Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Tầm nhìn của “vua” M&A
Như Loan - 27/11/2023 09:02
 
Xuất phát từ một nhà máy sản xuất gia vị tại TP.HCM, Masan Group đã phát triển thành một tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ và liên tiếp gặt hái thành công.

Trong hơn 27 năm hoạt động, Masan đã chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho các hoạt động M&A (mua lại và sáp nhập), xây dựng hệ sinh thái để hiện thực hóa tầm nhìn Point of Life: Sở hữu chuỗi giá trị từ sản xuất đến bán lẻ, viễn thông và dịch vụ tài chính. Đây là những lĩnh vực chiếm đến 80% chi tiêu hằng ngày của người tiêu dùng Việt Nam.

Sản lượng hàng giao qua hệ thống trung tâm phân phối Supra chiếm 60% tổng sản lượng hàng hóa của WinCommerce.

M&A hệ thống bán lẻ để nắm chắc tương lai

Cuối năm 2020, thị trường M&A Việt Nam chấn động với tin Masan Group sáp nhập hệ thống bán lẻ VinCommerce (hiện nay là WinCommerce) từ VinGroup và chính thức sở hữu chuỗi VinMart, VinMart+ (hiện nay là WinMart, WinMart+). Dù giá trị cụ thể thương vụ không được tiết lộ, song giới phân tích chắc chắn đó phải là một con số “khủng”.

Đặt cược vào bước đi này, Masan nhìn thấy tương lai của ngành hàng tiêu dùng nằm trong tay các nhà bán lẻ hiện đại. Từ một công ty sản xuất hàng tiêu dùng thuần túy, việc “nối dài cánh tay” sang ngành bán lẻ đã gia tăng khả năng tiếp cận thị trường của Masan từ mức chỉ chiếm 1% ngân sách tiêu dùng lên mức gần 25%.

Nhận xét về thương vụ, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan Group cho biết: “Nếu không phải là bước đi đó, có lẽ Masan đã để tương lai của chính mình rơi vào vị thế vô cùng thử thách”.

Ngay sau quyết định táo bạo này, Masan đã đối mặt với hàng loạt thách thức khi tiếp nhận khoản lỗ hơn 100 triệu USD từ VinCommerce, trong khi chưa có nhiều kinh nghiệm vận hành trong lĩnh vực bán lẻ. Chỉ trong vòng 1 tháng sau thương vụ, giá cổ phiếu của Masan đã giảm phân nửa.

Để xoay chuyển cục diện, ngay khi tiếp quản chuỗi bán lẻ, Masan đã triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt như: đóng cửa hơn 700 siêu thị mini, thay thế bằng các mô hình mới tiên tiến hơn, tinh gọn danh mục hàng hóa, cải thiện chuỗi cung ứng trong đó có việc thành lập công ty logistic để gia tăng hiệu quả vận hành và tiết giảm chi phí…

Masan sở hữu hơn 3.500 siêu thị WinMart và cửa hàng WinMart+, WIN

Đơn cử, đầu năm 2022, Masan thành lập Supra, chính thức bước chân vào dịch vụ logistics nội địa với mục tiêu ban đầu là phục vụ hệ sinh thái của Tập đoàn, giúp người tiêu dùng và đối tác tiết kiệm chi phí nhất có thể. Dù mới thành lập được gần 2 năm, nhưng Supra đã giúp WinCommerce giảm tới 13% chi phí logistics đối với hàng hóa được giao qua hệ thống trung tâm phân phối của Supra.

Đồng thời, Supra đảm bảo chất lượng hàng hóa tươi ngon và có sẵn để đáp ứng nhu cầu mua sắm của khách hàng, cũng như cung ứng đúng sản phẩm, đúng cửa hàng, với đúng số lượng tới mạng lưới trên 3.500 siêu thị và cửa hàng WinMart/WinMart+/WIN.

Chỉ sau 3 năm dưới sự điều hành của Masan, với chiến lược tái cấu trúc hiệu quả, WinCommerce không những giữ vững phong độ là chuỗi bán lẻ lớn nhất Việt Nam mà còn đưa EBITDA "lội ngược dòng" từ -7,4% của năm 2019 lên mức 3% vào năm 2022.

Ông Danny Le – Tổng giám đốc Masan Group

Liên tiếp thực hiện nhiều thương vụ, đối với Masan, M&A là một trong nhiều công cụ để Tập đoàn này thực thi chiến lược. CEO Masan Group, ông Danny Le cho biết: "Khi mua cổ phần tại các công ty khác, dù ở mức chiến lược hay cổ phần chi phối, Masan đều xác định không đi mua doanh thu hay lợi nhuận, mà mua "nền tảng" phục vụ chiến lược chung của Tập đoàn.

Nền tảng ở đây có thể là công nghệ tốt, giúp tạo ra sản phẩm tốt nhất với giá hợp lý phục vụ người tiêu dùng. Nền tảng cũng có thể là mạng lưới phân phối sẽ giúp Masan mở rộng hơn nữa hệ thống phân phối vốn đã rất tốt của mình, hoặc giúp Masan xây dựng và gìn giữ thương hiệu mạnh của Việt Nam".

Mở rộng lĩnh vực mới hoàn thiện hệ sinh thái Point of Life

Trong lịch sử hoạt động của Masan Group, các thương vụ mua cổ phần nổi tiếng khác của Tập đoàn này có thể kể đến Vinacafe Biên Hòa, Nước khoáng Vĩnh Hảo, VISSAN, Cholimex, bột giặt NET, Phúc Long, Mobicast... Dù mục tiêu để củng cố thị phần hay mở rộng sang lĩnh vực mới, điểm chung của các thương vụ này đều là các mảnh ghép để hoàn thiện hệ sinh thái Point of Life.

Dành 280 triệu USD để hoàn tất mua 85% cổ phần Phúc Long vào năm 2022, Masan đã chính thức bước chân sang lĩnh vực chuỗi F&B. Trước đó, vào năm 2021, Masan mua 70% cổ phần của Công ty Cổ phần Mobicast, bước đầu mở rộng sang lĩnh vực viễn thông. Là công ty start-up trong lĩnh vực mạng di động MVNO, Mobicast sở hữu thương hiệu mạng Reddi (nay đã đổi tên thành Wintel) tích hợp hoàn chỉnh các dịch vụ viễn thông. Việc mở rộng sang lĩnh vực viễn thông là bước đầu để Masan số hóa hệ sinh thái tiêu dùng “Point of Life” và mang đến trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ tích hợp xuyên suốt từ offline đến online.

Ông Danny Le cho biết, Masan có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, muốn phục vụ trực tiếp người tiêu dùng cần tiếp cận đến lĩnh vực bán lẻ thương mại. Ông nhận định Masan là một tập đoàn "hơi truyền thống", những gì có thể tự làm thì sẽ tự làm.

“Tuy nhiên, để xây dựng từ đầu, có thể mất 5-7 năm mà chưa chắc đã thành công. Ngoài ra, để tiếp cận công nghệ hay chuyển đổi số sẽ cần quá trình dài. Thay vào đó, Tập đoàn dùng M&A để tìm kiếm DNA của công nghệ và kết nối với DNA của Masan. Do đó, công cụ tốt nhất là M&A, đầu tư với quy mô lớn để cạnh tranh với các chuỗi nước ngoài”, CEO Masan Group chia sẻ.

Masan Group công bố giao dịch đầu tư vốn cổ phần lên đến 500 triệu USD dẫn đầu bởi Bain Capital
Ngày 2/10, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HoSE: MSN), công bố Bain Capital - Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới với tổng tài sản quản lý xấp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư