Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 01 tháng 01 năm 2025,
Tăng cường hợp tác và thúc đẩy thương mại Việt Nam - Mexico
Việt Dũng - 23/03/2023 19:05
 
Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với Mexico, tập trung vào các lĩnh vực như năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao…

Ngày 23/3, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với Đại sứ quán Mexico tại Việt Nam và Tổng lãnh sự quán Mexico tại TP.HCM tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hợp tác thương mại Việt Nam - Mexico”.

Phát biểu tại hội thảo, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) cho biết hàng năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico đều có mức tăng trưởng dương và cán cân thương mại luôn nghiêng về phía Việt Nam. 

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phát biểu tại hội thảo.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phát biểu tại hội thảo.


Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, năm 2022, kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng tích cực, đạt 5,421 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2021. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mexico ước đạt 4,532 tỷ USD. 

“Trong thời gian tới, Việt Nam mong muốn nâng cao hơn nữa giá trị kim ngạch thương mại và đầu tư với Mexico, tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao”, bà Vân nói.

Đại diện ITPC cho biết thêm, theo số liệu của Cục Thống kê TP.HCM, Thành phố liên tục xuất siêu sang Mexico từ năm 2017. Riêng trong năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa TP.HCM và Mexico đạt trên 364 triệu USD, trong đó TP.HCM xuất khẩu sang Mexico trên 300 triệu USD (xuất siêu) tăng 6% so với năm 2022. 

Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Mexico của TP.HCM cũng duy trì dương trong giai đoạn 2017 - 2019. Riêng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu từ Mexico đạt 64 triệu USD.

Đồng thời, theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm tháng 12/2022, Mexico là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đứng thứ 116 trong tổng số 135 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với 4 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 0,17 triệu USD. Tuy con số còn khiêm tốn nhưng chứng tỏ tiềm năng thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia còn nhiều dư địa phát triển, mở rộng trong thời gian tới.

Riêng với TP.HCM, từ năm 1988 đến năm 2022, Mexico có 2 dự án đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh với tổng số vốn là 63.045 USD đứng 94/117 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM.

Hội thảo lần này có sự tham dự của gần 150 đại biểu, khách mời; trong đó thu hút khoảng 115 doanh nghiệp
Hội thảo thu hút gần 150 đại biểu, khách mời tham dự. Trong đó có hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực lương thực thực phẩm, logistics, hàng tiêu dùng, nông sản, năng lượng, viễn thông, nông nghiệp kỹ thuật cao và các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao….


Bà Võ Thị Phương Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM (HLA) cũng cho rằng, Mexico là thị trường rất tiềm năng cho các doanh nghiệp Việt Nam. Bởi xét về địa lý thì đây là nơi kết nối giữa Đại Tây Dương và Châu Á - Thái Bình Dương; có bờ biển dài; thuộc khu vực Bắc Mỹ và Mỹ La tinh.

Đối với quan hệ thương mại thì đây cũng là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam tại Mỹ La tinh. Trong khi đó, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 12 của Mexico tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng trưởng mạnh…

Theo bà Lan, để nâng cao hiệu quả logistics trong hoạt động thương mại hai chiều Việt Nam - Mexico, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nên lựa chọn điều kiện giao hàng phù hợp trong Incoterm (bộ quy tắc thương mại quốc tế) như thay đổi điều kiện bán hàng/mua hàng sang CIF, thay vì FOB như hiện nay.

Tiếp đến là lựa chọn chuỗi dịch vụ Logistics tích hợp, bởi chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 17% giá trị hàng hóa, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển. Trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%.

“Các doanh nghiệp nên tối ưu hóa chi phí logistics bằng cách sử dụng chuỗi dịch vụ logistics tích hợp: khai báo hải quan + vận chuyển nội địa + vận chuyển quốc tế + kho bãi… Nếu các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sử dụng tích hợp các dịch vụ sẽ tiết kiệm chi phí logistics từ 500.000/container so với việc sử dụng dịch vụ đơn lẻ”, bà Lan nói và cho biết thêm, các doanh nghiệp cũng cần phải kiểm soát phụ phí, kiểm soát rủi ro trước, trong và sau thông quan.

Đà Nẵng kêu gọi doanh nghiệp UAE đầu tư Trung tâm tài chính, Trung tâm logistics
Lần đầu tiên thành phố Đà Nẵng tổ chức Toạ đàm xúc tiến đầu tư tại thị trường UAE, kêu gọi doanh nghiệp nước này đầu tư dự án Trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư