Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 25 tháng 12 năm 2024,
Tăng hàm lượng thiết kế để ngành gỗ và nội thất ổn định đơn hàng
Hoài Sương - 05/11/2024 08:09
 
Trong giai đoạn sụt giảm đơn hàng vừa qua, các doanh nghiệp đầu tư cho R&D đều có được sự chủ động tốt hơn trong đơn hàng và góp phần chinh phục mục tiêu bền vững thuận lợi hơn.

Gia công theo thiết kế sẵn có chiếm đa số

Theo đánh giá của WIPO, Việt Nam là một trong 8 quốc gia thu nhập trung bình trong top 70 đã có những tiến bộ nhanh nhất về đổi mới sáng tạo trong hơn thập kỷ qua. Việt Nam cũng được đánh giá là quốc gia có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển. Nghĩa là việc chuyển các nguồn lực đầu vào thành kết quả đầu ra đổi mới sáng tạo thực sự hiệu quả.

Theo Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), trong khi các nước phát triển thống trị xuất khẩu sản phẩm nghệ thuật thị giác và nghe nhìn thì các nước đang phát triển thống trị xuất khẩu thiết kế và thủ công mỹ nghệ.

Đầu tư cho R&D sẽ giúp doanh nghiệp ổn định đơn hàng trong thời gian tới.

Với lợi thế là một trong 6 ngành xuất khẩu chủ lực, chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam hiện quy tụ được hơn 3.300 doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, hoạt động gia công theo thiết kế sẵn có lại chiếm vai trò chủ yếu. 

Ông Vũ Hải Bằng, Phó chủ tịch HAWA cho biết, trang bị thêm các giá trị sáng tạo thông qua hoạt động đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển) là một trong những cách để doanh nghiệp gia tăng khả năng cạnh tranh. 

“Bởi câu chuyện giá tốt có được từ nguồn lao động trẻ, giá nhân công thấp sẽ không còn trong tương lai. Xuất khẩu nội – ngoại thất, thủ công mỹ nghệ Việt Nam đã lên đến hơn 16 tỷ USD, nên cần phải tiếp cận được thị trường. Trên nền tảng gia công, từ đó ngành cần xây dựng những giá trị khác như: Hiệu suất để gia công có giá thành tốt hơn, sáng tạo để có thiết kế riêng, nghiên cứu thị trường để có chiến lược xuất khẩu trúng đích hơn…”, ông Bằng chia sẻ.

Tăng khả năng thích ứng

Theo ông Vũ Hải Bằng, việc đầu tư cho R&D sẽ giúp doanh nghiệp có được sự ổn định, nâng khả năng thích ứng trong tình huống đặc biệt. Minh chứng cụ thể nhất là trong giai đoạn sụt giảm đơn hàng vừa qua, các doanh nghiệp có đầu tư cho R&D đều có được sự chủ động tốt hơn. 

Trong chiến lược chuyển đổi xanh, giảm phát thải mà doanh nghiệp trong ngành đang hướng tới, hàm lượng sáng tạo cũng sẽ góp phần giúp doanh nghiệp chinh phục các mục tiêu bền vững thuận lợi hơn rất nhiều.

Đồng quan điểm, ông Lai Trí Mộc, nhà đồng sáng lập Vietnam Housewares Corp cho rằng, nghiên cứu, đổi mới và sáng tạo chính là chìa khóa để có được lợi thế trên toàn chuỗi cung ứng. Đơn giản như việc ứng dụng mô hình nhà kính trong nông nghiệp vào kho chứa cỏ năng tượng, Vietnam Housewares đã có thể tiết kiệm chi phí lẫn thời gian sấy khô cho nguyên liệu. 

Tương tự, công tác sáng tạo cũng được triển khai vào việc thử nghiệm các vật liệu mới, phát triển sản phẩm… Song song đó, doanh nghiệp phải nghiên cứu khả năng hấp thụ của thị trường, tìm hiểu thị hiếu, thói quen tiêu dùng đặc trưng từng quốc gia, từng khu vực…”, ông Mộc cho hay.

Theo ông Mộc, công nghệ hiện đang hỗ trợ khá tốt cho công tác R&D. Bản thân Vietnam Housewares đang ứng dụng giải pháp Quản lý Vòng đời sản phẩm (PLM). Nền tảng này giúp doanh nghiệp lập kế hoạch, thiết kế, phát triển, bán hàng… khá thuận lợi. 

Nhờ công tác đầu tư cho thiết kế, sáng tạo này đã giúp Vietnam Housewares có danh mục đa dạng sản phẩm với hơn 5.000 SKU (mã code phân loại hàng hóa tồn kho), đưa sản phẩm thâm nhập trực tiếp vào hệ thống siêu thị lớn tại Anh, Mỹ…

Theo tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, tư duy về kinh tế sáng tạo giúp hoàn thiện chính sách để các ý tưởng sáng tạo có đủ điều kiện, chu trình từ hình thành, sản xuất, cung ứng, phân phối và xuất khẩu. Từ đó, mang lại nhiều giá trị gia tăng hơn cho nền kinh tế, lợi nhuận cao hơn cho doanh nghiệp và thu nhập cao hơn cho người lao động.

Công nghiệp nội thất Việt Nam vươn xa đến hơn hơn 120 quốc gia, trong đó thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản… Doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có khả năng cung ứng hàng nội thất số lượng lớn, chất lượng cao. “Do đó, trên hành trình xây dựng giá trị sáng tạo, doanh nghiệp có thể thử nghiệm với số lượng nhỏ hơn, từng bước thử nghiệm và không thể có kết quả trước mắt. Điều này đòi hỏi tính kiên nhẫn, tinh thần học hỏi không ngừng nhưng chắc chắn sẽ có kết quả”, ông Bằng khẳng định.

UKVFTA là “cầu nối” để xuất khẩu sang Anh sớm đạt 10 tỷ USD
Theo ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), doanh nghiệp Việt có thể khai thác dư địa thị trường...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư