Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 18 tháng 09 năm 2024,
Tám tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15,8% so với cùng kỳ
Hoài Sương - 18/09/2024 07:15
 
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Bộ Công thương, trong tháng 8, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 70,65 tỷ USD, tăng 0,8% so với tháng trước và tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 511,11 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 15,8%; nhập khẩu tăng 17,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 19,07 tỷ USD.

Các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực đã có sự gia tăng trở lại.

Sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục là 37,59 tỷ USD, kết quả cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với mức 36,24 tỷ USD của tháng 7. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 265,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa những tháng gần đây liên tục đạt mức cao, tháng 6 đạt 33,7 tỷ USD, tháng 7 đạt 36,24 tỷ USD, tháng 8 đạt 37,59 tỷ USD, trung bình trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 33,1 tỷ USD/tháng, trong khi con số trung bình kim ngạch xuất khẩu sáu tháng cuối năm 2023 chỉ đạt 31,7 tỷ USD/tháng.

Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 8/2024, có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 62,6%.

Kết quả này có được là nhờ các đơn hàng xuất khẩu trong các nhóm hàng chủ lực như dệt may, da giày tăng trở lại, đồng thời với dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam, cũng như sự phục hồi ấn tượng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Đặc biệt, không thể không kể đến xuất khẩu nông sản vừa được mùa, vừa được giá.

Trên cơ sở kết quả xuất, nhập khẩu và các yếu tố thuận lợi, khó khăn của thị trường toàn cầu, Tổng cục Thống kê đánh giá, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 800 tỷ USD năm 2024 là rất khả thi.

Theo tính toán, để đạt được mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu 800 tỷ USD, thì tốc độ tăng năm 2024 so với năm 2023 cần phải đạt tối thiểu 17,5% (năm 2023 tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 681,1 tỷ USD), với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 4 tháng là 290 tỷ USD, bình quân mỗi tháng là 72,5 tỷ USD.

Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Công thương cho rằng, cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến và chính sách xuất, nhập khẩu của các thị trường; nắm bắt xu hướng phát triển xanh, bền vững trong các ngành công nghiệp, các quy định mới về thẩm định chuỗi cung ứng của Liên minh châu Âu (EU) đối với các ngành hàng xuất khẩu để kịp thời thông tin tới các hiệp hội, doanh nghiệp

Mặc dù thị trường xuất khẩu đang phục hồi với nhiều đơn đặt hàng, song xuất khẩu của các ngành hàng chủ lực đang đối mặt với nhiều thách thức do thiếu nhân công, chi phí sản xuất tăng cao, cùng các yêu cầu khắt khe và các biện pháp phòng vệ thương mại của các thị trường xuất khẩu.

WB cũng khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục cải cách thể chế, đẩy mạnh đầu tư công, đồng thời quản lý, giảm sát các rủi ro trên thị trường tài chính.

“Giải cứu” nông sản sau mưa lũ
Sau đợt mưa bão liên tiếp vừa qua, hàng loạt hợp tác xã nông nghiệp các tỉnh phía Bắc đã chịu thiệt hại nặng nề, nhiều diện tích hoa màu bị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư