Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tân CEO Xây dựng Hòa Bình lần thứ hai liên tiếp không mua hết cổ phiếu đăng ký
Duy Bắc - 25/08/2023 08:31
 
Cổ phiếu bật tăng 32,5% giá trị, Tổng giám đốc Lê Văn Nam chỉ mua vào được 3,5% tổng lượng đăng ký cổ phiếu CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HoSE).

Cụ thể, ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình chỉ mua được 15.000 cổ phiếu HBC trong tổng đăng ký 431.210 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ mua thành công 3,5% tổng lượng đăng ký để nâng sở hữu từ 0,22%, lên 0,23% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 25/7 đến ngày 23/8.

Lý do chỉ mua lượng nhỏ cổ phiếu đăng ký do điều kiện thị trường chưa phù hợp.

Trước đó, từ ngày 20/6 đến ngày 19/7, ông Lê Văn Nam vừa mua vào 578.690 cổ phiếu HBC trong tổng đăng ký 1 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ mua thành công 57,9% tổng đăng ký để nâng sở hữu từ 0,01% lên 0,22% vốn điều lệ. 

Lý do không mua hết lượng đăng ký do điều kiện thị trường chưa phù hợp.

Bối cảnh Tổng giám đốc liên tục không mua vào cổ phiếu như đăng ký, cổ phiếu HBC vừa có nhịp hồi phục ngắn hạn. Trong đó, từ ngày 19/5 đến ngày 24/8, cổ phiếu HBC đã tăng 32,5%, từ 7.850 đồng, lên 10.400 đồng/cổ phiếu.

Theo tìm hiểu, đáng chú ý, ông Lê Văn Nam sinh năm 1976, mới được bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc Xây dựng Hòa Bình từ ngày 1/6/2023 tới nay.

Ngược lại, bà Lê Thị Cát Tường, chị gái ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Xây dựng Hòa Bình vừa bán ra 30.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 85.818 cổ phiếu xuống còn 55.818 cổ phiếu, tương ứng 0,0002% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ ngày 20/7 đến 17/8.

Xây dựng Hòa Bình thoát lỗ quý II/2023 nhờ thanh lý tài sản cố định, vật tư

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 2.297,88 tỷ đồng, giảm 44,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 546,33 tỷ đồng, tăng 11,1 lần so với cùng kỳ.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp tăng 107,9% so với cùng kỳ, tương ứng tăng thêm 219,79 tỷ đồng, lên 423,55 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 48,5%, tương ứng giảm 87,68 tỷ đồng, xuống 93,06 tỷ đồng; chi phí tài chính tăng nhẹ 1,6%, tương ứng tăng thêm 2,21 tỷ đồng, lên 142,38 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng mạnh 180%, tương ứng tăng thêm 284,28 tỷ đồng, lên 442,18 tỷ đồng; lợi nhuận khác ghi nhận lãi 653,03 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 19,86 tỷ đồng.

Nếu xét hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý II, Công ty ghi nhận lỗ 161,01 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 94,31 tỷ đồng.

Như vậy, trong quý II, lợi nhuận gộp tạo ra không đủ trả chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp, Công ty thoát lỗ bằng việc ghi nhận lợi nhuận khác tăng đột biến.

Công ty cho biết thu nhập khác đột biến chủ yếu do ghi nhận 656,3 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định, vật tư.

Lũy kế trong 6 tháng đầu năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu đạt 3.492,21 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 101,52 tỷ đồng, tăng 82% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù ghi nhận lãi trong nửa đầu năm 2023 nhưng tới 30/6/2023, Công ty vẫn còn lỗ lũy kế 2.020,4 tỷ đồng và bằng 73,7% vốn điều lệ.

Xây dựng Hòa Bình muốn phát hành 107 triệu cổ phiếu để hoán đổi nợ

Một diễn biến đáng lưu ý khác, Xây dựng Hòa Bình dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường trực tuyến vào ngày 26/8.

Trong đó, HĐQT trình phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. Tổng khối lượng tối đa là 274 triệu cổ phiếu theo 3 hình thức: phát hành riêng lẻ để hoán đổi nợ, chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 và đợt 2.

Về phát hành riêng lẻ, Xây dựng Hòa Bình dự kiến phát hành riêng lẻ tối đa 107 triệu cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu cho các chủ nợ của công ty. Phương án này nhằm hoán đổi nợ hiện hữu của công ty với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất. Tỷ lệ hoán đổi nợ là 1,2:1, tức mỗi 12.000 đồng nợ hoán đổi được 1 cổ phiếu phát hành thêm.

Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất như kế hoạch, Hòa Bình sẽ hoán đổi được 1.284 tỷ đồng nợ. Các khoản nợ sau khi hoán đổi sẽ được xóa bỏ, các chủ nợ sẽ trở thành cổ đông của Hòa Bình.

Giá trị các khoản nợ được hoán đổi sẽ được hạch toán để tăng vốn chủ sở hữu của Hòa Bình. Vốn điều lệ tăng tương ứng với số cổ phiếu đã phát hành và khoản nợ được xóa, công ty không còn nghĩa vụ trả các khoản nợ đã được hoán đổi bằng tiền cho chủ nợ.

Về chào bán cổ phiếu, Hòa Bình dự kiến chào bán cổ phiếu riêng lẻ đợt 1 với tối đa 120 triệu cổ phiếu, giá chào bán 12.000 đồng/cổ phiếu. Đối tượng chào bán là các nhà đầu tư chiến lược và/hoặc các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Thời gian thực hiện dự kiến là trong năm 2023 - 2024. Nếu hoàn tất, công ty sẽ thu được khoảng 1.440 tỷ đồng từ thương vụ này, dùng để thanh toán các khoản nợ và bổ sung vốn kinh doanh.

Đợt 2, Hoà Bình dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 47 triệu cổ phiếu. Giá chào bán cũng là 12.000 đồng/cổ phiếu, dự thu 564 tỷ đồng. Số tiền thu được này dự kiến sẽ được dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho doanh nghiệp. Thời gian dự kiến phát hành sau khi hoàn tất chào bán riêng lẻ đợt 1 ít nhất 6 tháng.

Nếu hoàn tất, vốn điều lệ của Hòa Bình sẽ tăng gần gấp đôi, lên mức hơn 5.481 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/8, cổ phiếu HBC tăng 680 đồng lên 10.400 đồng/cổ phiếu.

Xây dựng Hòa Bình tạm ứng 266 tỷ đồng để giải chấp 45 triệu cổ phiếu của gia đình Chủ tịch
CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã HBC - sàn HoSE) tạm ứng 742 tỷ đồng cho Chủ tịch HĐQT và nhân viên nhưng tới tháng 5/2023 mới thông qua chủ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư