Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 16 tháng 01 năm 2025,
Tân Giám đốc BV Nội tiết Trung ương: Lúc này không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn chống dịch
D.Ngân - 24/08/2021 15:17
 
TS.Phan Hoàng Hiệp, tân Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia sẻ với phóng viên về quyết định Nam tiến khi vừa chân ướt chân ráo nhận nhiệm vụ quản lý bệnh viện tròn 30 ngày.

Lên đường với hào khí chống dịch

Ngày 1/7/2021, TS. Phan Hoàng Hiệp nhận quyết định bổ nhiệm vị trí Giám đốc của Bệnh viện Nội tiết Trung ương sau khi người thầy của anh là GS.Trần Ngọc Lương đến tuổi nghỉ hưu theo chế độ.

Tân Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương chia tay cán bộ y tế của Bệnh viện Nam tiến.

Nhận nhiệm vụ quản lý trong bối cảnh bệnh viện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19, TS. Phan Hoàng Hiệp đã trăn trở rất nhiều để cùng các y, bác sĩ của Bệnh viện chung sức, chung lòng giúp Bệnh viện vượt khó.

Tuy vậy, thời điểm cuối tháng 7/2021 khi dịch bệnh tại khu vực phía Nam trở nên căng thẳng, chứng kiến các đồng nghiệp quá tải, căng thẳng để điều trị bệnh nhân Covid-19, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã ngay lập tức kêu gọi các cán bộ y tế tự nguyện Nam tiến. Bản thân anh tới Vĩnh Long vào ngày 31/7, tròn một tháng kể từ khi nhận nhiệm vụ quản lý với quyết tâm giúp địa phương này chỗng dịch.

Khi được hỏi về quyết định lên đường chống dịch có quá mạo hiểm khi bản thân chỉ vừa mới nhận quyết định bổ nhiệm, Bệnh viện còn nhiều nhiệm vụ dở dang cùng vô số công việc khác đang chờ anh xử lý, TS. Phan Hoàng Hiệp không ngần ngại nói, thời điểm này không có việc nào quan trọng hơn chống dịch, không có nhiệm vụ nào cần được ưu tiên hơn giúp nhân dân chống dịch, điều trị và cứu sống bệnh nhân Covid-19.

Cũng theo tân Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sở dĩ anh yên tâm lên đường là do có niềm tin vào năng lực chỉ đạo, điều hành của các phó giám đốc phụ trách cùng các lãnh đạo khoa phòng và tinh thần kỷ luật của cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện.

“Với nhiệm vụ được phân công cụ thể, các phó giám đốc sẽ quyết định những công việc trong phạm vi. Nếu có gì khó khăn hay vướng mắc có thể trao đổi với Giám đốc qua các kênh online”, TS.Phan Hoàng Hiệp vui vẻ nói.

Khi đặt chân tới Vĩnh Long trợ giúp Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đoàn công tác gồm TS. Phan Hoàng Hiệp cùng các y, bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đều chung một quyết tâm, dù ở bất kỳ trận chiến nào đều sẵn sàng xông pha vào chỗ khó nhất, điều trị cho bệnh nhân nặng nhất.

Và trong lần đến với Vĩnh Long lần này, ngoài công tác hỗ trợ chuyên môn, các y, bác sĩ còn xác định sẽ hỗ trợ tinh thần cho những đồng nghiệp, người bệnh và làm chỗ dựa tinh thần của người dân Vĩnh Long giúp họ thêm niềm tin để chống dịch thành công.

Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 được thành lập từ sự chỉ đạo và hỗ trợ của Bộ Y tế và được xây dựng khẩn cấp trên cơ sở khu 4 tầng cũ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, với quy mô 200 giường. 

Trung tâm hoạt động với mục đích điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và nguy kịch cho người dân của tỉnh Vĩnh Long ngoài ra có thể nhận điều trị các bệnh nhân nặng của tỉnh Đồng Tháp và An Giang.

Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, việc đưa vào hoạt động Trung tâm ICU điều trị Covid-19 tại Vĩnh Long có ý nghĩa rất quan trọng cho người dân Vĩnh Long và cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. 

Đoàn công tác Bệnh viện Nội tiết Trung ương bàn bạc, triển khai nhiệm vụ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Vĩnh Long

Với 14 y, bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cộng với nhân lực Bệnh viện Nhi Trung ương cùng với sự hỗ trợ của tỉnh Vĩnh Long về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, hiện Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đang nỗ lực điều trị cho 60 bệnh nhân Covid-19 nặng. 

Chúng tôi thức để Vĩnh Long ngủ

Một kỷ niệm đầu tiên mà đoàn y, bác sĩ của Bệnh viện Nội tiết Trung ương không quên được là sự lạ lẫm về ngôn ngữ của các đồng nghiệp và cán bộ địa phương.

TS. Phan Hoàng Hiệp kể, đầu tiên khi nghe cán bộ và người dân trao đổi công việc, dù lắng tai nghe cũng chỉ hiểu được vài phần, phải nhiều lần dừng lại để hỏi. Tuy nhiên, chỉ vài cuộc nói chuyện, trao đổi điều này không còn là trở ngại. Anh nhanh chóng nắm bắt tình hình để triển khai công việc.

Những ngày sau, trong guồng quay công việc tất bật, với một núi công việc cần triển khai khái niệm thời gian hầu như không còn ý nghĩa với tân Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương và đồng nghiệp. Quan tâm duy nhất của họ lúc này là nỗ lực hết sức để cứu sống bệnh nhân qua cơn thập tử nhất sinh. 

Các cán bộ y tế Bệnh viện Nội tiết Trung ương vừa họp bàn công việc vừa quan sát camera phòng bệnh.

Được biết, theo tháp điều trị Covid-19 thì Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 là ở tầng thứ 3, điều trị bệnh nhân nặng nhất từ các nơi chuyển về. Các bệnh nhẹ sẽ được điều trị ở tầng thứ 1, thứ 2.

Với vai trò là phó chỉ huy trưởng tại Trung tâm, TS. Phan Hoàng Hiệp đã ngay lập tức nhóm họp các thành viên trong đoàn công tác để phân công nhiệm vụ vụ thể.

Theo đó, các y, bác sĩ được chia thành 3 ca, 4 kíp làm việc thâu đêm suốt sáng với tinh thần nhân viên y tế thức để Vĩnh Long ngủ và người bệnh bình an. Chưa kể, chiến lược điều trị, tiếp nhận bệnh nhân cũng thay đổi từng giờ, từng phút, yêu cầu các nhân viên phải tập trung cao độ, trực chiến 24/7. 

Bất kỳ thời điểm nào trong ngày cũng có các bác sĩ có kinh nghiệm túc trực để kịp thời xử lý các biến chứng phát sinh bởi chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác bệnh nhân có thể nguy hiểm tính mạng.

Theo chia sẻ của Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sự khắc nghiệt của dịch Covid-19 lần này với biến chủng Delta thể hiện ở chỗ nhiều ca bệnh nặng, nguy kịch tử vong dù đang ở độ tuổi sung sức và không có bệnh nền.

“28 ca bệnh Covid-19 đã tử vong mà chúng tôi phải bất lực cúi đầu là những cảm xúc không bao giờ quên với ê-kíp. Dù rất đau lòng nhưng anh em chúng tôi vẫn phải nén lại để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, bằng mọi cách cứu sống những người còn lại”, tân Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương trải lòng.

Chia sẻ thêm về đặc trưng công việc điều trị bệnh nhân Covid-19 theo TS. Phan Hoàng Hiệp, nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh sang nhân viên y tế là rất lớn do vậy anh luôn nhắc nhở các y, bác sĩ phải cẩn trọng trong từng kỹ thuật, áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật để bảo đảm an toàn cho bản thân. 

“Nhân viên y tế có an toàn thì bệnh nhân mới bình an, do vậy bảo đảm an toàn cho bản thân là yêu cầu bắt buộc với mỗi nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ tại đây”, TS Phan Hoàng Hiệp nói.

TS. Phan Hoàng Hiệp trước khi Nam tiến.

Dù còn phải đối diện với nhiều khó khăn, vất vả do dịch còn căng thẳng và chưa hẹn ngày trở về song TS. Phan Hoàng Hiệp và rất nhiều đồng nghiệp khác đang trực chiến tại Vĩnh Long chưa bao giờ cảm thấy nản lòng bởi họ cho rằng, chỉ cần bệnh nhân còn cần họ, họ sẽ nỗ lực tới cùng, tạm gác hết những niềm riêng với nỗi nhờ gia đình, người thân hay cả bộn bề công việc thường ngày để tận hiến giúp người dân nơi đây chống dịch. 

Cũng như hàng nghìn y, bác sĩ miền Bắc đã Nam tiến TS. Phan Hoàng Hiệp luôn mong mỏi người dân địa phương tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch mà chính quyền đưa ra để dịch sớm được kiểm soát, để không còn cảnh sinh ly tử biệt, để không còn những mái đầu bạc trắng sau một đêm của các bác sĩ nơi tuyến đầu, để đường về nhà với y, bác sĩ được gần thêm.

Tính đến nay Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã cử 2 đoàn công tác lên đường hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại phía Nam. Trong đó, đoàn công tác số 1 gồm 33 nhân viên y tế đã lên đường chi viện cho TP.HCM vào cuối tháng 7. Đoàn công tác số 2 hiện đang thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19 đặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long dưới sự chỉ huy của TS.Phan Hoàng Hiệp
TP.HCM: Gần 40 doanh nhân tham gia đội caravan tình nguyện hỗ trợ chống dịch
Chỉ sau 2 giờ huy động, diễn đàn Caravan.vn đã huy động được 40 xe bán tải và 4 xe tải từ các thành viên đều là doanh nhân, hình thành “Đội xe...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư