Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tạo đột phá cho kinh tế 13 tỉnh khu vực CLV
Hồng Phúc - 13/03/2019 19:21
 
Cần sự phối hợp chặt chẽ từ cấp cơ sở, địa phương đến các bộ, ngành liên quan để tạo bước đột phá về phát triển kinh tế Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV).

Cần hợp tác chặt chẽ giữa 3 nước

Hội nghị Ủy ban Điều phối chung khu vực CLV vừa kết thúc tại tỉnh Kartie (Campuchia), với sự thống nhất cao trong gia tăng mối liên kết, hợp tác giữa 3 quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia, nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế, ổn định chính trị 13 tỉnh trong khu vực.

Chương trình hợp tác trong khuôn khổ CLV đã được triển khai gần 20 năm (từ ngày 22/10/1999). Đối với 3 nước, việc xây dựng Khu vực Tam giác phát triển này có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng cả về chính trị, ngoại giao, an ninh, quốc phòng, kinh tế và xã hội, nhằm củng cố, tăng cường tình đoàn kết và hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa 3 nước trên tinh thần láng giềng, hữu nghị truyền thống vốn có.

Là Chủ tịch Ủy ban Điều phối chung Việt Nam, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, cần tập trung tích cực hơn để tiếp tục phát huy các thế mạnh của mỗi bên cho hợp tác phát triển khu vực CLV. Trong đó, tập trung khai thác các tiềm năng, thế mạnh của phía Campuchia và Lào về đất đai, cơ hội tiếp cận thị trường nước thứ ba, khoáng sản, thủy điện và tiềm năng của phía Việt Nam về nguồn nhân lực, vốn đầu tư, công nghệ trong một số ngành và lĩnh vực như nông nghiệp, thủy điện, công nghiệp chế biến...

Về kế hoạch phát triển du lịch cho khu vực, thực hiện Biên bản thỏa thuận Kỳ họp lần thứ 11 Ủy ban Điều phối chung khu vực CLV tổ chức tại Bình Phước năm 2017, phía Việt Nam đã giao Tổng cục Du lịch (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) chủ trì phối hợp với phía Campuchia và Lào xây dựng Kế hoạch Phát triển du lịch cho Khu vực. Dự kiến, Kế hoạch sẽ được hoàn thành trong năm nay để trình lãnh đạo cấp cao thông qua vào năm 2020.

Còn rào cản cần tháo gỡ

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam có 116 dự án, với tổng vốn đăng ký 3,6 tỷ USD vào 8 tỉnh thuộc Lào và Campuchia. Về phía ngược lại, 5 tỉnh của Việt Nam thuộc khu vực CLV (gồm Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước) đã thu hút 274 dự án đến từ 23 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đăng ký đạt 2,8 tỷ USD, nhưng chưa có dự án nào từ Lào và Campuchia, dù cả 2 đã có một số dự án đầu tư vào các tỉnh, thành phố khác của Việt Nam.

Ông Vũ Văn Chung, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài đã chỉ ra một số rào cản khiến hoạt động thu hút đầu tư vào khu vực này kém hấp dẫn, như hạ tầng còn yếu kém, chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư chưa thật sự rõ ràng và dễ tiếp cận, đặc biệt là việc thay đổi một số chính sách liên quan đến đất đai và sự hạn chế của một số chính sách về lao động.

Quan hệ thương mại giữa 3 nước vẫn liên tục tăng trưởng, nhưng mô hình “một cửa, một lần dừng” tại các cặp cửa khẩu còn nhiều vấn đề chưa thống nhất về kiểm tra, kiểm soát người, hàng hóa, phương tiện giữa các lực lượng chức năng, dẫn đến thực trạng “một cửa, hai lần dừng”...

Ông Pan Sorasak, Bộ trưởng cấp cao Bộ Thương mại, Chủ tịch Ủy ban Điều phối Campuchia thì nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác 3 quốc gia trong lĩnh vực an ninh, bảo đảm, ngăn chặn phòng chống buôn bán người, ma tuý, an ninh an toàn dọc biên giới. Cùng với đó, ông đề nghị 3 bên cần tiếp tục phối hợp sử dụng hệ thống hotline chính quyền tỉnh dọc biên giới, giúp giải quyết các vấn đề cấp bách hiệu quả hơn.

Một số thành quả sau gần 20 năm triển khai chương trình hợp tác Khu vực Tam giác phát triển CLV

Năm 2018, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào đạt 1,03 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2017.

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Campuchia năm 2018 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 23% so với năm 2017.

Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu qua các cửa khẩu biên giới đất liền giữa Việt Nam với Lào và Campuchia đạt lần lượt là 1,03 tỷ USD và 2,7 tỷ USD.

Nguồn năng lượng mới cho hợp tác GMS và CLV
Hội nghị Thượng đỉnh hợp tác Tiểu vùng Mê Kông mở rộng lần 6 (GMS 6) và Hội nghị Cấp cao hợp tác khu vực Tam giác Phát triển Việt Nam, Lào,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư