Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Tạo môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch và công bằng trong công tác đấu thầu
Anh Trung - 28/08/2018 07:11
 
“Công tác đấu thầu trong nước chuyển đổi theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, quan trọng nhất là đã tăng cường được tính hiệu quả trong việc mua sắm công”, ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đầu thầu (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định.

Thưa ông, có thể đánh giá nhanh về công tác đấu thầu hiện nay?

Luật Đấu thầu 2013 và các nghị định, thông tư hướng dẫn liên quan đi vào thực thi đã tạo ra khung khổ pháp lý khá đầy đủ về công tác đấu thầu, có thể nói là tiệm cận với quy định của thế giới. Thậm chí, có nhiều điểm còn tiến bộ hơn, như về mặt thời gian rút ngắn hơn so với các quy định của các tổ chức quốc tế. 

Nhờ vậy, công tác đấu thầu trong nước thời gian qua  đã từng bước chuyển đổi theo hướng ngày càng công khai, minh bạch, quan trọng nhất là đã tăng cường được tính hiệu quả trong mua sắm công.

Đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả mua sắm công của chính phủ. Trong ảnh: Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ảnh: Đức Thanh
Đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu để tăng cường hiệu quả mua sắm công của chính phủ. Trong ảnh: Diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 mới được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức tại Hà Nội ảnh: Đức Thanh

 

Minh bạch luôn là vấn đề được nhà thầu, nhà đầu tư quan tâm hàng đầu trong công tác đấu thầu. Vậy theo ông, đâu là những tác nhân chính tạo nên điều này? 

Các yếu tố tạo nên sự minh bạch hiểu một cách đơn giản theo nghĩa đen là “sáng rõ”. Nghĩa của khái niệm “sáng rõ” này phải bao trùm mọi khía cạnh của công tác đấu thầu. Chẳng hạn, trong các văn bản quy phạm pháp luật, thì chữ nghĩa phải dễ hiểu, rõ ràng, không mập mờ, gây hiểu lầm; trong quy trình đấu thầu thì cần công khai, minh bạch trong tất cả các khâu, từ thiết kế gói thầu, mời thầu, chấm thầu, thông báo kết quả đấu thầu... Theo quy định hiện hành, thông tin về gói thầu phải đăng tải công khai trên phương tiện truyền thông và hệ thống thông tin đấu thầu quốc gia....

Một yếu tố nữa, tôi cho rằng rất quan trọng, là công tác đấu thầu đang chuyển dần từ đấu thầu truyền thống (hồ sơ giấy tờ, tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu/chủ đầu tư với nhà thầu), sang đấu thầu qua mạng (hầu hết mọi công đoạn đều diễn ra trực tuyến, trên môi trường Internet, hạn chế tối đa sự tiếp xúc con người với con người). Đây có thể coi là bước tiến lớn trong việc tăng tính công khai minh bạch trong hoạt động đấu thầu.

.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đầu thầu

Ông nhận định như thế nào về vai trò của đấu thầu qua mạng trong việc góp phần triển khai hiệu quả công tác đấu thầu?

Đấu thầu qua mạng là việc áp dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu nhằm đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đấu thầu, công khai thông tin trên Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia, giảm thiểu sự tiếp xúc trực tiếp giữa chủ đầu tư, bên mời thầu với các nhà thầu.

Kinh nghiệm đấu thầu trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu nhất để tăng cường hiệu quả mua sắm công của chính phủ, thể hiện ở các chỉ tiêu như tăng tính cạnh tranh, tỷ lệ tiết kiệm cao, giảm thời gian chuẩn bị hồ sơ, giảm chi phí đi lại, chi phí in ấn của nhà thầu, bên mời thầu.  

Việc xây dựng Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia cũng góp phần quản lý thống nhất thông tin về đấu thầu trên phạm vi cả nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu nâng cao khả năng giám sát, thống kê hiệu quả công tác đấu thầu. 

Sau nhiều năm triển khai, đấu thầu điện tử có gặp phải vướng mắc? 

Có thể nói, việc triển khai đấu thầu qua mạng trong thời gian qua gặp nhiều thuận lợi nhờ nhận được sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng và Chính phủ. Các bộ, ban, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư, bên mời thầu trực thuộc triển khai đấu thầu qua mạng theo lộ trình quy định. 

Kết quả thực hiện đấu thầu qua mạng cũng cho thấy nhiều tín hiệu khả quan, số lượng gói thầu áp dụng phương thức lựa chọn nhà thầu qua mạng tăng lên nhanh chóng theo từng năm.

Tuy nhiên, việc triển khai đấu thầu qua mạng vẫn có một số vướng mắc. 

Về nguyên nhân, có thể kể tới việc mới triển khai nên nhiều nhà thầu chưa nắm bắt được thông tin và bỏ lỡ cơ hội tham gia cạnh tranh sòng phẳng đối với các gói thầu lựa chọn nhà thầu qua mạng, nên số lượng nhà thầu tham gia đấu thầu qua mạng còn chưa cao. Bên cạnh đó, Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia hiện tại được phát triển trên nền tảng công nghệ do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ từ năm 2009, nên người dùng còn gặp một số trở ngại khi thao tác trên Hệ thống. Cục Quản lý đấu thầu đang quyết liệt triển khai các biện pháp để tháo gỡ các khó khăn nêu trên nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên liên quan trong quá trình áp dụng đấu thầu qua mạng.

Trong thời gian tới, chủ trương, kế hoạch thúc đẩy triển khai đấu thầu qua mạng như thế nào, thưa ông?

Vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống Mạng đấu thầu quốc gia, trong đó hướng dẫn cụ thể các bước lựa chọn nhà thầu qua mạng và các mẫu hồ sơ mời thầu được số hóa dưới dạng web form đối với gói thầu hàng hóa, xây lắp, dịch vụ phi tư vấn áp dụng đấu thầu qua mạng.

Song song với đó, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia thuộc Cục Quản lý đấu thầu cũng liên tục nâng cấp, chỉnh sửa hệ thống hiện tại để khắc phục các khó khăn về kỹ thuật như dung lượng tệp tin dự thầu, cải thiện giao diện thân thiện với người dùng. 

Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Quản lý đấu thầu cũng đang xây dựng hệ thống giám sát, thống kê công tác đấu thầu, hệ thống danh mục sản phẩm và tích cực tham gia “Sáng kiến về hợp đồng công khai” do Tổ chức Sáng kiến toàn cầu về công khai hợp đồng và Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai. 

Trong tương lai không xa, kết quả lựa chọn nhà thầu, kết quả thực hiện hợp đồng của các gói thầu sẽ được công khai chi tiết hơn; năng lực, kinh nghiệm của nhà thầu cũng như lịch sử tham gia đấu thầu và quá trình thực hiện hợp đồng của nhà thầu sẽ được thống kê, công bố công khai và uy tín của nhà thầu sẽ được đánh giá bởi các bên liên quan như chủ đầu tư, người dân khu vực thực hiện dự án, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng, Hiệp hội Nhà thầu tư vấn xây dựng...

Hoạt động đấu thầu đã từng bước khẳng định vai trò quan trọng đối với việc nâng cao hiệu quả hoạt động chi tiêu công, nhưng những hạn chế, bất cập trong công tác này là khó tránh khỏi. Theo ông, nên ứng xử thế nào với những lỗ hổng về pháp lý đang tồn tại? 

Trước hết, phải khẳng định là có những hiện tượng bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó nổi bật là yếu tố con người (trong quá trình thực thi) do khung khổ pháp lý chưa hoàn thiện.

Để giải quyết những vấn đề này, được sự phê duyệt của Lãnh đạo Bộ, chúng tôi đang quyết liệt và nghiêm túc triển khai việc thi và cấp Chứng chỉ hành nghề đấu thầu. Điều này sẽ giúp nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng của chủ đầu tư, bên mời thầu, hạn chế tình trạng hoàn toàn phụ thuộc và tư vấn đấu thầu, dẫn tới những sai phạm trong công tác đấu thầu.

Mặt khác, Cục cũng đang không ngừng hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, nhằm tạo một môi trường pháp lý đầy đủ, minh bạch và công bằng cho tất cả mọi người. Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo Chính phủ có biện pháp mạnh mẽ nhằm thúc đẩy thực hiện các gói thầu mua sắm công theo hình thức đấu thầu qua mạng, điều này chắc chắn sẽ giúp giảm tiêu cực, góp phần chấm dứt vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” hay cài cắm các điều khoản hạn chế sự tham gia của bên ứng thầu.

Đấu thầu qua mạng: Vướng mắc chính nằm ở nhận thức
Triển khai rộng rãi và đạt được một số kết quả tích cực, song đấu thầu qua mạng vẫn chưa vượt qua được rào cản nhận thức để thực...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư