Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
Tâm tư của doanh nghiệp
Bảo Duy - 03/03/2024 09:36
 
“Làm sao để các bộ, ngành không ngại thảo luận với doanh nghiệp khi thực hiện rà soát các văn bản, quy định liên quan đến kinh doanh?”.

Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt câu hỏi trên tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức ngày 29/2.        

Tham gia hội nghị này có đại diện nhiều bộ, ngành, địa phương - những đơn vị sẽ phải thực hiện đánh giá, rà soát các quy định hiện hành để có báo cáo trình Chính phủ theo yêu cầu của Nghị quyết 02/NQ-CP. Vấn đề đặt ra khi khá nhiều ý kiến từ doanh nghiệp tiếp tục nhắc đến những vướng mắc trong thực thi các quy định pháp luật mà theo họ, nếu có sự tham vấn, thảo luận và lắng nghe kiến nghị từ doanh nghiệp, thì sẽ không xuất hiện hoặc có thể có giải pháp tháo gỡ sớm.

Ví dụ như kiến nghị của doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề “chứng thực dữ liệu điện tử”, trong đó có “chứng thực hợp đồng điện tử trong thương mại” khi đang phải xin 2 giấy phép ở 2 cơ quan có thẩm quyền khác nhau (là Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công thương) và chịu sự quản lý của cả 2 cơ quan này.

Tương tự, để xuất nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự thuộc Danh mục Sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép, doanh nghiệp đang phải thực hiện các quy định để có được 3 loại giấy phép. Đó là Giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, Giấy chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và Giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp đặt ra là có cần Giấy phép xuất khẩu khi điều kiện để có giấy phép này chính là 2 loại giấy phép kia…

Thậm chí, gửi tới Hội nghị này, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM một lần nữa phải nhắc lại chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP với Bộ Y tế về việc “nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i - ốt” và bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”.

Cũng phải nói rõ, tinh thần này đã được Phó thủ tướng  Trần Hồng Hà nhắc lại trong 2 văn bản chỉ đạo Bộ Y tế vào tháng 3/2023 và mới đây là tháng 1/2024, nhưng vẫn không có trong kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 02/2024/NQ-CP của Bộ Y tế vừa được ban hành.

Thực tế trên khiến nhiều doanh nghiệp cảm thấy không thực sự an tâm khi Nghị quyết 02 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Y tế “chỉ đạo các cơ quan địa phương nghiêm túc thực hiện quy định “Cơ quan tiếp nhận hồ sơ chỉ được yêu cầu sửa đổi, bổ sung một lần” tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP và không được yêu cầu doanh nghiệp bổ sung hồ sơ ngoài quy định của pháp luật”, dù quy định này được cho là sẽ cởi trói rất nhiều cho doanh nghiệp…

Lâu nay, VCCI cũng như một số hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng là các bên độc lập, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tham gia vào hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Song nhiều hiệp hội doanh nghiệp cho biết, dù đã chủ động đề nghị, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều cơ hội tham gia và việc rà soát hệ thống quy định về kinh doanh mà các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ.

Trong báo cáo gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, VCCI còn cho biết, doanh nghiệp đang không thuận lợi trong cách thức tiếp cận, tham gia vào hoạt động rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định về kinh doanh. Thực trạng đó khiến doanh nghiệp nghi ngại về tính thực chất của thành quả rất đáng kể của nhiều bộ, ngành trong việc thực hiện đơn giản hóa 2.483 quy định kinh doanh tại 201 văn bản quy phạm pháp luật trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2023. Không ít ý kiến cho rằng, một số phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định còn hình thức; các đề xuất cắt giảm còn thiếu tính đột phá, thậm chí mang tính đối phó...

Một khi không thấy rõ cơ hội và hiệu quả các cuộc tham vấn, đóng góp ý kiến vào các hoạt động xây dựng cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, thì tất yếu, doanh nghiệp sẽ còn bất an, lo lắng và tâm tư…

Cải thiện môi trường kinh doanh: Trông chờ hiệu quả thực thi
Giờ là lúc bắt tay vào thực thi, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp sẽ tiếp tục đồng hành, như đã rốt ráo đi cùng quá trình soạn thảo, tìm...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư