện kinh tế, sự bùng nổ lữ hành, du lịch “trả thù”... sẽ khiến châu Á trở thành đầu tàu phát triển giai đoạn tới. Trong đó, khu vực GMS (Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Mianmar, Thái Lan, Trung Quốc - PV) có khả năng phục hồi cao so với năm 2019. Nam Á và Tây Á có khả năng phục hồi nhanh nhất”.

Cơ hội phục hồi và bứt phá cho ngành du lịch khu vực GMS đã rõ, vậy làm thế nào để ngành kinh tế xanh phát triển bền vững? Từ góc độ đầu tư, ông Wouter Schalken, chuyên gia cao cấp về du lịch bền vững của ADB cho rằng, ở châu Á, nhất là khu vực GMS cần có sự kiểm soát, bao hàm tính hiệu quả, xác định khả năng chống chịu, bền bỉ với thị trường và khí hậu. Đặc biệt là cần các thị trường nguồn rộng. Du lịch cần mở rộng các phân khúc khách, phân mảng đa dạng, giảm thiểu rủi ro. Tính kết nối chiến lược cũng cần chú trọng để lấp đầy các hãng hàng không, nối lại các đường bay; kết nối các khách sạn; kết nối giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia của ADB cho rằng, sự hiện diện của các thương hiệu nổi tiếng, niềm tin mà du khách có với thương hiệu sẽ làm tăng giá trị của điểm đến. Bất động sản du lịch phát triển cũng góp phần thu hút khách du lịch.

“Ngày càng nhiều du khách muốn nghỉ tại các khách sạn tốt hơn, gần gũi môi trường. Vì thế, cần sự quản lý điểm đến tốt, bảo vệ bản sắc văn hóa, nỗ lực nghiêm túc, liên tục của tất cả mọi người. Trong đó, chú ý các thách thức về chính sách, quản lý du lịch, mở rộng sự tham gia của nhiều hãng hàng không”, ông Wouter Schalken nhấn mạnh.

Du lịch cộng đồng là vấn đề không mới trong khu vực GMS, điều cần làm là phải đưa du lịch cộng đồng phát triển ngày càng bền vững. Ông Wouter Schalken đặc biệt lưu ý việc kiểm soát sự ảnh hưởng đối với tính bền vững trong phát triển du lịch, trong đó cần sự tham gia của Chính phủ, các tỉnh, thành phố, khu vực tư nhân trong hệ thống du lịch.

Chia sẻ câu chuyện phát triển du lịch ở Chiềng Mai, một tỉnh xa xôi của Thái Lan, Giám đốc điều hành Cục Quản lý các khu du lịch bền vững Thái Lan Thumanoon Parktoop cho biết, để có 59% khách ở lại Chiềng Mai hơn 2 đêm như hiện nay, tỉnh này đã khai thác Safari đêm để thu hút khách vào khu vực bảo tồn động vật quý hiếm. Điều này đã nhanh chóng giúp doanh thu tăng 5 triệu USD/năm, giãn khách khỏi khu vực nội đô, tạo việc làm và sinh kế cho 500 lao động bản địa. Từ đó giúp cải thiện phúc lợi xã hội, thay đổi xã hội một cách bền vững.

“Chúng tôi sẽ xây dựng hệ sinh thái của các điểm đến, nhấn vào tìm hiểu văn hóa địa phương với tham vọng hơn 90% du khách ở lại 3-4 đêm”, ông Thumanoon Parktoop chia sẻ.

Các chuyên gia đều cho rằng, Covid-19 là sự kiện mang tính thức tỉnh để ngành kinh tế xanh toàn cầu nói chung, tiểu khu vực GMS nói riêng phải chung tay tái thiết ngành du lịch, cùng nghiên cứu quy hoạch để triển khai các dự án của khu vực với mục tiêu là tận dụng thời cơ để bứt phá và phát triển bền vững.        

Chiêm ngưỡng cá chép Xiêm khổng lồ bắt ở sông Mê Kông
Đã từng có ghi chép đánh bắt được cá chép Xiêm có chiều dài cơ thể đến 3m, nặng tới 300kg.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư