Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 15 tháng 05 năm 2024,
Tăng cường công tác phòng chống dịch ở các bệnh viện tâm thần
D.Ngân - 05/09/2021 08:38
 
Phòng dịch Covid-19 ở các bệnh viện tâm thần là yêu cầu cấp thiết, bởi nếu không may nhiễm Covid, họ sẽ trở thành nguồn lây rất khó kiểm soát.

Theo ông Nguyễn Tuấn Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế; Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I, vì không có nhận thức nên bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 thể di chuyển khắp nơi, việc trở thành nguồn lây là rất cao.

Ông Nguyễn Tuấn Hưng (áo kẻ) lo ngại những người mắc Covid-19 vô tình sẽ làm phát tán bệnh tật cho bệnh nhân tâm thần ở xung quanh và nhân viên y tế.

Bên cạnh đó, bệnh nhân tâm thần không tự ý thức thực hiện 5K, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách, hoặc có thể trốn viện ra ngoài bằng nhiều hình thức mà nhân viên y tế khó có thể kiểm soát, nếu mắc Covid-19 vô tình sẽ làm phát tán bệnh tật cho bệnh nhân tâm thần ở xung quanh và nhân viên y tế.

Chưa kể, khi bệnh nhân tâm thần trở thành F0 cũng gây nhiều khó khăn cho nhân viên y tế trong chăm sóc và điều trị. Ông Nguyễn Tuấn Hưng cho hay, nếu như bệnh nhân bình thường việc cho uống thuốc hay đeo bình ô-xy khá dễ dàng thì với bệnh nhân tâm thần lại rất khó khăn do họ không chịu ngồi yên. Nhiều lúc nhân viên y tế phải cố định họ vào giường mới có thể tiến hành chữa trị.

“Do không thể đưa bệnh nhân tâm thần mắc Covid-19 chuyển nặng về trung tâm hồi sức cấp cứu khác mà phải điều trị tại chỗ nên cần chuẩn bị tốt các phương án chăm sóc, điều trị, cách ly riêng biệt song các bệnh viện tâm thần hiện nay nhân lực lại thiếu trầm trọng”, ông Hưng nêu thực tế.

Ngoài ra, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương I cũng thừa nhận, hiện chuyên môn về cấp cứu, hồi sức của nhân viên y tế không sâu vì vậy khi điều trị cho bệnh nhân có những chuyển biến xấu sẽ là một thách thức.

Để phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần, ông Nguyễn Tuấn Hưng đề xuất Bộ Y tế cần thiết lập chủ động tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 đơn nguyên điều trị Covid-19 để sẵn sàng trong trường hợp khu vực phía Bắc có ca dương tính là bệnh nhân tâm thần.

"Chúng ta cần xây dựng hướng dẫn điều trị Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần và cơ sở pháp lý tiêm vắc-xin Covid-19 cho bệnh nhân tâm thần do họ không có người giám hộ", ông Hưng đưa ý kiến.

Bản thân các cơ sở điều trị bệnh nhân tâm thần và đặc biệt tại những nơi đã xuất hiện ca nhiễm nên thành lập các khoa hồi sức - tích cực, phòng trường hợp số lượng bệnh nhân mắc Covid-19 tăng cao.

Ưu tiên dùng thuốc điều trị Covid-19 đối với những bệnh nhân tâm thần mắc bệnh. Đối với cơ sở nào có nguy cơ tăng số lượng ca nhiễm phải có sự hỗ trợ về nhân lực từ các bệnh viện khác như bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa. 

Về phía Cục Quản lý khám chữa bệnh, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho hay, để tăng cường công tác phòng chống dịch ở các bệnh viện tâm thần đạt hiệu quả, ngoài việc tiếp tục chỉ đạo bệnh viện về chuyên môn, đảm bảo tiếp nhận, cấp cứu, điều trị, kiểm soát nhiễm khuẩn tại đây, các Bệnh viện nói chung đều phải xây dựng theo mô hình chia 2 khu vực.

Do đặc thù của bệnh nhân tâm thần, các biện pháp thông thường như cách ly, phân luồng, 5K khó thực hiện do vậy việc sinh hoạt cho nhóm bệnh nhân này cũng cần sự quan tâm, đồng hành của tất cả đơn vị thuộc Bộ Y tế.

Ngoài việc ngăn nguy cơ mắc Covid-19 của bệnh nhân tâm thần thì một thực tế đang đối diện là bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ trở thành bệnh nhân tâm thần.

Hậu quả sức khỏe tâm thần của đại dịch vẫn hiện hữu đối với các nhân viên y tế, những người đang được cách ly, những người nhập viện Covid-19 và cả những người đã hồi phục sau khi nhiễm.

Dịch Covid-19 gây tâm trạng lo lắng, hoảng sợ, căng thẳng hoặc làm tăng nặng bệnh lý tâm thần đã có từ trước. Một đánh giá có hệ thống về tác động của đại dịch Covid-19 cho thấy tỷ lệ mắc các triệu chứng trầm cảm từ 14,6% đến 48,3% trong dân số nói chung.

Người bệnh bị cách ly, không được thăm hỏi nhiều, phải độc lập chiến đấu với căn bệnh, cảm giác bất lực, cô lập, đau buồn. Dù điều trị tại bệnh viện hoặc tại nhà, người bệnh Covid-19 vẫn thuộc các đối tượng nguy cơ cao mắc trầm cảm.

Bệnh nhân cảm thấy bất lực, sợ hãi và dễ bị tổn thương khi bị tách rời khỏi những người thân, nhận thức được những bệnh nhân xung quanh mình sắp chết và có thể lo sợ chính mình sẽ không qua khỏi.

Căng thẳng, trầm cảm, cáu kỉnh, mất ngủ, sợ hãi, bối rối, tức giận, thất vọng, buồn chán là những cảm xúc phổ biến. Đặc biệt, kỳ thị liên quan đến cách ly vẫn tồn tại sau khi hết cách ly.

Covid-19 còn diễn biến phức tạp, do đó, các chuyên gia khuyến cáo, người dân cần thay đổi lối sống để thích nghi. Theo đó, người dân nên tăng cường rèn luyện sức khỏe thể chất, nâng cao sức khỏe tinh thần trong mùa dịch bằng các liệu pháp đơn giản, như thư giãn, luyện tập yoga, thiền, nghỉ ngơi, đọc sách.

Đặc biệt, mỗi người cần chấp hành nghiêm các quy định về chống dịch như 5K, chỉ thị giãn cách, tăng kết nối với các thành viên khác trong gia đình, bạn bè, tránh tình trạng dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội.

Khi có các biểu hiện của stress, như khó ngủ, ngủ không tốt, dễ gặp ác mộng, hay tỉnh dậy giữa đêm, ngủ dậy vẫn thấy mệt mỏi... hoặc có dấu hiệu liên quan đến sức khỏe tâm thần, thì người dân nên đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn, thăm khám, điều trị.

TS. Cao Tiến Đức, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103), trong tình hình dịch bệnh kéo dài, nếu mỗi người không tự tìm cách thích nghi, sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái trầm cảm, mắc bệnh lý tâm thần. Vì thế, nếu phải làm việc tại nhà, mỗi người cần lên thời gian biểu mỗi ngày, có phòng làm việc đủ yên tĩnh để hoàn thành công việc, thu xếp những khoảng thời gian hợp lý để nghỉ ngơi.

Ngoài ra, mọi người cần ngủ đủ giấc. Điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng nhiều người lại không thể thực hiện vì áp lực công việc hoặc muốn tranh thủ thời gian để giải trí thay vì nghỉ ngơi, và đây chính là lý do tại sao mà nhiều người lại cảm thấy quá mệt mỏi vào dịp cuối tuần. 

“Tình trạng thiếu ngủ vào ban đêm có thể khiến mỗi người dễ cáu kỉnh vào ngày hôm sau. Giấc ngủ chất lượng có thể giúp não bộ tỉnh táo, cải thiện tâm trạng, tim mạch khỏe mạnh, tăng cường hệ miễn dịch. Để ngủ ngon hơn, người dân nên hạn chế các chất kích thích như thuốc lá, cà phê, rượu bia”, chuyên gia cho hay.

Người chăm sóc F0 tại nhà cần trang bị gì?
Theo Bộ Y tế, nhân viên y tế, người chăm sóc F0 tại nhà cần sử dụng một số đồ phòng hộ cá nhân như găng tay, khẩu trang, áo choàng chống dịch che...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư