Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 10 tháng 08 năm 2024,
Tạo động lực để đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế
N.L - 06/08/2018 08:08
 
Một trong những chính sách thiết thực nhất góp phần quan trọng vực dậy kinh tế gia đình của người dân vùng khó khăn, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, là nguồn vốn vay hỗ trợ tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Ông Lê Hồng Phúc, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết, trong những năm qua, cùng với việc đẩy mạnh công tác giảm nghèo và xây dựng đời sống văn hóa, xã Tập Sơn, huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh) luôn quan tâm đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế đối với đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg, Quyết định số 74/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, xem đó như “trợ lực” để đồng bào có cơ hội thoát nghèo, ổn định đời sống.

Bên cạnh đó, các nghị quyết, chương trình về chính sách giảm nghèo, nâng cao thu nhập, phát triển y tế, giáo dục... của địa phương cũng đã từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn ở xã Tập Sơn.

Hà An Phó tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý giới thiệu bảng công khai niêm yết các thông tin về tín dụng chính sách cho các nhà khoa học tại Điểm giao dịch xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang)
Hà An Phó tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý giới thiệu bảng công khai niêm yết các thông tin về tín dụng chính sách cho các nhà khoa học tại Điểm giao dịch xã Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang)

Thực tế hơn 15 năm qua, các chương trình tín dụng chính sách do NHCSXH huyện Trà Cú thực hiện đã giúp 18.000 lao động có việc làm ổn định, trong đó có 250 lao động đi làm việc tại nước ngoài; trên 3.500 học sinh - sinh viên được vay vốn đi học; gần 10.000 hộ nghèo được vay vốn xây dựng và sửa chữa nhà ở; 8.000 hộ vay vốn để xây dựng công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong tổng số khách hàng được vay vốn, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện chiếm trên 63%.

Các chính sách dành riêng cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo đòn bẩy thoát nghèo cho các hộ miền núi, với nhiều mô hình phát triển kinh tế có thu nhập khá ổn định. Thông qua nguồn vốn vay này, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tiếp cận được môi trường tín dụng, kinh nghiệm làm ăn, cũng như áp dụng khoa học - kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt, dịch vụ và từng bước xóa bỏ  tâm lý trông chờ, ỷ lại, thiếu ý thức vươn lên của một bộ phận người nghèo.

“Nguồn vốn hỗ trợ của chính sách tín dụng ưu đãi cũng giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số xây dựng được nhà cửa kiên cố, mua sắm trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, tạo việc làm và góp phần tích cực trong việc thực hiện các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới”, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú Lê Hồng Phúc cho biết thêm.

Tương tự như ở Trà Vinh, tại xã nông thôn mới Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang), nguồn vốn từ NHCSXH đã giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Đến nay, dư nợ tín dụng chính sách trên địa bàn xã đạt hơn 26 tỷ đồng, với 39 tổ tiết kiệm và vay vốn, 1.576 hộ vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách.

Chia sẻ tại buổi làm việc với đoàn công tác của NHCSXH mới đây, ông Huỳnh Văn Của, Chủ tịch UBND xã Nhơn Nghĩa A đánh giá cao hiệu quả của các chương trình chính sách cho vay tín dụng đối với đồng bào dân tộc thiểu số thời gian qua.

Ông Của nhấn mạnh, chính những nguồn vốn hỗ trợ này đã giúp đồng bào có cơ hội vươn lên trong cuộc sống, mở hướng trong phát triển kinh tế gia đình và từng bước thoát nghèo bền vững, với nhiều tấm gương điển hình trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Phó tổng giám đốc NHCSXH Nguyễn Văn Lý cho biết, từ điều kiện thực tiễn hiện nay, NHCSXH sẽ có nghiên cứu cụ thể trong việc tham mưu cho các cơ quan chức năng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ nâng mức cho vay đối với đồng bào dân tộc thiểu số, không hạn chế ở mức 50 triệu đồng như hiện nay, bởi chỉ khi có sự “đột phá” và kéo dài thời gian đối với chương trình vay mới có thể giúp đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội phát triển trong dài hạn. Bên cạnh đó, cũng sẽ ưu tiên đầu tư tín dụng cho sinh viên một cách “cởi mở”, tạo điều kiện tốt nhất trong chính sách đào tạo, nhất là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.

“Cùng với đẩy mạnh hỗ trợ vốn, cũng cần tiếp tục tạo điều kiện để đồng bào được tiếp cận đầy đủ các chương trình vốn vay và có chính sách hỗ trợ ưu tiên, xây dựng nguồn vốn phù hợp. Ngoài nguồn vốn của NHCSXH, cần huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa để các địa phương hỗ trợ người dân một cách đầy đủ, kịp thời và đảm bảo mục đích sử dụng, giúp đồng bào có cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”, ông Lý nói.

Ngân hàng Chính sách Xã hội tri ân các Anh hùng vùng biên giới Tây Giang
Nhân Kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2017), Đoàn công tác của NHCSXH do đồng chí Dương Quyết Thắng, Uỷ viên HĐQT - Tổng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư