Thứ Sáu, Ngày 02 tháng 05 năm 2025,
Tăng trưởng từng quý sẽ không còn quá chênh lệch
Mạnh Bôn - 11/01/2015 08:30
 
() GDP của Việt Nam trong quý I hàng năm bao giờ cũng tăng trưởng thấp, tăng dần vào quý II, III  và tăng mạnh vào quý IV. Năm 2015, quy luật này liệu có tái diễn? Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư xung quanh nội dung này.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Quyết nghị nhiều vấn đề hệ trọng của kinh tế - xã hội 2015
Công bố các số liệu kinh tế cơ bản 2014
Kinh tế 2014 tăng trưởng vượt mọi dự báo
Tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,98%

Ông lý giải thế nào về quy luật tốc độ tăng GDP quý I hàng năm thường rất thấp, sau đó tăng dần vào quý II, quý III và đặc biệt là quý IV?

Trước hết, về khách quan, sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam, nhất là sản xuất nông – lâm nghiệp, thuỷ sản có tính mùa vụ rất cao.

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia

Ông Hà Quang Tuyến, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia

Về chủ quan, khác với nhiều nước trên thế giới, trong quý I hàng năm, ngoài Tết Dương lịch, Việt Nam còn có Tết Nguyên đán, sau đó trên khắp cả nước diễn ra hàng loạt lễ hội... Trong 3 tháng đầu năm, mọi hoạt động sản xuất ngừng gần nửa tháng, chưa kể tình trạng làm việc không hết công suất do người lao động dành thời gian tham gia lễ hội, nên hiệu quả sản xuất, kinh doanh không cao.

Hơn nữa, tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi...” vẫn còn “ăn sâu bám rễ” vào không ít người. Chính tâm lý này cộng với việc nghỉ nhiều ngày do Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán khiến tốc độ tăng trưởng GDP quý I thường thấp hơn các quý còn lại trong năm.

Về mặt kỹ thuật, theo hệ thống tài khoản quốc gia, sau khi tính toán GDP quý theo thông lệ, phải tiến hành bước tiếp theo là điều chỉnh mùa vụ, lúc đó mới có thể so sánh được quý sau so với quý trước liền kề. Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê đang nghiên cứu để điều chỉnh mùa vụ, khi đó, dãy số liệu các quý sẽ thay đổi.

Sau thời gian “ăn chơi”, hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường, nhưng vì sao tốc độ tăng GDP quý II hầu như đều thấp hơn quý III và đặc biệt là quý IV, thưa ông?

Có một nguyên nhân rất quan trọng là, việc xây dựng kế hoạch và phân khai vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng nguồn ngân sách và trái phiếu chính phủ (TPCP) thường triển khai khá chậm, nên phải đến quý II hàng năm, nhiều công trình, dự án mới “lục tục” triển khai, khiến tốc độ tăng trưởng quý II thường thấp hơn quý III.

Trong khi đó, trong quý IV, do phải chạy đua với thời gian để hoàn thành kế hoạch, nguồn vốn đầu tư đã sẵn có, nên các địa phương, công trình, dự án tập trung vào làm việc; rất nhiều doanh nghiệp phải gia tăng nhập khẩu nguyên vật liệu để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu cho năm tới và phục vụ Tết Nguyên đán, nên tốc độ tăng trưởng quý IV thường cao nhất trong năm.

Ông có nghĩ rằng, tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm chạy nước rút” tiếp tục diễn ra trong năm nay?

Như tôi đã nói, do đặc thù văn hóa dân tộc, nên không thể bỏ Tết Nguyên đán cũng như thói quen tiêu dùng vào dịp lễ tết của người dân, nên tốc độ tăng trưởng quý I sẽ không bằng mức trung bình cả năm và tốc độ tăng GDP quý IV chắc chắn cao hơn mức bình quân của cả năm. Tuy nhiên, độ doãng tốc độ tăng trưởng từng quý sẽ không còn quá chênh lệch như trước đây.

Nguyên nhân là do, độ mở của nền kinh tế nước ta rất lớn (tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2014 lên tới 324 tỷ USD bằng 1,8 lần GDP) và ngày càng gắn bó chặt chẽ với kinh tế thế giới. Trong khi kinh tế thế giới, nói đúng ra là thị trường xuất - nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của nước ta vận động không ngừng, nên tình trạng “đủng đỉnh” những tháng đầu năm sẽ giảm dần.

Ngoài ra còn có nguyên nhân nào nữa, thưa ông?

Còn có nguyên nhân rất quan trọng nữa là, trước đây, kế hoạch vốn ngân sách nhà nước và vốn TPCP được phân giao hàng năm, nên việc xây dựng kế hoạch và phân giao vốn thường bị chậm, có địa phương đến cuối quý I vẫn chưa phân giao xong vốn cho các công trình, dự án khiến tốc độ đầu tư xây dựng cơ bản thường bị chậm trong những tháng đầu năm. Tuy nhiên, kể từ khi thực hiện Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn TPCP thì tình trạng này giảm hẳn. 

Hơn nữa, Luật Đầu tư công đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2015, theo đó, kế hoạch đầu tư thay vì được phân hàng năm sẽ phân theo trung hạn, dài hạn, nên sẽ chấm dứt được tình trạng xây dựng và phân khai kế hoạch vốn bị chậm trễ, nên cũng chấm dứt được tình trạng “đầu năm đủng đỉnh, cuối năm chạy nước rút”.

Giá dầu thô trên thị trường thế giới tiếp tục lao dốc. Thưa ông, giá dầu giảm tác động thế nào tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2% trong năm nay?

Nếu sản lượng khai thác dầu và khí bảo đảm kế hoạch đã đặt ra thì không ảnh hưởng tới mục tiêu tăng GDP vì tính toán tăng GDP căn cứ vào giá so sánh, giá so sánh hiện nay là năm 2010. Tuy nhiên, nếu giá dầu giảm quá mạnh, việc khai thác không hiệu quả, buộc phải giảm sản lượng khai thác dầu, khí chắc chắn ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng GDP trong năm nay.

Giả sử Chính phủ quyết định giảm sản lượng dầu, khí do khai thác không hiệu quả, theo ông, năm 2015 liệu có đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,2%?

Nền kinh tế còn nhiều dư địa tăng trưởng, vì vậy, nếu giảm sản lượng khai thác dầu khí, nhưng khai thác tốt dư địa tăng trưởng ở một số ngành, lĩnh vực khác, thì GDP năm nay vẫn có thể tăng 6,2%.  Nếu năm 2015, tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 9,5-10%, thì GDP vẫn bảo đảm đạt mục tiêu đặt ra, cho dù có giảm sản lượng khai thác dầu và khí.

Thấy gì từ chỉ tiêu tăng trưởng GDP 6,2%?

() Chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2015 đã được Quốc hội quyết nghị là 6,2% - một mức cao so với các năm trước và hoàn toàn có thể đạt được. Có thể nhấn mạnh điều đó khi những kỳ vọng, thậm chí là sự tin tưởng vào sự phục hồi của nền kinh tế đã được khẳng định. 6,2% là tốc độ tăng trưởng cao nhất mà Việt Nam có thể đạt được trong cả kế hoạch 5 năm 2011 - 2015.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư