Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tăng kiểm tra, giám sát, chống gian lận xuất xứ mặt hàng gạo
Thế Hoàng - 28/01/2022 09:43
 
Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng gạo nhập khẩu rồi xuất khẩu hoặc tái xuất đi các thị trường.
Hải quan tăng cường kiểm soát chống gian lận xuất xứ mặt hàng gạo.
Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát, chống gian lận xuất xứ mặt hàng gạo.

Nhằm chống gian lận xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định, chuyển tải bất hợp pháp đối với mặt hàng gạo nhập khẩu (có mã HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) từ các thị trường sau đó xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu đi các thị trường khác, Tổng cục Hải quan vừa chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng gạo.

Cụ thể, đối với lô hàng được hệ thống phân luồng kiểm tra, khi kiểm tra, hải quan lưu ý kiểm tra việc ghi nhãn đảm bảo đúng quy định tại Nghị định số 111/2021/NĐ-CP ngày 09/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Thực hiện chuyển luồng kiểm tra thực tế đối với các lô hàng gạo (mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) xuất khẩu theo loại hình B13 (xuất khẩu hàng đã nhập khẩu).

Trong quá trình kiểm tra kết quả nếu phát hiện doanh nghiệp có hành vi vi phạm thì tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp vụ việc có dấu hiệu gian lận phức tạp thì phối hợp với các lực lượng chức năng khác như Công an, Biên phòng, Quản lý thị trường để điều tra, xác minh, làm rõ các dấu hiệu gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Bên cạnh đó, các đơn vị tăng cường thu thập thông tin, rà soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu gạo trên địa bàn quản lý; đánh giá, phân tích thông tin để xác định các dấu hiệu rủi ro và các doanh nghiệp rủi ro cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định.

Phối hợp chia sẻ thông tin với các đơn vị nghiệp vụ có liên quan để triển khai các biện pháp kiểm tra trong thông quan, kiểm tra sau thông quan và kiểm soát chống buôn lậu.

Cơ quan này cho biết, liên quan đến điều kiện nhập khẩu gạo, căn cứ Thông tư số 11/2021/TT-BNNPTT ngày 20/9/2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bảng mã số HS đối với danh mục hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ này và danh mục hàng hóa xuất, nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thì sản phẩm gạo (mã số HS 1006.20, 1006.30 và 1006.40.90) thuộc đối tượng phải kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm khi nhập khẩu.

Đối với gạo xuất khẩu, căn cứ Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15/8/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1/10/2018), thương nhân Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, nếu đáp ứng đủ điều kiện quy định tại Điều 4 Nghị định này và được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, có quyền được kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan; thương nhân chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng không cần đáp ứng các điều kiện kinh doanh quy định tại điểm a, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều này, được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận.

Thời gian qua, Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cục Hải quan TP.HCM) đã tạm giữ nhiều container gạo nhập khẩu từ Ấn Độ nghi vấn gian lận xuất xứ gạo Việt Nam. Theo khai báo trên tờ khai hải quan, những lô hàng gạo này có xuất xứ Ấn Độ, nhưng khi kiểm tra thực tế, cơ quan hải quan lại phát hiện hai container để bao bì trắng nghi gian lận và trái với quy định phải ghi tên nhà sản xuất, xuất xứ, tên hàng...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư