Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tạm ứng chóng vánh và đường đi của dòng tiền tại PVC
Bùi Trang - Đỗ Mến - 16/01/2018 08:22
 
Trong bối cảnh Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí có nguy cơ mất cân đối dòng tiền, khoản tạm ứng từ Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã được thực hiện vô cùng thần tốc, nhưng lại được sử dụng sai mục đích.

“Thần tốc” tạm ứng

Tuần qua, phiên tòa xét xử vụ án Cố ý làm trái tại Tổng công ty CP Xây lắp dầu khí (PVC) đã bước sang giai đoạn tranh luận. Tại phiên tòa có những lời khai thừa nhận tình trạng mất cân đối dòng tiền của PVC, việc ký hợp đồng, tạm ứng nhằm để tạo điều kiện thuận lợi cho công ty này. Nhưng cũng có lời khai cho rằng, PVC đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm để được chỉ định làm tổng thầu EPC trong dự án trọng điểm như Nhiệt điện Thái Bình 2.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã thực hiện được trên 81% khối lượng công việc. Ảnh: Đức Thanh
Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đã thực hiện được trên 81% khối lượng công việc. Ảnh: Đức Thanh

PVC đã niêm yết từ năm 2009 với mã PVX. Theo báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2010,  PVC có lợi nhuận sau thuế gần 800 tỷ đồng. Năm 2011 - năm mà PVC được chỉ định tổng thầu EPC, lợi nhuận sau thuế gần 300 tỷ đồng. Nhưng cũng trong năm 2011, PVC góp vốn ra ngoài vượt quá vốn điều lệ gần 1.000 tỷ đồng và phải trích lập dự phòng. Đến năm 2012, PVC lỗ hơn 1.800 tỷ đồng.

Theo tài liệu vụ án, việc chỉ định thầu, ký hợp đồng và tạm ứng cho PVC đều trái quy định pháp luật. Ngày 1/3/2011, Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 khởi công, thì ngày 2/3, PVC có văn bản đề nghị tạm ứng. Chủ đầu tư PVPower phải đề nghị PVN cấp bổ sung vốn điều lệ để tạm ứng.

Sau đó, PVN làm thủ tục chuyển đổi chủ đầu tư về PVN và ký Hợp đồng chuyển đổi số 4194. Dù thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện, nhưng PVC vẫn được tạm ứng 6,6 triệu USD và hơn 1.300 tỷ đồng.

Những lần tạm ứng diễn ra chóng vánh. Ngày 13/5/2011, Hợp đồng chuyển đổi 4194 được ký. Ngay trong ngày 13/5, Ban Quản lý dự án có ủy nhiệm chi chuyển cho PVC số tiền 6.607.500 USD để thanh toán cho đơn vị tư vấn là Worley Parsons.

Cũng trong ngày 13/5, PVC có văn bản đề nghị tạm ứng 6% giá trị hợp đồng tương ứng với 65,3 triệu USD. Sau các bút phê và văn bản báo cáo, Ban Quản lý dự án đã nhận được 500 tỷ đồng qua ủy nhiệm chi vào ngày 23/5 và đã tạm ứng ngay số tiền này cho PVC.

Ngày 25/5/2011, PVC tiếp tục có công văn đề nghị tạm ứng thêm số tiền 500 tỷ đồng. Đến ngày 31/5/2011, tiền được chuyển cho Ban Quản lý dự án và trong cùng ngày, tiền được chuyển tới PVC.

Ngay hôm sau, ngày 1/6, trong cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện dự án, lãnh đạo PVN đã yêu cầu tạm ứng ngay cho PVC. Lần này, Ban Quản lý dự nhận được hơn 317 tỷ đồng (tương ứng 72 triệu USD) và đến ngày 12/7, tiền được chuyển cho PVC.

Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý, hai bên đã ký lại hợp đồng và đến ngày 11/10/2011, PVC mới chính thức là Nhà thầu có tư cách pháp lý để thực hiện Hợp đồng tổng thầu EPC Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 do PVN làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, việc tạm ứng cho PVC số tiền 6,6 triệu USD và 1.312 tỷ đồng diễn ra trước đó nhiều tháng.

Hướng chảy của dòng vốn tạm ứng

Điều đáng lưu ý là, chỉ có một phần nhỏ số tiền này bao gồm 6,6 triệu USD và 196 tỷ đồng được sử dụng chi trả cho các hạng mục của Dự án, vì thế, có tới 1.115 tỷ đồng bị sử dụng sai mục đích. Phần lớn số tiền gồm 763 tỷ đồng dùng thanh toán trả nợ các ngân hàng Oceanbank, HSBC, MHB và Ngân hàng Hàng Hải. Phần còn lại, số tiền này được PVC đã sử dụng góp vốn vào 5 công ty, đầu tư vào một số dự án khác.Cơ quan giám định kết luận, hành vi này gây thiệt hại 119 tỷ đồng.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 có công suất thiết kế 1.200 MW, với tổng mức đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 34.295 tỷ đồng (tương đương 1,7 tỷ USD), sản lượng điện thương phẩm là 6,739 tỷ kWh/năm.

Theo điều chỉnh mới nhất được trình trong Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 của PVC, tiến độ hợp đồng dự kiến sẽ vận hành thương mại tổ máy số 1 khoảng cuối tháng 12/2018, tổ máy số 2 vận hành cuối tháng 3/2019.

(Theo website của PVC)

Cũng tại PVC còn xảy ra hành vi tham ô tài sản, những cán bộ lãnh đạo cao nhất của Công ty đã yêu cầu Ban Điều hành Dự án Vũng Áng Quảng Trạch phải chuyển tiền về Tổng công ty để sử dụng. Đáp ứng yêu cầu trên, Ban Điều hành đã lập khống hồ sơ chứng từ thi công, quyết toán của 4 hạng mục công trình rút 13 tỷ đồng chuyển về Tổng công ty.

Hành vi vi phạm trong vụ án này, theo nhận định của cơ quan công tố “đã gây nên hậu quả nghiêm trọng”. Nhiều cán bộ giữ vị trí chủ chốt trong tập đoàn kinh tế lớn giao thực hiện những dự án, công trình trọng điểm của đất nước trong đó có Dự án NMNĐ Thái Bình 2, nhưng quá trình thực hiện dự án, đã có những hành vi lợi dụng vị thế, tính đặc thù cũng như nhiều ưu đãi để thực hiện hàng loạt hành vi sai phạm, làm trái các quy định của Nhà nước về lựa chọn nhà thầu, về ký kết hợp đồng, về tạm ứng vốn, về sử dụng vốn tạm ứng gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn, và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Cũng theo đánh giá của đại diện cơ quan công tố, ngoài việc gây ra những thiệt hại ban đầu xác định được, việc làm trên của các bị cáo đã làm thời gian thực hiện Dự án kéo dài gấp đôi, làm đội vốn đầu tư gần chục ngàn tỷ đồng, số tiền nếu phạt theo tiến độ của hợp đồng đã lên tới hàng trăm triệu USD.

Theo thông tin từ phiên tòa, đến nay, Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, bằng con số tương đối, đã thực hiện được trên 81% công việc. PVC cũng đã thu được hơn 1.240 tỷ đồng tiền tạm ứng đã chi.

PVN huy động tất cả các cấp để đẩy tiến độ Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2
Hội đồng Thành viên và Ban Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vừa có hội nghị quán triệt Nghị quyết liên tịch, nhằm thống nhất...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư