Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
Tạo đột phá trong công tác lập kế hoạch
Hà Nguyễn - 24/09/2018 09:21
 
Lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng kế hoạch năm 2019.

Đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập kế hoạch

Sáng 24/9, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lần đầu tiên tổ chức Hội nghị trực tuyến với các địa phương để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, đây chính là một bước “đổi mới mạnh mẽ trong công tác lập kế hoạch”.

.
.

Theo Bộ trưởng, thông thường trước đây, vào thời điểm này hàng năm, các địa phương sẽ tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo báo về tình hình phát triển - kinh tế xã hội năm, chuẩn bị cho việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau. Tuy nhiên, từ năm 2017, thấy cách làm kế hoạch cũ không còn phù hợp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị thay đổi, thay vì họp và làm kế hoạch với từng địa phương, thì sẽ làm theo quy mô từng vùng.

“Năm nay, chúng tôi tiếp tục đổi mới công tác lập kế hoạch. Đã có 3 hội nghị tổ chức ở 3 vùng, nhưng nhận thấy đây là thời điểm rất quan trọng để kiểm điểm, thảo luận về tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2018, đề ra các giải pháp cần tập trung thực hiện những tháng cuối năm, cũng như chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm, lần đầu tiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quyết định tổ chức hội nghị trực tuyến họp với các địa phương”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định

Điều này, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một lần nữa khẳng định sự đổi mới mạnh mẽ của ngành kế hoạch - đầu tư, nhằm làm sao triển khai nhanh, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, cũng như chuẩn bị cho lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Kinh tế 2018: 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Đọc báo cáo đề dẫn tại Hội nghị, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, nhờ tinh thần vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống chính trị, sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của các bộ ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, cùng sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các tổ chức quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 tiếp tục duy trì đà chuyển biến tích cực, dự kiến hoàn thành 12/12 chỉ tiêu được Quốc hội giao. Trong đó, dự kiến có 8 chỉ tiêu vượt và 4 chỉ tiêu đạt kế hoạch, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đã đề ra.

Theo ông Trần Quốc Phương, một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế - xã hội năm 2018 chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực.

Trong đó, tăng trưởng kinh tế theo xu hướng tích cực, tốc độ tăng trưởng GDP duy trì ở mức cao, ước đạt 6,7%, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu.

Bên cạnh đó, chỉ số lạm phát được kiểm soát, liên tiếp trong 3 năm 2016 - 2018, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân duy trì ở mức dưới 4%; thị trường tài chính duy trì tăng trưởng ổn định, tăng trưởng tín dụng ở mức 17%, đáp ứng đủ yêu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là lĩnh vực sản xuất - kinh doanh.

Các chỉ tiêu quan trọng khác, đó là nợ công giảm xuống từ 63,7% cuối năm 2016 xuống còn khoảng 61,4% năm 2018; thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với dự toán và tăng 5,5% so với năm 2017; bội chi ngân sách ước đạt 3,67%, vượt mức chỉ tiêu Quốc hội giao…

Tuy tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 là tích cực, nhưng thách thức, khó khăn phía trước vẫn còn rất lớn. Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi tổ chức hội nghị trực tuyến mong muốn nhận ý kiến đóng góp, cũng như thảo luận các biện pháp điều hành để hoàn thành Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2018, và xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019.

Cùng với đó, các vấn đề được tập trung thảo luận còn là giải ngân vốn đầu tư công, vốn ODA, thu hút FDI, tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, cũng như việc xây dựng thể chế, mà cụ thể là sửa đổi Luật Đầu tư công, xây dựng Luật sửa đổi các Luật về Quy hoạch; Luật PPP…

OECD: Căng thẳng thương mại đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cảnh báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có nguy cơ sụt giảm trong bối cảnh mâu thuẫn thương mại gia...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư