Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Masan Group công bố khoản đầu tư vốn cổ phần lên đến 500 triệu USD
Như Loan - 04/10/2023 14:28
 
Masan Group vừa công bố ký kết thỏa thuận với Bain Capital về việc đồng ý chấp nhận khoản đầu tư vào vốn cổ phần của Masan Group với giá trị ban đầu tối thiểu là 200 triệu USD.

Mức đầu tư có thể nâng lên 500 triệu USD vào cuối năm nay cùng với sự tham gia của các nhà đầu tư khác.

Giao dịch này là khoản đầu tư bằng vốn cổ phần với hình thức cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi (“Convertible Dividend Preference Share” hoặc “CDPS”) được phát hành với giá trị 85.000 VND/cổ phần và có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông với tỷ lệ 1:1.

Các cổ phần ưu đãi cổ tức có thể chuyển đổi này không trả cổ tức trong 5 năm đầu tiên, và từ sau năm thứ sáu trở đi, mỗi năm nhận cổ tức 10% trên mệnh giá. Vào dịp 10 năm phát hành, các CDPS sẽ bắt buộc chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của Masan Group. Ngoài cổ tức cố định, mỗi CDPS sẽ được nhận cổ tức với mức bằng với cổ tức chia cho mỗi cổ phần phổ thông (nếu có).

Theo ghi nhận, các nhà đầu tư khác đang mong muốn đàm phán với Masan, và tùy theo nhu cầu sử dụng vốn của đơn vị này cũng như điều kiện thị trường, Masan có thể tăng quy mô giao dịch lên đến 500 triệu USD. Số tiền thu được từ giao dịch sẽ được sử dụng để tăng cường khả năng tài chính và giảm đòn bẩy cho bảng cân đối kế toán của Masan. Thanh khoản của doanh nghiệp sẽ ngày càng dồi dào, giúp triển khai các phát kiến ​​tăng trưởng dài hạn.

Vì sao Masan có thể nhận đến 500 triệu USD vào cuối năm?

Hoạt động kinh doanh cốt lõi vững bền

Trong nửa đầu năm 2023, kết quả hoạt động kinh doanh của Masan vẫn khả quan bất chấp môi trường vĩ mô đầy thách thức. Doanh thu thuần của Masan đạt 37.315 tỷ đồng, tăng 3,6% so với 36.023 tỷ đồng của nửa đầu năm 2022. Lợi nhuận hoạt động kinh doanh của The CrownX (TCX), nền tảng tích hợp tiêu dùng - bán lẻ của Masan hợp nhất WinCommerce (WCM) và Masan Consumer Holdings (MCH), ghi nhận tăng trưởng ấn tượng 38,8% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ vào nền tảng ổn định của mảng kinh doanh ngành hàng tiêu dùng.

Doanh thu của TCX ghi nhận 26.835 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 13.535 tỷ đồng trong quý II/2023, lần lượt tăng 3,1% và 7,6% so với cùng kỳ. EBITDA của TCX đạt 3.507 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023 và 1.976 tỷ đồng trong quý II/2023, lần lượt tăng 10,3% và 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến nửa đầu 2023, tổng tài sản của Masan đạt xấp xỉ hơn 140.858 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 37.524 tỷ đồng. Trong đó, có 13.452 tỷ đồng là khoản tiền mặt và các khoản tương đương tiền. Bên cạnh đó, trong quý 2 năm 2023 dòng tiền tự do của đơn vị này được cải thiện liên tục trong nhiều quý, đạt 1.665 tỷ đồng so với chỉ 162 tỷ đồng trong quý II/2022.

Điểm sáng trong câu chuyện tiêu dùng của Việt Nam

Bain Capital đánh giá cao tiềm năng to lớn của thị trường tiêu dùng Việt Nam và trong đó Masan với vị thế dẫn đầu, là đối tác lâu dài mà đơn vị này hướng đến.

Ông Barnaby Lyons, một lãnh đạo của Bain Capital chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với Masan trong dự án đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng Masan có những nền tảng vững chắc, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng phù hợp để thành công trong một thị trường tiêu dùng hấp dẫn và tăng trưởng cao.

Masan là một trong những thương hiệu uy tín nhất tại Việt Nam với khả năng dự đoán xu hướng tiêu dùng và đáp ứng những nhu cầu này nhờ vào nền tảng hệ thống và những sản phẩm mang tính sáng tạo đột phá. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội đầu tư đầy tiềm năng nhờ vào sự tăng trưởng liên tục của Masan, được những nhà lãnh đạo hàng đầu dẫn dắt”.

Tiêu dùng hồi phục và Nhà nước kích cầu

Theo cập nhật từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Chín ước đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý III/2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1.550,2 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với quý trước và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Mới đây, theo ghi nhận từ phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 30/9, dựa trên kết quả 9 tháng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra dự báo về tình hình kinh tế thế giới và trong nước trong thời gian sắp tới với ba kịch bản tăng trưởng khác nhau, bao gồm tăng trưởng 5%, 5,5% và 6%. Thủ tướng đã yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục nỗ lực đạt được kết quả tốt nhất cho năm 2023.

Theo đó, trong bối cảnh phải đối phó và khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19 và đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, trong, nhà nước đã thành công trong việc tiết kiệm được 500.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ dùng để chuẩn bị cho việc cải cách tiền lương trong giai đoạn 2024, 2025 và 2026.

Những điều trên có ý nghĩa rằng nhà nước ta sẽ linh hoạt vận dụng các chính sách tài khóa trong thời gian tới đây nhằm tối ưu hóa tăng trưởng GDP, gián tiếp bơm 1 lượng tiền lớn ra nền kinh tế thông qua các chính sách cải cách tiền lương, giúp kích cầu tiêu dùng nội địa, và doanh nghiệp tiêu dùng bán lẻ như Masan Group sẽ hưởng lợi đáng kể từ động thái này.

Là doanh nghiệp bán lẻ tiêu dùng, đơn vị hứa hẹn sẽ gặt hái nhiều kết quả tích cực trong thời gian tới. Và đây cũng là những điểm thu hút của Masan Group, khiến Bain Capital và các nhóm đầu tư đàm phán gia tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.

Masan Group được vinh danh tại HR Asia Award 2023
Tại lễ trao giải HR Asia Awards vừa qua, Masan Group được vinh danh là “Nơi làm việc tốt nhất châu Á 2023” và chiến thắng hạng mục giải thưởng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư